Hà NộiTrong 25 phút trình bày, bị cáo Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Thái Dương, chỉ giữ bình tĩnh khoảng 5 phút, sau đó bắt đầu khóc khiến HĐXX nhiều lần phải trấn an.
Chiều 12/5, Chủ tịch Công ty Thái Dương là người đầu tiên trả lời của TAND Hà Nội. Đây là người duy nhất trong 27 bị cáo bị truy tố cả 3 tội: Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và Gây ô nhiễm môi trường.

Ông Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Thái Dương. Ảnh: Phạm Dự
Ông Huấn cho hay học hết lớp 8, năm 2002 cùng vợ và anh trai thành lập công ty Thái Dương từ 2002 đăng ký rất nhiều lĩnh vực kinh doanh, trong đó có khai thác khoáng sản, quặng và đất hiếm. Tài sản đến khi bị bắt vào năm 2023 ước tính 1.000 tỷ đồng, chưa tính 13 bất động sản liên quan công ty.
Theo cáo buộc của VKS, năm 2013, do sai phạm của các cựu cán bộ thuộc Bộ tài Nguyên môi trường, dù hồ sơ công ty chưa đủ điều kiện, hai nhà máy thủy luyện tại Yên Bái và nhà máy chiết tách tại Hải Phòng vẫn được ông Nguyễn Linh Ngọc lúc đó là Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường cấp Giấy phép khai thác đất hiếm tại mỏ Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Theo luật, trước khi khai thác, Công ty Thái Dương phải nộp thiết kế mỏ được thẩm định, phê duyệt cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái. Song đến thời điểm khởi tố vụ án, công ty này vẫn chưa lập.
5 sai phạm của doanh nghiệp này được VKS xác định là: không thông báo ngày bắt đầu khai thác mỏ; không lắp trạm cân, chưa lắp đặt camera giám sát để theo dõi lượng quặng; khai thác dù không được thuê, sử dụng đất; không thực hiện đủ báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Công ty của ông Huấn theo quy định sẽ phải hợp tác với đối tác Nhật Bản để xây dựng nhà máy chế biến sâu đất hiếm. Song ông đã hợp tác với bị cáo Lưu Vũ, quốc tịch Trung Quốc, để chỉ sơ chế quặng đất hiếm tạo ra sản phẩm là tổng oxit đất hiếm có độ sạch 18-20%, trong khi giấy phép yêu cầu độ sạch tới 99,9%.
Công ty cũng bán tinh quặng sắt sang Trung Quốc, dù quy định phải bán cho các cơ sở luyện gang thép trong nước.

Cựu thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Linh Ngọc bị xét trách nhiệm trong sai phạm cấp giấy phép khai thác cho Công ty Thái Dương. Ảnh: Phạm Dự
“Bị cáo làm thật, nhưng đang làm thì bị bắt”
Hôm nay, trong ngày tòa thẩm vấn đầu tiên, ông Huấn khóc khi thừa nhận đã chỉ đạo khai thác trái phép hơn 864 tỷ đồng và đã bán 736 tỷ đồng quặng đất hiếm và quặng sắt. Ông nói không biết gì về kế toán, giao hết cho cán bộ phụ trách, chấp nhận “con số bị cáo buộc”.
Chủ tịch Thái Dương khẳng định không tác động nhờ vả ai để được cấp phép sai quy định. Về việc chưa xây xong hai nhà máy chế biến sâu tại Yên Bái và Hải Phòng nhưng đã đi vào khai thác, ông tiếp tục khóc, nói “đã cố hết sức, đang xây rất cẩn thận, cấp tốc”. Cụ thể, Nhà máy thủy luyện tại Yên Bái đã xong và đi vào hoạt động, nhà máy tách chiết ở Hải Phòng dự kiến hoàn thành tháng 6/2024.
“Bị cáo nghĩ nó như xây nhà, phải xong cái này mới làm được cái kia”, ông Huấn chùi nước mắt, sụt sịt phân trần. Chủ tọa Trần Nam Hà truy hỏi: “Thế theo quy định là phải xây xong hai nhà máy mới bắt đầu được khai thác hay là được vừa làm vừa xây?”.
Ông Huấn khóc to hơn, nói đã nhận thức ra sai phạm, chỉ xin được nói ra nhận thức khi đó của mình.
Về cáo buộc bán quặng thô cho doanh nghiệp Trung Quốc, khi đáng lẽ phải hợp tác dây chuyền tiêu chuẩn với đơn vị Nhật Bản và bán cho doanh nghiệp tronng nước, ông Huấn nhiều lần phân trần “tưởng là chỉ cấm xuất khẩu quặng thô thôi, chứ không có quy định chỉ được bán quặng cho công ty trong nước”.
Chủ tịch Thái Dương tiếp tục nói chỉ học hết lớp 8 nên năng lực hiểu biết hạn chế. “Thực sự là bị cáo đang làm thật, chỉ là làm chưa xong chứ không phải không làm. Bị cáo đang làm thì bị bắt…”, ông Huấn tiếp tục òa khóc lớn.
Chủ tọa nhắc ông Huấn bình tĩnh khai báo: “Thế lúc làm chủ tịch công ty, họp hành ra chỉ đạo cho cấp dưới bị cáo cũng ủy mị sướt mướt thế này sao”.
Ngoài sai phạm trên, ông Huấn còn bị cáo buộc chỉ đạo nhân viên tại công ty Thái Dương thực hiện gian lận kế toán, bán “chui” khoáng sản cho hai công ty: Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam và Công ty TNHH Thương mại vận tải Hợp Thành Phát, gây thiệt hại hơn 9 tỷ đồng thuế cho Nhà nước.
Hai công ty này sau đó tiếp tục bán “chui” cho công ty khác hoặc gian lận sổ sách kế toán, mua khống hóa đơn để hợp thức hóa số đất hiếm mua từ Thái Dương. Song với sai phạm này, ông Huấn cũng nói “giao hết kế toán”, tin tưởng cấp dưới chứ không biết gì.
Chủ tịch Thái Dương cũng bị cáo buộc buôn lậu cho một người Trung Quốc số quặng đất hiếm trị giá gần 8 tỷ đồng.
Trong tội Gây ô nhiễm môi trường, ông Huấn bị cáo buộc đã chỉ đạo nhân viên xả trái phép hơn 350.000 tấn chất thải ra môi trường, trong đó thải thạch cao 2.425 tấn và bùn thải quặng 348.770 tấn.
Vẫn khai báo trong nước mắt, ông Huấn khẳng định đã xây các bồn thải, chứa bùn thải theo đúng quy định, quy trình vận hành tự động. Vợ chồng bị cáo còn ở ngay trên mỏ nên phải làm cẩn thận lắm, “chứ cái phóng xạ nó khủng khiếp lắm”.
Trong phần thủ tục sáng nay, ông Huấn khai báo có 3 tiền án năm 1980, 1989 và 1990 về các tội Xuất nhập cảnh trái phép, Đầu cơ và Buôn lậu, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Nguyễn Quang Mạnh, Giám đốc điều hành mỏ Yên Phú thuộc Công ty Thái Dương tại tòa khẳng định đã góp ý với chủ tịch về sai phạm. Ảnh: Phạm Dự
Giám đốc mỏ khẳng định đã “góp ý Chủ tịch nhiều lần”
Trong khi chủ tịch Huấn khẳng định số liệu, doanh thu kế toán của công ty đều giao hết nhân viên do ông không có chuyên môn. Khai báo sau đó, bị cáo Nguyễn Văn Chính, Phó giám đốc kiêm Kế toán trưởng của Thái Dương, khẳng định là “người lệ thuộc cấp trên”.
Ông Chính bị cáo buộc là đồng phạm Chủ tịch Huấn trong hành vi khai thác lậu đất hiếm và bỏ ngoài sổ sách kế toán doanh thu, hợp đồng gây thất thoát về thuế.
Do chuyên môn chính là kế toán, ông nhận trách nhiệm với tội thứ hai, song xin HĐXX xem xét lại vai trò ở tội thứ nhất do không trực tiếp phụ trách việc khai thác tại mỏ.
Về 736 tỷ đồng thu được từ việc bán đất hiếm, ông Chính nói ông Huấn đã chi vào đầu tư, sản xuất, chi trả phí vật liệu và xâu dựng xưởng thủy luyện ở Yên Bái – công trình theo ông “tuy chưa tổng hợp nhưng ngốn rất nhiều tiền”.
Bị truy tố ở tội Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên, bị cáo Nguyễn Quang Mạnh, Giám đốc điều hành mỏ Yên Phú thuộc Công ty Thái Dương nói chỉ đảm nhận chức này 4 tháng giữa năm 2018, “quản lý mỗi 2 máy xúc và một máy ủi”, phụ trách mở các mỏ chưa khai thác chứ không trực tiếp phụ trách đội khai thác. Bị cáo sau đó về lại văn phòng tại Hà Nội làm chuyên môn địa chất, mỏ sau đó được Chủ tịch Huấn trực tiếp điều hành.
Trong 4 tháng làm việc tại mỏ Yên Phú, bị cáo Mạnh khẳng định đã nhận thấy mỏ không có trạm cân, không có camera để theo dõi sản lượng như các mỏ khác. Bị cáo do đó đã nhiều lần đề cập trực tiếp với chủ tịch Huấn và được trả lời “sẽ lắp”, nhưng theo cáo buộc của VKS, đến khi vụ án được điều tra, mỏ vẫn không có trạm cân hay camera.
Phiên tòa đang tiếp tục, dự kiến kéo dài 10 ngày.
Thanh Lam