
Bà Hồ Thị Quyên, phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), đánh giá tiềm năng của thị trường Thái Lan với nhiều cơ hội xuất khẩu lớn cho nông sản, thực phẩm Việt – Ảnh: P.Q.
Ngày 22-5, hội thảo “Thách thức, cơ hội và tiềm năng khi xuất khẩu vào thị trường Thái Lan” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Tập đoàn Central Retail Việt Nam tổ chức, giúp các doanh nghiệp tiếp cận những thông tin hữu ích và có giá trị về thị trường Thái Lan, nhằm chinh phục thị trường tỉ đô và vươn xa hơn trên trường quốc tế.
Thị trường Thái Lan: Đối tác thương mại số 1 của Việt Nam trong khối ASEAN
Phát biểu tại hội thảo, bà Hồ Thị Quyên, phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), đánh giá Việt Nam – Thái Lan có vị trí địa lý gần, hai nước tận dụng tối đa lợi thế hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và logistics.
“Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thái Lan trong khu vực”, bà Quyên nhấn mạnh.
Minh chứng cho điều này, bà Quyên dẫn ra nhiều hiệp định và thỏa thuận thương mại giúp cắt giảm thuế quan, giúp doanh nghiệp hai bên xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và mở rộng thị trường sang các quốc gia thứ ba.
Chẳng hạn: Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…
Mới đây, Việt Nam và Thái Lan đã chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Ngoài ra, chiến lược “Ba kết nối” gồm kết nối chuỗi cung ứng, tăng cường hợp tác trong sản xuất và phân phối hàng hóa; kết nối các ngành kinh tế, địa phương và doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác giữa các khu vực và doanh nghiệp hai nước; kết nối các chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững… được hai bên chú trọng.
Với TP.HCM, theo bà Quyên, Thái Lan là đối tác quan trọng trong thương mại, đầu tư, văn hóa và du lịch nên thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thâm nhập vào thị trường này cũng như các nước ASEAN.
Thị trường vô cùng tiềm năng nhưng rào cản không hề nhỏ
Là thị trường có sức mua ngày càng tăng, là điểm đến vô cùng tiềm năng, tuy nhiên theo các chuyên gia, để tiếp cận thị trường này hiệu quả, doanh nghiệp Việt cần vượt qua các thách thức về rào cản kỹ thuật, cạnh tranh, hạn chế xuất khẩu, chất lượng và thị hiếu tiêu dùng, chất lượng sản phẩm…
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam, cho biết từ năm 2016 đến nay, thông qua nhiều chương trình đã có 500 doanh nghiệp Việt giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng Thái Lan, qua đó tăng cường cơ hội xuất khẩu.
Cụ thể nhiều loại trái cây Việt Nam như vải thiều, nhãn, thanh long được xuất khẩu đều đặn sang Thái Lan; các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, trà, cà phê, thủ công mỹ nghệ… có mặt ở thành phố Udon Thani…

Các chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ những giải pháp để doanh nghiệp “mở khóa’, vượt qua những rào cản để xuất khẩu vào thị trường Thái Lan – Ảnh: P.Q.
Trong khi đó, ông Chailermchai Pornsiripiyakool, phó chủ tịch phụ trách đối ngoại quốc tế và phát triển bền vững, Tập đoàn Central Retail Việt Nam, chỉ ra nhiều giải pháp để xuất khẩu vào Thái Lan.
Trong đó ông lưu ý đến bao bì; tuân thủ quy định về nhãn mác và hướng đến phát triển xanh, chứng nhận kiểm dịch thực vật đối với thực phẩm tươi sống hoặc tiêu chuẩn của Viện Tiêu chuẩn công nghiệp Thái Lan (TISI) đối với hàng phi thực phẩm…
“Giá cả sản phẩm phải hợp lý, kết hợp với các chương trình khuyến mãi theo mùa. Đồng thời việc cung cấp thông tin rõ ràng và làm nổi bật điểm mạnh của sản phẩm là rất quan trọng để thu hút người tiêu dùng. Hiện các mặt hàng Việt Nam có tiềm năng lớn tại thị trường Thái Lan bao gồm hải sản, khoai lang, thanh long, cà phê, nước xốt và gia vị”, vị này nhấn mạnh.
Tương tự, với quy trình nhập khẩu vào Thái Lan, ông Chailermchai Pornsiripiyakool cho biết thêm với mặt hàng thực phẩm, giấy phép nhập khẩu thực phẩm từ FDA Thái Lan là bắt buộc; các chứng từ như chứng nhận sản xuất, bảng thông số kỹ thuật sản phẩm, bảng liệt kê 100% nguyên liệu thành phần; nếu bao bì có các ghi nhãn đặc biệt như “giàu vitamin” hay “ít đường” cần phải có kết quả kiểm nghiệm bổ sung…
Tại hội thảo, ông Nguyễn Khánh Duy Thịnh, quản lý đối ngoại Tập đoàn Central Retail Việt Nam, cung cấp thêm những thông tin giá trị về quy trình đưa hàng hóa vào hệ thống của Central Retail, bao gồm 5 bước chính: duyệt hồ sơ; đàm phán và ký kết hợp đồng; tạo dữ liệu nhà cung cấp và hàng hóa trên hệ thống; đặt hàng và giao hàng; thanh toán…
Quý 1-2025, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Thái Lan đạt 5,17 tỉ USD
Năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thái Lan đạt 20,26 tỉ USD, tăng gần 6,4% so với năm trước. Trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt khoảng 7,81 tỉ USD, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực bao gồm điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị, sắt thép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và nông sản (trái cây tươi, thủy sản, cà phê…).
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan đạt khoảng 12,45 tỉ USD, với các nhóm hàng chính như máy móc thiết bị, ô tô nguyên chiếc, linh kiện điện tử và hàng điện gia dụng.
Theo số liệu từ Cục Hải quan, quý 1-2025 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Thái Lan đạt 5,17 tỉ USD, tăng 8,36% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2025 đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan. Hai nước đã cam kết phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỉ USD, hướng tới sự cân bằng và bền vững hơn.