Tổng Bí thư Tô Lâm nói về ‘bộ tứ trụ cột’

Tổng Bí thư Tô Lâm nói về ‘bộ tứ trụ cột’ – rss

Tổng Bí thư Tô Lâm nói Nghị quyết 57 thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế, Nghị quyết 68 phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết 66 đổi mới toàn diện thể chế là “bộ tứ trụ cột” giúp đất nước cất cánh.

Sáng 18/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Hội nghị được kết nối từ Hội trường Diên Hồng Nhà Quốc hội đến hơn 37.000 điểm cầu trên toàn quốc với hơn 1,5 triệu đại biểu tham dự.

Phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu toàn diện, thể hiện qua sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 và nâng cao vị thế quốc tế. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, đất nước cần vượt qua những thách thức hiện hữu, bao gồm tăng trưởng kinh tế chậm lại, năng suất lao động hạn chế và bối cảnh quốc tế phức tạp.

Tổng Bí thư nhấn mạnh để giải quyết những thách thức này, hiện thực hóa khát vọng phát triển, Việt Nam cần một cuộc cải cách toàn diện, sâu sắc và đồng bộ. Trong đó, 4 Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế, kinh tế tư nhân và xây dựng pháp luật đóng vai trò là “bộ tứ trụ cột” thể chế nền tảng. Việc triển khai đồng bộ và hiệu quả 4 nghị quyết này sẽ tạo động lực mạnh mẽ, giúp Việt Nam “cất cánh” trong giai đoạn phát triển mới.

Phát biểu của Tổng bí thư về kinh tế tư nhân

Tổng Bí thư nói về phát triển kinh tế tư nhân. Video: VTV

Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất

Theo Tổng Bí thư, trong tiến trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc khơi dậy và phát huy mọi nguồn lực trong xã hội trở thành yêu cầu cấp thiết để phát triển nhanh và bền vững. Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đánh dấu bước tiến quan trọng trong tư duy lý luận và chỉ đạo thực tiễn của Đảng khi xác định “kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân”.

Đây là sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức chiến lược: từ việc coi kinh tế tư nhân là khu vực bổ trợ, nay trở thành một trụ cột phát triển, song hành cùng kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, tạo nên thế “kiềng ba chân” vững chắc cho một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập hiệu quả. Phát triển kinh tế tư nhân không chỉ là nhu cầu kinh tế mà còn là mệnh lệnh chính trị nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia và khả năng thích ứng trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động.

Nghị quyết 68 đã đề ra yêu cầu hoàn thiện thể chế để bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh và xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, ổn định; khơi thông nguồn lực về đất đai, tín dụng, thị trường, công nghệ; tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế và chính sách; thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đầu tư nghiên cứu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời xây dựng đội ngũ doanh nhân hiện đại không chỉ giỏi kinh doanh mà còn có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và khát vọng cống hiến vì quốc gia.

Nghị quyết khẳng định doanh nhân Việt Nam là “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế” trong thời kỳ mới, đặt nền móng cho sự chuyển biến toàn diện trong chính sách phát triển kinh tế tư nhân, từ “thừa nhận” sang “bảo vệ, khuyến khích, thúc đẩy”, từ vai trò “bổ trợ” sang “dẫn dắt phát triển”.

“Ai cũng phải lao động sản xuất, tạo ra sản phẩm thì xã hội mới giàu có, phát triển. Ai cũng có quyền mưu cầu cuộc sống hạnh phúc, đóng góp cho sự phát triển chung của toàn xã hội. Ai cũng có khát vọng cống hiến, khát vọng đổi mới sáng tạo”, Tổng Bí thư nói, nhấn mạnh Đảng và Nhà nước có trách nhiệm để mọi người đều được thực hiện các quyền cơ bản đó.





Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự hội nghị tại điểm cầu Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Hoàng Phong

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội. Ảnh: Hoàng Phong

Tạo đột phá về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

“Hôm nay ngày 18/5, là ngày khoa học công nghệ của Việt Nam. Tôi xin chúc mừng ngành khoa học công nghệ, chúc mừng các nhà khoa học, giới trí thức, các chuyên gia và các doanh nghiệp. Chúc cho khoa học công nghệ Việt Nam ngày càng phát triển”, Tổng Bí thư mở đầu phần nói về Nghị quyết 57.

Theo người đứng đầu Đảng, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ và chuyển đổi số diễn ra sâu rộng, thế giới đang chứng kiến sự thay đổi căn bản trong mô hình phát triển. Trước yêu cầu cấp bách đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57, xác định rõ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá chiến lược, là động lực chủ yếu thúc đẩy hiện đại hóa đất nước, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững.

Ông nhấn mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ là công cụ hỗ trợ mà phải trở thành nền tảng phát triển và lực đẩy chủ yếu cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên mới. Đây là một cuộc cách mạng sâu rộng, toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi tinh thần đổi mới mạnh mẽ, hành động quyết liệt, đồng bộ và nhất quán. Mọi tư duy cũ kỹ, lối làm việc hình thức, thụ động cần được loại bỏ để không cản trở tiến trình phát triển.

Để thực hiện thành công, toàn hệ thống chính trị cần nâng cao nhận thức xã hội, đặc biệt là trong cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan hoạch định, thực thi chính sách, về vai trò đặc biệt quan trọng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phải tạo đột phá trong tư duy phát triển, xóa bỏ các rào cản lạc hậu, khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới và dám chịu trách nhiệm.

Cùng với đó, các cơ quan phải củng cố quyết tâm chính trị, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong toàn hệ thống về chủ trương lấy khoa học công nghệ làm động lực phát triển chủ yếu. Song song với đó là yêu cầu hoàn thiện thể chế, tháo gỡ rào cản pháp lý và hành chính, xây dựng môi trường thuận lợi cho sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Tổng Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền cần chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hóa nội dung nghị quyết thành chương trình hành động, xác định rõ trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm sự chuyển biến thực chất trong toàn hệ thống.

“Muốn tiến nhanh, tiến vững chắc trong kỷ nguyên mới, không có con đường nào khác ngoài khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phải quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, sáng tạo bứt phá hơn để thực sự biến khoa học công nghệ thành nền tảng và động lực then chốt đưa đất nước vươn tới những tầm cao mới”, Tổng Bí thư nói.

Phát biểu của Tổng bí thư về Nghị quyết phát triển Khoa học công nghệ

Tổng Bí thư nói về Nghị quyết 57 đột phá phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Video: VTV

Cải cách thể chế – nền tảng phát triển trong kỷ nguyên mới

Tổng Bí thư cho rằng giai đoạn phát triển mới với yêu cầu cao về hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trở thành yếu tố sống còn, quyết định sự thành công của đất nước. Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị ra đời đã xác định đổi mới căn bản công tác xây dựng và thi hành pháp luật là nội dung cốt lõi, nền tảng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Nghị quyết khẳng định pháp luật không chỉ là công cụ điều chỉnh hành vi mà còn là cơ sở tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Việc xây dựng và thi hành pháp luật phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của toàn Đảng và hệ thống chính trị, gắn chặt với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.

Pháp luật phải đồng bộ, minh bạch, ổn định, có tính khả thi và dự báo cao; không chỉ điều chỉnh mà còn chủ động dẫn dắt sự phát triển. Ba trọng tâm lớn được xác định gồm: hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực then chốt như bộ máy nhà nước, kinh tế thị trường, quyền con người, môi trường đầu tư; đổi mới quy trình xây dựng pháp luật theo hướng chủ động, dễ hiểu, dễ thực thi; và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, tăng kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải trình.

Tinh thần cải cách xuyên suốt Nghị quyết là chuyển đổi căn bản tư duy xây dựng pháp luật từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ bị động sang chủ động, kiến tạo. Pháp luật phải đi trước một bước, gắn với chuyển đổi số, công khai minh bạch, thuận tiện hóa tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Phân cấp, phân quyền phải rõ ràng, gắn với trách nhiệm, xóa bỏ cơ chế “xin – cho” và lợi ích cục bộ.

“Nghị quyết 66 chính là lời hiệu triệu cho một cuộc cải cách thể chế sâu sắc, nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật hiện đại, thực chất, vì nhân dân phục vụ, đồng thời tạo ra động lực bền vững cho công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh trong thế kỷ 21”, người đứng đầu Đảng nói.

Hội nhập quốc tế: Động lực chiến lược đưa Việt Nam vươn xa

Theo Tổng Bí thư, Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị được ban hành trong bối cảnh thế giới biến động nhanh, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, cùng các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh phi truyền thống. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và kinh tế xanh đang định hình lại mô hình phát triển toàn cầu.

Nghị quyết khẳng định hội nhập quốc tế là động lực chiến lược, không chỉ là mở cửa, giao lưu mà là sự nghiệp tổng hợp, đòi hỏi sự chủ động, bản lĩnh và năng lực thích ứng toàn diện. Đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý thống nhất của Nhà nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể sáng tạo. Nội lực từ kinh tế, thể chế, văn hóa đến nguồn nhân lực giữ vai trò quyết định; ngoại lực là nguồn bổ sung. Hội nhập phải toàn diện, sâu rộng nhưng vẫn giữ vững độc lập, tự chủ, nâng cao năng lực tự cường.

Nghị quyết đề ra định hướng lớn: phát triển kinh tế số, xanh, tuần hoàn, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng khoa học công nghệ; giữ vững chủ quyền, ổn định, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược; tận dụng hội nhập để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Yêu cầu trọng yếu là xây dựng đội ngũ cán bộ hội nhập có bản lĩnh chính trị, chuyên môn vững và khả năng phối hợp liên ngành.

“Hội nhập trong tình hình mới đòi hỏi tư duy đổi mới, hành động quyết liệt, linh hoạt, tận dụng tối đa cơ hội để phát triển nhanh, bền vững”, Tổng Bí thư nói, nhấn mạnh Nghị quyết 59 là kim chỉ nam hành động, cần được cụ thể hóa bằng chương trình thiết thực, với tinh thần trách nhiệm cao, để hội nhập thực sự trở thành động lực đưa Việt Nam vươn cao trên trường quốc tế.

Tổng Bí thư nhấn mạnh 4 nghị quyết nói trên của Bộ Chính trị tạo thành một hệ thống chiến lược thống nhất, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao thu nhập quốc dân vào năm 2045. Mỗi nghị quyết tập trung vào lĩnh vực trọng yếu: Nghị quyết 66 xây dựng thể chế minh bạch, bảo vệ quyền con người. Nghị quyết 57 xác định khoa học, công nghệ là động lực tăng trưởng. Nghị quyết 59 thúc đẩy hội nhập quốc tế chủ động. Nghị quyết 68 đưa kinh tế tư nhân thành động lực trung tâm.

Điểm đột phá của các nghị quyết là tư duy phát triển mới: từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ “bảo hộ” sang “cạnh tranh sáng tạo”, từ “hội nhập bị động” sang “chủ động”. Tất cả đòi hỏi sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.





Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Phong

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Hoàng Phong

Ông chỉ đạo 4 nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Đó là: hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện đại, đồng bộ, minh bạch, tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế thị trường hội nhập; đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhằm nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia; tăng cường hội nhập quốc tế, chủ động đàm phán và thực thi các hiệp định thương mại thế hệ mới, mở rộng thị trường và thu hút đầu tư; và phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế quốc gia.

Bên cạnh đó, 8 nhiệm vụ cấp bách cần triển khai ngay trong năm 2025, trong đó có việc hoàn thiện các chương trình hành động quốc gia, rà soát và sửa đổi hệ thống pháp luật, khởi động các chương trình về khoa học công nghệ và chuyển đổi số, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Ban Chấp hành Trung ương là một khối đoàn kết, thống nhất, quyết tâm lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện và vượt qua các chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13. Mục tiêu là chuẩn bị thật tốt để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, phồn vinh và hạnh phúc”, Tổng Bí thư nói.

Theo ông, kể từ Hội nghị Trung ương 10 (9/2024), Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã làm việc không ngừng để giải quyết những vấn đề cốt lõi, tháo gỡ “điểm nghẽn” và tạo không gian phát triển mới cho đất nước. Đặc biệt, việc triển khai quyết liệt Nghị quyết 18 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả, xây dựng chính quyền địa phương hai cấp và sắp xếp lại đơn vị hành chính để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ từ đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, coi đây là một cuộc cách mạng quan trọng của đất nước trong thời kỳ mới.

“Chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước. Với truyền thống anh hùng, trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng vươn lên không ngừng của toàn dân tộc, Việt Nam sẽ tiếp tục tiến bước vững chắc trên con đường phát triển nhanh và bền vững”, Tổng Bí thư khẳng định.

Vũ Tuân

Tag: thoisu-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 3

No votes so far! Be the first to rate this post.