Trung Quốc, nước gây ô nhiễm nhất thế giới, đã giảm phát thải 60 triệu tấn CO2 trong quý I, mức thấp nhất 5 năm.
Nhu cầu điện của Trung Quốc những tháng đầu năm 2025 bị ảnh hưởng bởi hoạt động kinh tế trì trệ. Thêm vào đó, từ đầu tháng 2, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp tăng thuế lên hàng hóa các nước, gồm Trung Quốc.
Theo dữ liệu của công ty phân tích năng lượng toàn cầu Ember, 3 tháng đầu năm, Trung Quốc giảm phát thải từ điện ở mức 60 triệu tấn CO2, mức giảm sâu nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020 – thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.

Máy ủi đẩy than lên băng chuyền ở nhà máy điện Giang Du, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, ngày 28/1/2022. Ảnh: China News Service
Trên thế giới, lượng phát thải từ điện đạt 3.500 triệu tấn CO2, giảm hơn 6 triệu tấn. Mặc dù giảm phát thải, Trung Quốc vẫn là nước ô nhiễm nhất, chiếm 40% tổng phát thải điện toàn cầu.
Một số nền kinh tế tăng phát thải gồm Ấn Độ, Mỹ và các nước châu Âu. Trong đó, Mỹ và châu Âu tăng mạnh nhất, với 53 triệu tấn CO2, bởi tăng sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch như than và LNG.
Tại châu Âu, sản lượng điện từ than tăng 6%, còn LNG 8% so với cùng kỳ năm trước, nhằm bù đắp phần thiếu hụt điện sạch do tốc độ gió thấp kéo dài.
Tại Mỹ, nhu cầu điện tăng đều đặn cùng với sự ủng hộ mạnh mẽ nhiên liệu hóa thạch từ chính quyền ông Trump đã thúc đẩy doanh nghiệp nâng sản lượng từ nguồn điện này. Tuy nhiên, giá khí đốt tăng mạnh, các công ty điện ưu tiên sản xuất từ điện than do chi phí vận hành rẻ hơn, đẩy sản lượng điện than tăng 23%.
Giới chuyên gia dự báo lượng phát thải từ điện toàn cầu sẽ tăng trong những tháng tới. Ở góc độ kinh tế, Trung Quốc dự kiến tăng sản lượng sản xuất sau thỏa thuận tạm hoãn thuế 90 ngày với Mỹ. Việc tăng hoạt động sản xuất sẽ thúc đẩy nhu cầu điện, nhiều khả năng các công ty điện nước này phải tăng sản lượng từ nhiên liệu hóa thạch để đảm bảo nguồn cung.
Thêm vào đó, mùa hè sẽ là đỉnh phát thải từ điện Mỹ, khi nhu cầu sử dụng máy điều hòa tăng mạnh. Trong khi đó, giá khí LNG cao hơn khoảng 40% so với tháng 5/2024, nhiều khả năng điện than tiếp tục được huy động. Điều này sẽ làm tăng phát thải điện nói chung, bởi mức thải CO2 từ hoạt động đốt than tại các nhà máy điện Mỹ cao hơn so với sản xuất điện khí.
Theo Ember, năm 2024, các công ty điện Mỹ thải khoảng 950.000 tấn CO2 trên mỗi TWh điện than và 540.000 tấn CO2 mỗi TWh điện khí.
Điện than cũng chiếm một nửa trong cơ cấu nguồn cung điện tại Trung Quốc trong năm 2024. Với nhiều yếu tố trên, chuyên gia dự báo lượng khí thải từ điện toàn cầu sẽ đạt mức cao mới trong năm nay.
Bảo Bảo (theo Reuters)