
Các chuyên gia chỉ ra, yếu tố để xây dựng nên trung tâm tài chính tại gồm: hạ tầng hiện đại; khung pháp lý linh hoạt và minh bạch; thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế; nguồn nhân lực chất lượng cao; ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội; quản lý rủi ro và an ninh mạng. Hội tụ những yếu tố này, TP HCM có nhiều tiềm năng để xây dựng mô hình trung tâm tài chính, trong vai trò đầu tàu kinh tế Việt Nam.
Theo kế hoạch, Trung tâm Tài chính Quốc tế TP HCM dự kiến vận hành từ năm 2025 và hoàn thành trong 5 năm. Đây được xem là động lực quan trọng nâng tầm vị thế của thành phố và mở ra cơ hội thu hút nhà đầu tư quốc tế, gia tăng nguồn vốn FDI, thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong tương lai.

TP HCM đã bắt đầu nghiên cứu để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế từ sớm, tạo lợi thế định hình hệ sinh thái tài chính. Đến nay, thành phố có hệ thống ngân hàng thương mại đã hoạt động hơn 40 năm, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM phát triển 25 năm. Đây cũng là nơi tập trung nhiều định chế tài chính nhất của cả nước, gồm các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, quỹ bảo hiểm, nhiều ngân hàng nước ngoài.
Ngay sau công cuộc Đổi mới vào năm 1986, nhiều ngân hàng thương mại tư nhân ra đời. Trong số đó có HDBank với tên gọi ban đầu là Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP HCM, thành lập ngày 4/1/1990.
Ban đầu, HDBank hướng đến mục tiêu phát triển nhà ở và chỉnh trang đô thị, góp phần xây dựng TP HCM văn minh hiện đại. Gắn với tên gọi của thành phố mang tên Bác, trong quá trình xây dựng, phát triển, đơn vị luôn đồng hành cùng quá trình đổi mới của TP HCM, đất nước. Nối tiếp, nhiều cái tên khác ra đời, góp phần hình thành hệ sinh thái tài chính đa dạng

Đến năm 2000, thành phố đánh dấu bước chuyển lớn khi thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), nơi khởi đầu của thị trường chứng khoán Việt Nam. Từ phiên giao dịch đầu tiên với chỉ hai doanh nghiệp, đến nay HoSE đã trở thành sàn giao dịch lớn nhất cả nước, đóng vai trò trung tâm trong huy động vốn và phát triển thị trường vốn chuyên nghiệp.
Những mô hình tiên phong ấy phát triển bền vững, liên tục đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của TP HCM và cả nước cho đến hôm nay.

Năm 2024, GRDP của TP HCM cán mốc gần 1,8 triệu tỷ đồng – gấp hơn 27.000 lần so với năm đầu đổi mới. Từ chỗ chỉ chiếm khoảng 10% quy mô kinh tế Việt Nam, TP HCM từng có giai đoạn chiếm tới 25%, trước khi dần giảm xuống mức hơn 15% như hiện nay. Dù vậy, nơi đây vẫn giữ vai trò “xương sống” của nền kinh tế quốc gia. Năm 2025, TP HCM được Chính phủ giao tăng trưởng 8,5% và tự đề ra mục tiêu tăng 10%.
Trong bối cảnh đó, những mô hình kinh tế tư nhân đầu tiên cũng đạt nhiều bước tiến. HoSE đang chuẩn bị vận hành hệ thống KRX hiện đại – một trong những điều kiện quan trọng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng, tạo động lực thúc đẩy TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc gia.
Năm 2024, giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu niêm yết trên HoSE đạt hơn 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 14,3% so với kết thúc năm 2023. HoSE đóng góp khoảng 1.680 tỷ đồng trong tổng doanh thu 2.240 tỷ đồng của VNX (công ty mẹ).

Qua hơn 30 năm, khu Tân Thuận 300 ha đã trở thành một trung tâm hiện đại và đa chức năng, tập trung công nghệ cao, phần mềm, doanh nghiệp có giá trị gia tăng cao. Cuối năm 2021, khu chế xuất thu hút 233 dự án đầu tư đến từ 25 quốc gia, tổng vốn đầu tư đạt khoảng 2,1 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 60.000 lao động.
Hiện, một số chuyên gia đề xuất chuyển đổi khu chế xuất thành khu công viên khoa học công nghệ, kỳ vọng là nơi tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất giúp tăng trưởng kinh tế, đào tạo nhân lực công nghệ cao.

Còn với hệ thống ngân hàng, đến tháng 11/2024, tổng tài sản đạt 21.938 tỷ đồng, tăng trưởng 9,29% so với cuối năm 2023; vốn điều lệ đạt 1.100 tỷ đồng, tăng 9,74% so với cuối năm 2023. Đến ngày 20/3/2025, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt hơn 15,9 triệu tỷ đồng, tăng 1,98% so với cuối năm 2024 và tăng 17,60% so với cùng kỳ năm 2024.
Tại ngày 31/12/2024, tổng vốn điều lệ của 28 ngân hàng thương mại trong nước đạt khoảng 823.500 tỷ đồng (tương đương 33 tỷ USD), tăng 15% so với năm trước. Tổng nguồn vốn huy động của nhóm này đạt khoảng 2,14 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 13,1% so với năm 2023.
Riêng tại HDBank, đơn vị dần định hình mô hình tập đoàn tài chính – ngân hàng hiện đại, tích hợp đa nền tảng. Năm 2024, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng trưởng gần 26 lần, tốc độ tăng bình quân 39% một năm. Tổng tài sản tăng 6 lần, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 21,5%, vốn điều lệ tăng trên ba lần. Lãi trước thuế 2024 đạt 16.730 tỷ đồng, tăng 28,5% so với năm trước.

Nhà băng cũng đóng vai trò đồng hành cùng thành phố trong các nhiệm vụ kinh tế quan trọng. Ngày 17/1 Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức lễ công bố quyết định chuyển giao Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) – một tổ chức tín dụng đã gắn bó sâu sắc với Thành uỷ TP HCM qua nhiều giai đoạn phát triển kinh tế – cho HDBank. Vikki Digital Bank cũng đồng hành cùng tuyến Metro số 1 từ những ngày đầu đi vào vận hành, gia tăng tiện ích cho công trình giao thông biểu tượng của thành phố.
HDBank còn xây dựng Galaxy Innovation Hub, trung tâm đổi mới sáng tạo công nghệ tài chính trong ngành ngân hàng tại Việt Nam, đặt tại TP HCM. Trung tâm có diện tích hơn 35.000 m2, tại Khu Công nghệ cao TPHCM, hoạt động từ ngày 1/11/2023. Trung tâm trở thành điểm đến hợp tác của nhiều tập đoàn công nghệ đa quốc gia như Nidec, Nipro (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Intel, Meta và Google (Mỹ)…
Từ mô hình ngân hàng cổ phần đầu tiên, khu chế xuất đầu tiên đến sàn chứng khoán đầu tiên, TP HCM dần tiếp tục hành trình tiến tới mô hình trung tâm tài chính đa dạng hóa, đặt mục tiêu vươn lên thách thức vai trò của các trung tâm tài chính ở tầm quốc tế gần trong cùng khu vực.
Nội dung: Hoàng Đan | Thiết kế: Thái Hưng