‘Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng không đáng kể nếu thuế đối ứng của Mỹ là 10%’

‘Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng không đáng kể nếu thuế đối ứng của Mỹ là 10%’ – rss

TS Cấn Văn Lực cho rằng ảnh hưởng sẽ “không đáng kể” trong trường hợp Mỹ chỉ áp thuế đối ứng 10% với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, tương tự 126 nước khác.

Tại hội thảo về ứng phó của doanh nghiệp trước thuế đối ứng của Mỹ do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) tổ chức ngày 18/4, TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2025 của Việt Nam với chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Trong đó, kịch bản tích cực là Mỹ chỉ áp mức thuế đối ứng 10% với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, tương tự như 126 nước khác. Với kịch bản này, xuất khẩu, vốn FDI chịu ảnh hưởng không đáng kể. GDP dự kiến vẫn tăng trưởng ở mức 7,5-8%, trong khi CPI bình quân khoảng 3,5-4%.

Ở kịch bản cơ sở, ông Lực đặt giả định Việt Nam đàm phán với Mỹ để giảm mức thuế xuống 20-25%, so với 46% ban đầu, hiệu lực từ 9/7 trong vòng 1 năm hoặc sớm hơn. Sau đó, nhà điều hành sẽ tiếp tục đàm phán giảm mức thuế thấp hơn. Mức thuế này, theo chuyên gia, sẽ làm giảm kim ngạch xuất khẩu khoảng 6-7,5 tỷ USD, tương ứng tỷ lệ 1,2-1,5%. Vốn FDI dự báo giảm 3-5%, trong khi tăng trưởng GDP tăng khoảng 6,5-7%, CPI từ 4-4,5%.

Ở kịch bản tiêu cực, ông Lực cho rằng nếu Việt Nam không đạt nhiều tiến triển trong đàm phán, chịu mức thuế đối ứng 46% từ đầu tháng 7 sẽ khiến xuất khẩu giảm tới 22-24 tỷ USD, tương ứng 5,5-6%. Khi đó, vốn FDI thực hiện giảm 6-8%, GDP tăng 5,6-6%, CPI tăng lên 5%.





Cảng Lạch Huyện Hải Phòng. Ảnh: Lê Tân

Cảng Lạch Huyện Hải Phòng. Ảnh: Lê Tân

Theo rà soát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hơn 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2024 là sang thị trường Mỹ với các mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, máy móc, thiết bị. Trong đó, nhiều ngành có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ lên tới trên 40%, thậm chí vượt 50%, như gỗ, dệt may, thiết bị điện tử…

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết nếu bị áp mức thuế đối ứng cao, các doanh nghiệp Việt sẽ bị tổn thương nặng như mất thị phần, giảm sức cạnh tranh, gián đoạn sản xuất, mất việc làm, ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP và ổn định kinh tế vĩ mô.

Cùng với đó, Việt Nam có thể đối diện với các tác động dây chuyền và chuyển hướng thương mại. Đơn cử, hàng hóa từ các nước bị áp thuế sẽ tìm cách chuyển sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam làm gia tăng cạnh tranh, nguy cơ gian lận thương mại, trung chuyển hàng hóa và bị điều tra chống lẩn tránh thuế.

Hiện, Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày để các nước đàm phán. Giới chuyên gia cho rằng quá trình chuẩn bị và đàm phán này sẽ là giai đoạn quyết định.

TS Cấn Văn Lực kiến nghị Chính phủ chú trọng hơn nữa các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi với Mỹ, tăng đối thoại, đàm phán qua các kênh. Việt Nam cần sớm triển khai các giải pháp cụ thể nhằm cân bằng thương mại hơn với Mỹ, như tăng nhập khẩu, tiếp tục giảm thuế đối ứng với hàng nhập khẩu từ nước này.

Ông Lực cũng đề nghị chủ động giải quyết kịp thời, hợp lý các quan ngại, vướng mắc từ phía Mỹ quan tâm. Việt Nam cần có phương án đàm phán nhanh, hiệu quả với những cam kết, giải pháp và lộ trình cụ thể để đạt được kịch bản thuế suất thấp hơn 20-25%.

Về lâu dài, nâng năng lực thích ứng và tăng sức chống chịu của khu vực doanh nghiệp là yếu tố then chốt để Việt Nam vượt qua cú sốc hiện tại và vươn lên mạnh mẽ hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng đây cũng là thời điểm để Việt Nam nhìn lại chiến lược phát triển, nâng năng lực nội tại, chủ động thích ứng và định vị lại vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng quan điểm, TS Cấn Văn Lực chỉ ra Việt Nam có một số cơ hội nhất định trong việc mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác khi họ tìm nguồn thay thế. Việt Nam cũng có cơ hội từ xu hướng dịch chuyển đầu tư, chuỗi cung ứng.

Theo ông Đậu Anh Tuấn – Phó tổng thư ký VCCI, tự lực vẫn là nhóm giải pháp đầu tiên và quan trọng với mỗi doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần theo dõi sát các động thái của thị trường, tăng phối hợp và đàm phán với đối tác nhập khẩu, chủ động điều chỉnh cơ cấu xuất khẩu và tìm kiếm các thị trường tiềm năng khác.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết đơn vị này đã đề xuất Chính phủ tăng xúc tiến thương mại với các thị trường mới, tận dụng mức tăng ngân sách Nhà nước 30% để mở rộng các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà điều hành cần thúc đẩy nhập khẩu từ Mỹ nhằm tạo thế cân bằng trong thương mại song phương.

Ngoài ra, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư, minh bạch hóa chính sách, nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng logistic, để doanh nghiệp có thể cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững, theo đại diện VCCI.

Ở khía cạnh này, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh vai trò quan trọng của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và ngành hàng bị ảnh hưởng tiêu cực. Bên cạnh đó, nhà điều hành cần kích cầu đầu tư – tiêu dùng trong nước để giữ vững mặt trận xuất khẩu và từng bước cơ cấu lại nền kinh tế, gia tăng nội lực, tự chủ, tự cường.

Đối với doanh nghiệp, TS Cấn Văn Lực khuyên họ tận dụng tốt chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất… để tiết giảm chi phí, tinh giản quy trình bộ máy. Các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm – dịch vụ. Đồng thời, cần nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng tốt các cơ hội mới từ các hiệp định thương mại tự do.

Phương Dung

Tag: kinhte-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 3

No votes so far! Be the first to rate this post.