
Khu vực đôi bờ sông Sài Gòn tại quận 1 và Thủ Thiêm sẽ là không gian phát triển trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM – Ảnh: NGỌC HIỂN
Tại hội thảo xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM tổ chức ngày 22-4, các chuyên gia đề xuất TP.HCM không sao chép mô hình quốc tế.
Thay vào đó, phải tiếp cận việc xây dựng ranh giới trung tâm tài chính với tinh thần sáng tạo, cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố đặc thù và hiện trạng phát triển của TP nhằm tạo ra một trung tâm tài chính mang bản sắc riêng.
Dự kiến Quốc hội sẽ xem xét và thông qua việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam vào kỳ họp thứ 9 tháng 5 tới.
Xác định không gian trung tâm tài chính
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Dũng, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho hay TP đang ngày càng tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành một trung tâm tài chính quốc tế năng động và cạnh tranh trong khu vực.
Việc xác định ranh giới rõ ràng sẽ là tiền đề quan trọng để TP triển khai các bước tiếp theo, thu hút các nhà đầu tư chiến lược và xây dựng một hệ sinh thái tài chính hiện đại, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Tuy nhiên ông Đinh Khắc Huy, phó giám đốc Sở Tài chính, cho rằng việc nghiên cứu và đề xuất ranh giới địa lý cho trung tâm tài chính quốc tế của TP là nhiệm vụ khó khăn.
Hiện TP đưa ra hai phương án ranh giới chính, phương án 1 là khu vực Thủ Thiêm và một phần quận 1 với tổng diện tích lên đến 687ha.
Khu vực lõi được xác định nằm ở trung tâm Thủ Thiêm với diện tích hơn 92ha, dự kiến sẽ là nơi tập trung của trung tâm thương mại, tài chính, trụ sở cơ quan quản lý, giám sát và giải quyết tranh chấp…
Theo ông Huy, phương án này được đánh giá là có dư địa lớn cho phát triển và thu hút đầu tư dài hạn song hạn chế diện tích lớn, ảnh hưởng đến mức độ đầu tư trong ngắn hạn.
Với phương án 2, diện tích sẽ thu hẹp xuống còn 340ha, tương đương với quy mô của một số trung tâm tài chính quốc tế như Singapore. Phương án này hướng đến sự tập trung đầu tư ban đầu.
Tuy nhiên qua quá trình tham vấn, phương án mở rộng hơn (phương án 1) được đánh giá cao hơn do có thể tận dụng kinh nghiệm quốc tế và có dư địa phát triển.
Ông Huy cho rằng khu vực Thủ Thiêm có lợi thế về “đất sạch”, nhiều dư địa phát triển mới, có thể quy hoạch đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng cứng và mềm cho trung tâm tài chính quốc tế.
Còn quận 1 là trung tâm tài chính hiện hữu của TP khi tập trung nhiều định chế tài chính, ngân hàng và các tòa nhà văn phòng cao cấp. “Việc kết hợp cả hai khu vực sẽ đảm bảo hoạt động tài chính diễn ra bình thường trong quá trình xây dựng và phát triển trung tâm mới”, ông Huy nói.
Xây dựng hệ sinh thái toàn diện
Tại hội thảo, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Luật, cho rằng ngoài thu hút vốn, trung tâm tài chính quốc tế còn là nơi tập trung về công nghệ, nguồn nhân lực nên cần có tính mở và linh hoạt.
Theo ông Khánh, xu hướng của các trung tâm tài chính trên thế giới lại là mô hình mở, tập trung thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ mang tính đổi mới sáng tạo về tài chính.
“Do đó việc thiết lập ranh giới cứng có thể gây cản trở cho sự đổi mới và sáng tạo. Cần cách tiếp cận mở, xem TP.HCM là một trung tâm về dữ liệu, công nghệ và nhân lực không chỉ cho riêng trung tâm tài chính mà còn cho các lĩnh vực khác để tạo sự lan tỏa”, ông Khánh gợi ý
Trong khi đó, ông Mohammad Yousuf Al Najjar, phó chủ tịch cấp cao phụ trách phát triển và dự án của Trung tâm Tài chính quốc tế Dubai, cho rằng có hai hướng tiếp cận chính trong việc phát triển một trung tâm tài chính quốc tế.
Một là sử dụng toàn bộ TP như một trung tâm tài chính, tương tự như một phần của London. Hai là chọn một khu vực pháp lý hoặc một vùng đất cụ thể để phát triển thành trung tâm tài chính và đây là con đường mà Dubai đã lựa chọn.
“Kinh nghiệm từ Dubai cho thấy việc nghiên cứu cẩn thận khu vực xung quanh trung tâm tài chính để đảm bảo các tiện ích về nhà ở, bệnh viện, trường học là vô cùng quan trọng”, ông nhấn mạnh.
Theo ông Trần Thanh Tân – phó chủ tịch Dragon Capital, TP cần xác định không gian vật lý cụ thể để xác định hình hài của trung tâm bởi việc xác định trung tâm tài chính đầu tiên như một cái “chợ”, cần có địa điểm để người mua, người bán và các hoạt động khác diễn ra tại đây…
TS Trương Minh Huy Vũ, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhận định TP.HCM cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn cho trung tâm tài chính quốc tế.
Theo ông Vũ, một trung tâm tài chính quốc tế đòi hỏi lực lượng lao động chuyên nghiệp, có trình độ cao trong các lĩnh vực then chốt như tài chính, ngân hàng, blockchain, trí tuệ nhân tạo và quản trị rủi ro.
Nguồn nhân lực này là nền tảng để phát triển và duy trì khả năng cạnh tranh của các trung tâm tài chính. “Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ cung cấp các dịch vụ tài chính chuyên nghiệp, hiệu quả và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó nâng cao uy tín và sức hấp dẫn của trung tâm”, ông Vũ nói.
Đề xuất sandbox cho giáo dục
Ông Khánh cho rằng để xây dựng nguồn nhân lực cho trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM, cần tiếp cận đa chiều không chỉ tập trung vào yếu tố tiền tệ mà còn chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm việc đảm bảo đội ngũ chuyên gia đủ sâu về chuyên môn, đủ rộng về đa ngành, đủ nhanh để thích ứng với sự phát triển công nghệ, và đủ mở để thu hút nhân tài quốc tế.
Nguồn nhân lực cần được phát triển ở cả ba cấp độ quản lý cấp cao và hoạch định chính sách, chuyên gia cấp trung, và lực lượng đang được đào tạo. Cũng theo ông Khánh, cần có sandbox (cơ chế thử nghiệm) cho giáo dục, tương tự như sandbox cho công nghệ và tài chính.
“Sandbox giáo dục sẽ tạo ra môi trường thử nghiệm các phương pháp đào tạo mới, linh hoạt hơn, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thị trường và công nghệ, thay vì khung chương trình và quy định cứng nhắc hiện tại ở bậc đại học và sau đại học”, ông Khánh nói.