Chạy theo năng suất, dùng thuốc hóa học diệt trừ sâu, bệnh làm mất cân bằng sinh thái, côn trùng gây hại kháng thuốc, nông dân phải phun nhiều hơn, theo các chuyên gia.
Gần 30 năm canh tác xoài ở Đồng Tháp, ông Trần Minh Lộc cho biết trước đây cây ra hoa, kết trái tự nhiên. Nhưng để tăng năng suất, hiện mỗi vụ kéo dài 4-6 tháng, ông phải phun thuốc 15-18 lần, bao gồm thuốc kích thích, dưỡng trái và trừ sâu bệnh.
“Khó trị nhất là bọ trĩ. Phun thuốc liên tục mà chúng vẫn trơ trơ. Nếu không xịt là coi như mất trắng”, ông Lộc nói. Riêng thuốc trừ bọ trĩ, ông phải thay đổi liên tục vì côn trùng này đã kháng thuốc. Mỗi lần phun, chi phí hết khoảng một triệu đồng/ha, riêng tiền phân thuốc chiếm đến 50% giá thành sản xuất.

Ông Lộc phun thuốc trên xoài. Ảnh: Ngọc Tài
Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên lúa. Ông Trần Văn Là, cũng ở Đồng Tháp, cho biết mỗi vụ lúa kéo dài 3 tháng, ông phải phun 7-8 lần để trị đủ loại sâu bệnh như ốc bươu vàng, rầy nâu, đạo ôn, muỗi hành… Có năm sâu bệnh nhiều, giá lúa thấp, bán không đủ trả tiền phân thuốc.
“Sâu rầy bây giờ khó trị hơn trước, nhất là rầy nâu. Phun không đúng thuốc thì cháy tới nóc”, ông Là than.
Đối với sầu riêng, số lần phun thuốc càng nhiều hơn, có thể tính theo tuần. Chỉ cần bỏ một lần thuốc, sâu rầy cắn phá hết đọt non khiến chu kỳ ra hoa chậm thêm nhiều tháng.
Hiện Việt Nam có 1.918 hoạt chất với 4.844 tên thương phẩm là thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, tăng 98 hoạt chất và 309 loại thuốc so với năm 2023. Trong đó, thuốc trừ sâu, trừ bệnh chiếm 80% còn lại là thuốc cỏ và thuốc bảo quản.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng hằng năm vào khoảng 100.000 tấn, tức trung bình 3,8 kg một ha năm 2020, có xu hướng giảm xuống 3,2 kg một ha năm 2023.

Nông dân pha thuốc phun bằng máy bay trên ruộng lúa. Ảnh: Ngọc Tài
TS Hồ Văn Chiến, nguyên giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, cho rằng chính nông dân đã “tạo điều kiện” cho sâu bệnh kháng thuốc. “Họ phun thuốc không phải vì an toàn cây trồng mà để… an tâm”, ông nói.
Theo ông Chiến, người trồng thường ưa dùng thuốc hóa học có độc tính cao, thấy sâu chết ngay mới yên tâm. Ngược lại, họ ngại thuốc sinh học vì tác dụng chậm, dù an toàn và bảo vệ thiên địch. Kết quả là hệ sinh thái bị phá vỡ, côn trùng có hại tiến hóa, kháng thuốc mạnh hơn.
Ông dẫn nghiên cứu cho thấy rầy nâu có thể sinh ra 65 thế hệ mỗi năm. Ở thế hệ thứ 56, chúng đã kháng hoạt chất Buprofezin gấp 3.600 lần. Năm 2017, khảo sát của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam tại Tiền Giang cho thấy rầy nâu thế hệ thứ 6 kháng thuốc Nitenpyram gấp 180 lần và chưa có dấu hiệu dừng lại.
“Phun ngừa xuyên suốt, dùng đi dùng lại một loại thuốc là cách tốt nhất để sâu bệnh… tiến hóa”, ông Chiến nói.
PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, lý giải nông dân chạy theo năng suất nên dùng nhiều phân bón, thuốc kích thích tăng trưởng. Cây xanh tốt, trồng dày dẫn đến sâu bệnh kéo đến nhiều hơn. Để bảo vệ cây, lại phải phun thuốc – một vòng lặp khó thoát.
“Muốn có năng suất thì tốn chi phí, phun xịt nhiều thì sâu bệnh càng nhiều”, ông Châu nói.

Drone phun thuốc ở vườn ăn trái ở Cà Mau. Ảnh: Chúc Ly
Ông cho rằng canh tác hữu cơ, bảo vệ sinh thái là hướng đi tất yếu. Chuyên gia dẫn ví dụ nông dân Malaysia trồng sầu riêng thưa, không dùng phân thuốc, năng suất thấp nhưng giá bán cao vì chất lượng đảm bảo. Họ chỉ thu trái khi chín rụng tự nhiên, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Tương tự, tại Nhật, người dân sẵn sàng trả 10 USD cho một quả xoài đỏ nội địa, nhưng không mặn mà với hàng nhập ngoại chỉ có giá 1 USD – dù hình thức không khác biệt.
“Sầu riêng Ri 6 cùng nhiều loại cây trái bản địa của Việt Nam rất ngon, không thiếu người tiêu dùng chấp nhận trả giá cao để thưởng thức. Mình cần sản xuất sạch, an toàn hơn để đẩy mạnh thị trường trong nước”, ông Châu chia sẻ.
Theo các chuyên gia, để giảm lệ thuộc vào thuốc hóa học, Việt Nam cần áp dụng mô hình canh tác sinh thái như tăng cường thiên địch, bảo vệ côn trùng có ích như ong ký sinh, bọ rùa; canh tác đồng bộ, né rầy; tránh sử dụng một loại thuốc liên tục nhiều vụ; ưu tiên thuốc sinh học tuy hiệu quả chậm hơn nhưng bền vững và thân thiện môi trường…
Ngọc Tài