Tuyên bố TP HCM kêu gọi các quốc gia ưu tiên chính sách hòa bình, phát triển bền vững về môi trường và công bằng kinh tế thay vì chạy đua quân sự, khai thác tài nguyên quá mức.
Sáng 8/5, tại lễ bế mạc Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc-Vesak 2025 ở học viện Phật giáo, huyện Bình Chánh, các đại biểu từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thống nhất ra tuyên bố TP HCM.
Tuyên bố do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trình bày gồm bảy điều: Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm; Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới; Tha thứ, chữa lành bằng chánh niệm và hòa giải; Từ bi Phật giáo trong hành động – Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người; Chánh niệm trong giáo dục vì tương lai nhân ái và bền vững; Thúc đẩy đoàn kết, nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu; và Nước đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2026 (Trung Quốc).

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam đọc Tuyên bố TP HCM trong lễ bế mạc Vesak 2025, sáng 8/5. Ảnh: Tích Trí
Trong đó, tuyên bố nhấn mạnh sự thúc đẩy đoàn kết, bao dung vì nhân phẩm con người, bình an nội tâm để đạt được hòa bình, tha thứ và chữa lành bằng chánh niệm để đạt được công lý bền vững sau xung đột…
Các đại biểu tham dự đại lễ cũng khẳng định cam kết trong việc vận dụng trí tuệ Phật giáo trách nhiệm đạo đức và hành động tập thể để mang lại hòa bình thế giới, bảo vệ phẩm giá con người và duy trì sự an lạc. Từ đó, đưa ra kêu gọi các quốc gia ưu tiên chính sách hòa bình, phát triển bền vững về môi trường và công bằng kinh tế thay vì chạy đua quân sự và khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên quá mức.
Áp dụng nguyên lý đạo đức Phật giáo trong quản trị, ngoại giao và phát triển bền vững. Công nhận trí tuệ Phật giáo như nguồn tài nguyên thiết yếu trong giải quyết xung đột và đạo đức toàn cầu. Cộng đồng Phật giáo quốc tế tham gia trong các nỗ lực hợp tác nhằm định hình lãnh đạo đạo đức, công bằng kinh tế và chữa lành môi trường.
“Hãy để Tuyên bố TPHCM trở thành kim chỉ nam đạo đức, khuôn khổ chiến lược và lời kêu gọi khẩn thiết hướng đến thế giới công bằng hơn, hòa bình hơn và bền vững hơn”, kết luận của tuyên bố nêu.

Người dân chờ chiêm bái xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức ở chùa Việt Nam Quốc Tự, ngày 6/5/2024. Ảnh: Quỳnh Trần
Diễn ra từ 6-8/5, đại lễ Vesak 2025 được đánh giá thành công trên 4 phương diện. Về tâm linh, hai xá lợi Đức Phật và trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức lần đầu được cung thỉnh đã thu hút hàng triệu lượt phật tử, nhân dân cả nước chiêm bái đã mang dấu ấn lịch sự và tâm linh thiêng liêng.
Về văn hoá, đại lễ đã thể hiện sự hài hoà giữa nghi lễ Phật giáo, nghệ thuật truyền thống và tinh thần hiện đại qua các sự kiện thả hoa đăng, câu siêu cho con người Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong chiến tranh, triển lãm 87 bảo vật quốc gia về Phật giáo…
Về hội thảo học thuật, kỳ Vesak này đã quy tụ hơn 1.200 đại biểu, học giả, trí thức Phật giáo đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ thảo luận về các nội dung hòa bình bền vững, đạo đức toàn cầu, giáo dục từ bi, trị liệu bằng chánh niệm, bình đẳng giới, hợp tác và hành động Phật giáo vì nhân loại.
Cuối cùng là phương tiện cầu nguyện hòa bình thế giới, trong buổi lễ thứ nhất vào tối 6/5, hơn 16.300 người đã tham dự lễ cầu nguyện hòa bình thế giới để kết nối giữa tâm linh và lòng nhân ái, thắp lên ngọn đèn trí tuệ giữa thế giới nhiều bất an.
Lễ thứ hai vào chiều 8/5 tại Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh là cách gửi gắm ước nguyện sâu xa về thế giới hòa bình, hòa hợp, bao dung để không ai bị bỏ lại sau lưng.
Đình Văn