Tôm hùm Mỹ tại cửa hàng hải sản ở quận 7 TP HCM. Ảnh: Trần Văn Trường
Trong đó, 70% các sản phẩm xuất khẩu là thủy sản nuôi trồng (tôm, cá tra, nhuyễn thể, cá nước ngọt khác), đóng vai trò quan trọng trong sinh kế của hàng trăm nghìn nông dân. 30% còn lại là thủy sản khai thác, nguồn sống của hàng trăm nghìn ngư dân. Đây cũng là thị trường nhập khẩu số 1 của tôm, cá ngừ và thị trường số 2 của cá tra Việt Nam.
Hiện có hơn 400 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu và có kế hoạch mở rộng xuất thủy sản sang Mỹ với các đơn hàng giá trị lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh cao và áp lực từ thuế chống bán phá giá, hầu hết doanh nghiệp phải áp dụng phương thức vận chuyển DDP (giao hàng tận kho), đồng nghĩa với việc họ phải trả toàn bộ chi phí vận chuyển, bảo hiểm, thuế trước khi giao hàng và chờ thanh toán từ đối tác Mỹ. Điều này đặt các doanh nghiệp vào thế rủi ro lớn khi Mỹ bất ngờ áp dụng mức thuế cao 46%.
Theo thống kê từ VASEP, có khoảng 37.500 tấn thủy sản các loại đang trên đường vận chuyển tới Mỹ, cùng 31.500 tấn hàng dự kiến xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5. Ngoài ra, các đơn hàng đã ký kết cho năm nay lên tới 38.500 tấn. Nếu hải quan Mỹ áp dụng thuế mới từ ngày 9/4 đối với hàng hóa cập cảng sau mốc này, tất cả lô hàng đang trên đường vận chuyển sẽ chịu mức thuế 46%, thay vì 0% hoặc 5,5-7% như trước đây.
Cụ thể, một lô tôm trị giá 500.000 USD, trước đây chịu thuế 5% (25.000 USD), nếu bị áp mức 46%, con số này sẽ lên đến 230.000 USD, tức tăng thêm 205.000 USD – một chi phí khổng lồ và không thể lường trước. Điều này sẽ khiến ngành thủy sản Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh, trong khi các nước xuất khẩu thủy sản khác đang hưởng mức thuế thấp hơn nhiều: Ấn Độ 26%, Ecuador 10%, Indonesia 32%, Thái Lan 36%…
Thi Hà