Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm đưa ra kết luận về vụ án sản xuất, buôn bán sữa bột giả để thông tin cho người tiêu dùng; sớm xét xử.
Đây là nội dung công điện của Thủ tướng, được thông báo tối 17/4.
Người đứng đầu Chính phủ nhận thấy việc phanh phui nhiều doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, quảng cáo, phân phối các loại sữa giả vừa qua đã khiến người tiêu dùng bất an vì đã lỡ mua, sử dụng các sản phẩm giả này.
Nhằm tăng cường trách nhiệm, ngăn thực phẩm giả trong đó có sữa giả, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an sớm kết luận, đưa các nghi phạm ra xét xử.
Tại Công điện, Bộ Công Thương được Thủ tướng giao nhiệm vụ tăng cường quản lý thị trường, sớm phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo rà soát, xử lý các sai phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm trên báo chí, môi trường mạng và các xuất bản phẩm.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế chủ trì để rà soát quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm với sản phẩm sữa. Sau đó có biện pháp xử lý phù hợp, đề xuất sửa đổi quy định hiện hành trong trường hợp cần thiết. UBND các tỉnh, thành được giao kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm với sản phẩm sữa trên địa bàn phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Công nhân đóng hộp thành phẩm sữa giả tại cơ sở sản xuất, chuẩn bị bán ra thị trường. Ảnh: CAND
Liên quan đường dây sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả quy mô lớn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã khởi tố 8 bị can của Công ty Rance Pharma và Hacofood Group để điều tra về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo buộc, thành phần công bố gồm có chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó, song thực tế không có. Để đánh lừa người dùng, nhóm này đã bỏ đi một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung các chất phụ gia khác.
Các loại sữa bột giả của Hacofood Group và Rance Pharma được phân phối ra thị trường toàn quốc, chủ yếu dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Nhưng trên thực tế, các sản phẩm này cùng chung một nguyên liệu, công thức, quy trình sản xuất. Các bị can chỉ đạo bổ sung hoặc thay thế một số nguyên liệu chính, thêm hương liệu, phụ gia nhằm lừa người tiêu dùng về công dụng của sản phẩm.
Công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố đủ căn cứ xác định là hàng giả. Khi phân phối, các nghi phạm thuê cá nhân có ảnh hưởng trên mạng xã hội để bán hàng. Nhằm sản phẩm được nhiều người biết đến, các họ đã thông tin sai sự thật, thổi phồng về tính năng, tác dụng của sản phẩm.
Đến thời điểm bị bắt, ngày 11/4, đường dây bị cáo buộc sản xuất 573 loại sữa bột giả để tiêu thụ ra thị trường và thu về gần 500 tỷ đồng. Cảnh sát còn xác định, Công ty Rance Pharma và Hacofood còn để ngoài sổ sách kế toán kê khai nộp thuế doanh thu thực tế, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 28 tỷ đồng.
Quá trình khám xét 19 địa điểm là nhà máy sản xuất, văn phòng làm việc, công an thu 84 loại sản phẩm sữa bột. Trong đó có 26.740 lon của 90 lô sản xuất sữa, cùng nhiều đồ vật, tài liệu khác có liên quan.