Vinacapital: Doanh nghiệp tư nhân đang đón ‘làn gió mới’

Vinacapital: Doanh nghiệp tư nhân đang đón ‘làn gió mới’ – rss

Nghị quyết 68 tạo động lực để các quỹ đầu tư tăng cường rót vốn vào khu vực tư nhân, định hình lại cách doanh nghiệp phát triển bền vững, theo phó giám đốc VinaCapital.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 68 về phát triển và nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế tư nhân, xác định rõ đây là “động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”. Trong bối cảnh này, bà Nguyễn Thị Diệu Phương, Phó giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, có buổi chia sẻ cùng VnExpress về những tác động của nghị quyết đối với dòng vốn đầu tư tư nhân cùng chiến lược của VinaCapital trong giai đoạn tới.





Bà Nguyễn Thị Diệu Phương, Phó giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital. Ảnh: NVCC

Bà Nguyễn Thị Diệu Phương, Phó giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital. Ảnh: NVCC

– Bối cảnh hiện nay mang đến những cơ hội và thách thức gì cho các quỹ đầu tư tại Việt Nam?

– Nghị quyết 68 là “làn gió mới”, khẳng định khu vực doanh nghiệp tư nhân là động lực cốt lõi của nền kinh tế quốc gia. Về cơ hội, nghị quyết tạo niềm tin cho doanh nghiệp tư nhân thông qua chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, ưu tiên khắc phục hậu quả thay vì xử phạt hình sự. Điều này giảm rủi ro pháp lý, tăng niềm tin cho các quỹ đầu tư về khả năng sinh lời cũng như thoái vốn an toàn.

Nghị quyết mang đến các ưu đãi giúp doanh nghiệp phát triển, từ đó tạo động lực để quỹ đồng hành lâu dài. Thêm nữa, các chương trình như “Go Global” hay “1.000 doanh nghiệp tiên phong” thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này mở ra cơ hội cho các quỹ đầu tư tìm kiếm những doanh nghiệp SMEs hoặc startup công nghệ có tiềm năng mở rộng quy mô.

Cuối cùng, việc khuyến khích hợp tác công – tư (PPP) tạo điều kiện cho các quỹ tham gia vào các dự án lớn về hạ tầng, năng lượng, công nghệ cao – những lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn, có khả năng sinh lời và tạo tác động bền vững lâu dài.

Bên cạnh cơ hội, Nghị quyết 68 cũng đặt ra những thách thức cho các quỹ đầu tư. Trước tiên, việc chuyển hóa nghị quyết thành các văn bản pháp luật rõ ràng, khả thi và được thực thi nhanh chóng vẫn là bài toán lớn. Trên thực tế, nhiều dự án vẫn vướng ở khâu thẩm định kỹ thuật tại các bộ, ngành hoặc địa phương, đây là mối lo lớn nhất của các quỹ đầu tư.

Ngoài ra, khi khu vực tư nhân trở thành ưu tiên, sức cạnh tranh giữa các quỹ sẽ gia tăng. Việc tìm ra những doanh nghiệp có năng lực quản trị, tiềm năng tăng trưởng và tuân thủ chuẩn mực quốc tế trở thành bài toán không đơn giản, nhất là trong bối cảnh ESG và chuyển đổi xanh ngày càng là tiêu chuẩn bắt buộc.

– Bối cảnh này có tác động gì đến VinaCapital? Nghị định mới có định hình lại cách quỹ lựa chọn các doanh nghiệp mục tiêu để đầu tư không?

– Nghị quyết 68 là “làn gió mới”, củng cố niềm tin của các quỹ đầu tư vào khu vực kinh tế tư nhân. Đây là động lực để chúng tôi tiếp tục tìm kiếm, đồng hành doanh nghiệp tiềm năng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam như cách mà chúng tôi đang làm trong hơn 20 năm qua. Nghị quyết này không làm thay đổi tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp đầu tư của chúng tôi. Song, chúng tôi hy vọng nghị quyết sẽ làm cho số lượng công ty tư nhân có chất lượng tăng lên, thị trường đầu tư vốn cổ phần tư nhân sôi động hơn.

Nhìn lại hành trình hơn hai thập niên hoạt động, VinaCapital trở thành một trong những quỹ đầu tư hàng đầu, rót vốn vào nhiều doanh nghiệp tư nhân như: Tập đoàn Kido, Hòa Phát, CTCP Sữa Quốc tế (IDP), Gỗ An Cường (ACG) hay Y khoa Tâm Trí. Các khoản đầu tư này giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, gia tăng thị phần, hiện đại hóa hệ thống quản trị, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.

Trường hợp Y khoa Tâm Trí là một ví dụ điển hình về giá trị gia tăng mà chúng tôi mang lại. Từ năm 2018, sau khi nhận vốn đầu tư từ quỹ, Tâm Trí đã hợp nhất hệ thống, mở rộng từ 4 lên 8 bệnh viện, nâng công suất từ 400 lên 1.200 giường. Chúng tôi không chỉ cung cấp vốn, mà còn hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển và hệ thống vận hành hiệu quả hơn.

– Nếu không thay đổi tiêu chí đầu tư, VinaCapital có mở rộng danh mục đầu tư vào những lĩnh vực mới không, khi khu vực kinh tế tư nhân được kỳ vọng phát triển mạnh mẽ?

– Chúng tôi tập trung vào các ngành đóng vai trò chiến lược trong nền kinh tế Việt Nam như y tế, giáo dục, tài chính, bán lẻ, công nghệ thông tin và các ngành sản xuất phục vụ tiêu dùng nội địa.

Một hướng đi hiệu quả để nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh là đầu tư vào các doanh nghiệp SME trong quá trình hiện đại hóa các ngành truyền thống, vốn còn manh mún và phụ thuộc lao động thủ công. Cơ sở hạ tầng cũng là lĩnh vực đầy tiềm năng, trong bối cảnh hợp tác công – tư được thúc đẩy. Chúng tôi đang tìm hiểu các cơ hội đầu tư vào trung tâm dữ liệu, hạ tầng số, logistics và các lĩnh vực nền tảng khác phục vụ phát triển dài hạn.

Đặc biệt hơn, trong lĩnh vực công nghệ và công nghệ cao (hi-tech), Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái khởi nghiệp. Đây là thời điểm lý tưởng để các quỹ đầu tư rót vốn vào làn sóng doanh nghiệp công nghệ tiềm năng, đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn. Hai ngành này được xác định là các lĩnh vực trọng tâm, được xem như là hạt nhân phát triển của cả nước trong thập kỷ tới.

– Để thúc đẩy hoạt động đầu tư tư nhân tại Việt Nam, đơn vị có những chiến lược nào?

– Chúng tôi vẫn luôn định hướng đầu tư vào các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng bền vững, được điều hành bởi đội ngũ có tầm nhìn và đáng tin cậy. Nghị quyết 68 đề cao vai trò của quản trị, tài chính minh bạch và chuẩn hóa hệ thống kế toán, kiểm toán, những yếu tố vốn là điều kiện tiên quyết để tiếp cận vốn đầu tư quốc tế. Đây là tín hiệu tích cực, giúp rút ngắn khoảng cách giữa quỹ và doanh nghiệp.

Để tận dụng cơ hội này, các doanh nghiệp cần thể hiện sự sẵn sàng hợp tác lâu dài, khả năng thích ứng với chuyển đổi công nghệ và quản trị hiện đại. Ngoài ra, việc chủ động minh bạch, tuân thủ các tiêu chuẩn ESG là yếu tố ngày càng quan trọng khi thu hút vốn từ các nhà đầu tư tổ chức, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang tiệm cận các tiêu chí nâng hạng.

Nghị quyết 68 được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân vẫn dựa vào vốn ngân hàng. Trong khi đó, tại các nền kinh tế phát triển, vốn cổ phần đóng vai trò chủ đạo. Hiện chúng tôi tích cực tìm kiếm các doanh nghiệp tiềm năng để đầu tư. Việc khơi thông nguồn vốn từ các quỹ đầu tư sẽ giúp đa dạng hóa tài chính, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa sản xuất và phát triển các ngành mũi nhọn như AI, bán dẫn, y tế, giáo dục…

– Theo bà, kinh tế tư nhân Việt Nam có thể đạt được những cột mốc quan trọng nào trong thập kỷ tới?

– Sự tham gia của các quỹ đầu tư tư nhân giúp các doanh nghiệp cải thiện năng lực quản lý và hiệu quả hoạt động. Không chỉ cung cấp vốn, quỹ còn là đối tác phát triển, giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô, chuẩn hóa hệ thống, sẵn sàng niêm yết và tiếp cận thị trường vốn quốc tế. Ngoài ra, các quỹ đầu tư cũng thúc đẩy quá trình sáp nhập và hình thành các doanh nghiệp lớn, đủ sức cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Khi các doanh nghiệp này được niêm yết sẽ tạo thêm hàng hóa chất lượng cho thị trường chứng khoán, từ đó góp phần tăng quy mô cho thị trường vốn.

– Với định hướng từ Nghị quyết 68, đâu là những mục tiêu cụ thể mà khu vực kinh tế tư nhân có thể đạt được đến năm 2030 và 2045?

– Với những nỗ lực từ phía Chính phủ cùng với các bên liên quan, chúng tôi tin rằng, các cột mốc phát triển cho khối doanh nghiệp tư nhân đến năm 2030 và 2045 theo Nghị quyết 68 là hoàn toàn khả thi. Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu gấp đôi số lượng doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam, đạt 1-2 triệu, đi lên từ con số 940.000 doanh nghiệp hiện tại.

Việt Nam cũng hướng đến nhóm ba nước dẫn đầu ASEAN về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đến năm 2045, kỳ vọng có 3 triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả, với nhiều tập đoàn vươn tầm khu vực. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ có những doanh nghiệp tập đoàn tư nhân lớn mạnh cả về vốn, công nghệ, hệ thống và chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Hoàng Đan

Tag: kinhte-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 8

No votes so far! Be the first to rate this post.