Trợ cấp thất nghiệp vài triệu đồng ‘không đủ trang trải cuộc sống’

Trợ cấp thất nghiệp vài triệu đồng ‘không đủ trang trải cuộc sống’ – rss

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đang bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là mức hưởng thực tế quá thấp, không đáp ứng nhu cầu sống cơ bản của người lao động sau khi mất việc.

Đó là nhận định chung tại tọa đàm về chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho công chức, viên chức, người lao động sau sắp xếp đơn vị hành chính, do báo Dân Việt tổ chức chiều 19/5.

Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ Nội vụ), cho biết theo quy định hiện hành, người lao động được hưởng trợ cấp bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng BHTN trong 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng. Dù tỷ lệ này được cho là “không thấp”, nhưng do phần lớn người lao động chỉ đóng ở mức tối thiểu cộng phụ cấp (khoảng 6 triệu đồng/tháng), nên khoản thực nhận thường chỉ 3,4 triệu đồng/tháng.

“Mức trợ cấp hiện nay không đủ đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho cả gia đình người lao động khi mất việc”, ông Tú thừa nhận. Ông cũng cho biết, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi dự kiến trình Quốc hội thông qua ngày 11/6 đã tiếp thu nhiều góp ý về mức hưởng, tuy nhiên việc điều chỉnh phải dựa trên nguyên tắc cân đối Quỹ: “Muốn tăng mức hưởng, buộc phải tăng mức đóng. Không thể muốn tăng hưởng nhưng lại không tăng đóng”.





Lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, tháng 4/2025. Ảnh: Hoàng Giang

Lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, tháng 4/2025. Ảnh: Hoàng Giang

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng cần đánh giá mức trợ cấp thất nghiệp dựa trên số tiền thực nhận, thay vì chỉ nhìn vào tỷ lệ phần trăm. “Tỷ lệ 60% có thể là cao, nhưng thực tế người lao động chỉ nhận hơn 3 triệu đồng mỗi tháng – con số quá thấp để một gia đình công nhân nuôi con có thể trang trải cuộc sống khi mất việc”, bà nói.

Theo bà Ngân, khi mất việc, đa phần người lao động buộc phải đi tìm việc mới ngay hoặc chuyển sang lao động tự do như chạy xe ôm công nghệ, buôn bán, chợ búa. Rất ít người có điều kiện học nghề. Do đó, nếu trợ cấp chỉ mang tính tượng trưng, không đủ duy trì cuộc sống, sẽ khó tạo động lực để người lao động quay lại thị trường.

“Trợ cấp thất nghiệp phải giúp người lao động cầm cự một thời gian để tìm việc hoặc học nghề. Nếu chính sách đóng – hưởng không tương xứng, sẽ rất khó thu hút người lao động tham gia”, bà nhấn mạnh, đồng thời đề xuất chính sách cần hướng tới bảo vệ việc làm ngay từ đầu, thay vì chỉ hỗ trợ sau khi đã mất việc.

Trước đó, Công đoàn Việt Nam đã kiến nghị nâng mức trợ cấp hàng tháng lên 75% bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi nghỉ việc. Đồng thời, đề xuất điều chỉnh thời gian hưởng theo số năm đóng thay vì quy định cứng tối đa 12 tháng. Điều này nhằm đảm bảo những người đã tham gia nhiều năm được hỗ trợ tương xứng, có điều kiện duy trì cuộc sống và tìm kiếm việc làm mới.

Bà Ngân cũng phản ánh nhiều lao động gặp khó khăn khi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp qua Cổng Dịch vụ công do hệ thống còn nhiều bất cập, dẫn đến tỷ lệ nộp trực tuyến thấp. Phần lớn vẫn phải đến trực tiếp Trung tâm Dịch vụ Việc làm để nộp hồ sơ và giải quyết thắc mắc. Bà kỳ vọng dịch vụ công trực tuyến sẽ sớm được cải thiện để tạo thuận lợi hơn cho người lao động.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cho biết qua tiếp xúc cử tri, nhiều công nhân đề nghị nâng mức trợ cấp thất nghiệp vì số tiền hiện tại quá thấp. “Người lao động cần chính sách phòng ngừa thất nghiệp – tức giữ được việc làm hơn là chỉ nhận trợ cấp sau khi mất việc”, bà nói, cho rằng cần mở rộng phạm vi tham gia BHTN đến cả nhóm lao động chưa thuộc diện bắt buộc.

Chính sách BHTN được triển khai từ năm 2009 với bốn chế độ chính: trợ cấp thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế. Quỹ được hình thành từ đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động, ngân sách Nhà nước và các nguồn hợp pháp khác. Tính đến cuối năm 2024, Quỹ BHTN có số dư lũy kế hơn 64.300 tỷ đồng; khoảng 16 triệu lao động tham gia, chiếm 34% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, sau hơn 15 năm thực hiện, chính sách BHTN còn hạn chế về độ bao phủ, phần lớn người lao động chỉ quan tâm đến nhận tiền trợ cấp mà chưa mặn mà với học nghề hay hỗ trợ việc làm. Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi được kỳ vọng sẽ khắc phục các khoảng trống này.

Hồng Chiêu

Tag: thoisu-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 9

No votes so far! Be the first to rate this post.