Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới sản xuất thành công giống cá cam đắt giá

Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới sản xuất thành công giống cá cam đắt giá – rss

cá cam - Ảnh 1.

Cá cam 20 ngày tuổi – Ảnh: ĐINH LỤA

PGS.TS Đinh Thị Lụa – viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I – thông tin như vậy trong phần tham luận tại phiên chuyên đề về chăn nuôi và thú y, thủy sản và kiểm ngư diễn ra chiều 10-5.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức.

Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới nghiên cứu, sinh sản thành công giống cá cam

Theo bà Lụa, mới đây, lần đầu tiên Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I nghiên cứu sinh sản thành công cá cam. Trước đó đơn vị cũng nghiên cứu và sinh sản thành công cá nhụ bốn râu (cá chét, cá gộc). Đây là kết quả đột phá, mở ra tiềm năng lớn cho phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp.

Bà Lụa cho biết cá cam được nuôi khá phổ biến ở các nước như Chile, Mexico, đặc biệt tại Nhật Bản, cá cam là loài cá nuôi biển chủ lực, chiếm hơn 50% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng trên biển.

Nhật Bản cũng là quốc gia nuôi cá cam lớn nhất thế giới với sản lượng 150.000 tấn mỗi năm (chiếm 90% sản lượng toàn cầu) và giá thương phẩm khoảng 1 triệu đồng/kg. Đây là loài cá được ưa chuộng tại Nhật Bản, sử dụng để chế biến sashimi, sushi tại các nhà hàng sang trọng. Ngoài ra, cá cam cũng được các nước Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu ưa chuộng và nhập khẩu nhiều.

Ở Việt Nam, cá cam là loài bản địa, đã tiến hành nuôi thử nghiệm lần đầu vào năm 1991 tại khu vực bãi Nam (bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng) bằng nguồn giống khai thác từ tự nhiên. Vì nguồn giống phụ thuộc vào tự nhiên nên ngày càng cạn kiệt, dẫn đến mô hình không ổn định.

Bước đầu nghiên cứu sản xuất giống cá cam cho thấy cá cam bắt đầu tiếp nhận và sử dụng thức ăn công nghiệp thay cho thức ăn tự nhiên từ ngày ương thứ 18, mở ra cơ hội lớn cho việc thành công trong sản xuất giống cá cam vì khâu chuyển tiếp thức ăn được cho là một khâu kỹ thuật then chốt.

“Hiện tại đàn cá cam đã được 23 ngày tuổi, và như vậy có thể nói lần đầu tiên trên thế giới, tại Việt Nam đã sản xuất thành công giống cá cam. Hiện đàn cá cam được tiếp tục ương lên cá giống để tiến tới thử nghiệm mô hình nuôi thương phẩm” – bà Lụa nói.

Bà cho biết thêm do nguồn cá giống ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt, để giảm thiểu sự phụ thuộc vào con giống tự nhiên, Nhật Bản và Trung Quốc đã và đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất giống nhân tạo cá cam nhưng chưa thành công.

Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới sản xuất thành công giống cá cam đắt giá - Ảnh 3.

PGS.TS Đinh Thị Lụa – Ảnh: TÙNG ĐINH

Đề xuất nuôi cá nhụ bốn râu quy mô hàng hóa để xuất khẩu

Đối với cá nhụ bốn râu, bà Lụa cho biết sau khi kết quả nghiên cứu thành công bước đầu về quy trình sản xuất giống và nuôi cá thương phẩm, nhiều mô hình nuôi cá nhụ ở Việt Nam đã được triển khai, song đến nay chưa thực sự phát triển được ở quy mô hàng hóa do quy trình công nghệ nuôi thương phẩm cần tiếp tục được hoàn thiện. Đặc biệt là Việt Nam chưa xây dựng được thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Để cá cam và cá nhụ bốn râu phát triển thành loài nuôi biển chủ lực quy mô công nghiệp, tạo sự đột phá theo tinh thần nghị quyết 57 trong thời gian tới, bà Lụa kiến nghị cho phép tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá cam để tối ưu các chỉ tiêu kỹ thuật với điều kiện Việt Nam.

“Cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện một số điểm tồn tại trong công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá nhụ như công nghệ cho cá đẻ nhiều lần trong năm, nghiên cứu và phát triển thức ăn chuyên biệt cho cá nhụ để rút ngắn thời gian nuôi thương phẩm và giảm hệ số sử dụng thức ăn.

Đồng thời, xây dựng chương trình phát triển nuôi cá nhụ bốn râu quy mô hàng hóa phục vụ xuất khẩu với sự tham gia của mạng lưới các doanh nghiệp”, bà đề xuất.

Ông Trần Đình Luân, cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư, cho biết theo định hướng ngành sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình, dự án khoa học công nghệ dài hạn trong nghiên cứu chọn tạo giống thủy sản tăng trưởng nhanh, kháng bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xây dựng các chương trình nghiên cứu và phát triển công nghệ nuôi quy mô công nghiệp như nuôi cá biển, nuôi cá nước mặt lớn (sông, hồ chứa), nuôi trồng và chế biến rong biển.

Nghiên cứu dịch tễ học về bệnh cho các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực, có giá trị kinh tế cao. Tiếp tục triển khai đề án các sản phẩm quốc gia đối với tôm nước lợ, cá tra và đề xuất bổ sung loài nuôi biển…

Tag: kinhte-tuoitre

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 8

No votes so far! Be the first to rate this post.