Bộ Nội vụ đang rà soát toàn diện chính sách tiền lương và phụ cấp của người làm trong khu vực công để chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp sau khi bỏ cấp huyện.
Thông tin này được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo tại phiên họp ngày 17/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay việc rà soát chính sách tiền lương và phụ cấp là “việc phải làm ngay” để đảm bảo đến 30/6, Chính phủ sẽ hoàn thiện nghị định thay thế một loạt văn bản quy định lương, phụ cấp cho cán bộ, công viên chức khi hoàn thành bỏ cấp huyện.
Năm 2026 được xác định là năm trọng tâm để hoàn thiện hệ thống thể chế từ Trung ương đến địa phương, trong đó có các chính sách tác động trực tiếp đến việc xây dựng chính quyền địa phương hai cấp và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí chi trả cho những người chịu tác động là rất lớn, Chính phủ chưa đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở trong năm 2026 cũng như các chính sách liên quan.
“Đến nay chưa có căn cứ tăng lương. Việc này tùy thuộc vào tình hình kinh tế của đất nước năm 2025, song dự báo là khó khăn và có thể tác động trực tiếp đến thu ngân sách”, bà Trà thông tin.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu Chính phủ báo cáo rõ về mức tiết kiệm ngân sách do việc giảm tổ chức, giảm biên chế sau sắp xếp. Chính phủ cũng cần tính toán cụ thể chi phí cho bộ máy sau khi bỏ cấp huyện và giảm 70% số xã, cũng như khoản tiết kiệm được để dành cho đầu tư phát triển và các chính sách an sinh xã hội.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh việc khuyến khích trả lương theo hiệu suất công việc, với các chỉ tiêu đánh giá rõ ràng để khen thưởng, thúc đẩy năng suất lao động. “Ngoài lương cơ bản mà được thu nhập tăng thêm thì cán bộ, công chức, viên chức rất phấn khởi. Dù không lớn nhưng đây là động viên, kích thích, khen thưởng”, ông nói.
Về lâu dài, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và Bộ Nội vụ nghiên cứu các chính sách thu nhập theo hướng giảm sự phụ thuộc vào phụ cấp, đồng thời vẫn đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Ông dẫn kinh nghiệm của Singapore trong việc sử dụng công nghệ để tinh gọn bộ máy, từ đó có nguồn lực để trả lương cao, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào con người và đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Liên quan đến việc điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2024, báo cáo của Chính phủ đánh giá đây là một nỗ lực lớn trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, và chính sách này đã cơ bản cải thiện đời sống người hưởng lương.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết qua tiếp xúc cử tri, nhiều địa phương chia sẻ gặp khó khăn trong việc chi trả phần lương tăng thêm sau điều chỉnh, thậm chí một số nơi phải tạm ứng hoặc vay từ các nguồn khác. Kinh phí điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công chưa được cấp kịp thời cũng gây tâm tư cho người hưởng.
Ủy ban Văn hóa và Xã hội đề nghị Chính phủ đánh giá tổng thể tỷ trọng chi tiền lương trong tổng chi ngân sách nhà nước. “Cải cách tiền lương là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi nguồn lực ổn định, chủ động và đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của chính sách”, ông Nguyễn Đắc Vinh nói.
Sơn Hà