Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp Malaysia mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp Malaysia mở rộng đầu tư tại Việt Nam – rss

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong các doanh nghiệp Malaysia tiếp tục mở rộng đầu tư, tin tưởng và gắn bó với Việt Nam trong quá trình phát triển.

Thông điệp trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại Chương trình “Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Malaysia” nhân chuyến thăm nước này, ngày 25/5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp tăng kết nối trong ASEAN, giữa Việt Nam và Malaysia, phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, kết nối số, chia sẻ dữ liệu, kinh tế sáng tạo, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng).

“Đây đều là sứ mệnh của doanh nghiệp để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng, theo hướng bổ sung, hỗ trợ cho nhau”, ông nói.

Lãnh đạo Chính phủ mong muốn các doanh nghiệp Malaysia tiếp tục mở rộng đầu tư, tin tưởng và gắn bó với Việt Nam trong quá trình phát triển, không ngừng đóng góp cho sự phát triển của hai quốc gia.

Ông khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết bảo đảm quyền tài sản, tự do kinh doanh, tiếp cận bình đẳng các nguồn lực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nhà điều hành xác định không hình sự hóa các quan hệ dân sự – kinh tế, ưu tiên biện pháp kinh tế trong xử lý các vụ việc.

Thủ tướng nhấn mạnh các bên hợp tác trên tinh thần cùng lắng nghe và thấu hiểu, chia sẻ tầm nhìn và hành động để cùng phát triển nhanh và bền vững.





Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc gặp doanh nghiệp Malaysia, ngày 25/5. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc gặp doanh nghiệp Malaysia, ngày 25/5. Ảnh: VGP

Việt Nam – Malaysia thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973, hiện là Đối tác Chiến lược toàn diện. Malaysia là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong ASEAN (sau Thái Lan) và thứ 9 trên thế giới. Họ cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN (sau Thái Lan và Campuchia). Thương mại song phương năm ngoái đạt 18,14 tỷ USD, tăng 4,4% so với năm 2023.

Về đầu tư, Malaysia là nhà đầu tư lớn thứ 3 trong ASEAN tại Việt Nam (sau Singapore và Thái Lan), đứng thứ 10/150 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 770 dự án còn hiệu lực và tổng số vốn 13,6 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam hiện có 27 dự án đầu tư sang Malaysia với tổng vốn đăng ký đạt 855 triệu USD.

Hai bên còn là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn, hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng ở khu vực (FTA ASEAN +, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực – RCEP, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP…).

Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá môi trường đầu tư – kinh doanh của Việt Nam không ngừng cải thiện, được cộng đồng quốc tế, nhà đầu tư nhìn nhận tích cực. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lựa chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất chiến lược, kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các chủ tịch của Liên đoàn Nhà sản xuất Malaysia, Phòng thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Kuala Lumpur và Selangor, Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hoa kiều đều đánh giá hai bên còn nhiều cơ hội mở rộng hợp tác trong các ngành chiến lược như năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Theo các đại biểu, Việt Nam là một quốc gia rất quan trọng trong khu vực, có môi trường đầu tư ngày càng đổi mới và an toàn. Đặc biệt, các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ của Việt Nam đang rất nổi trội trên thị trường hiện nay.





Đại diện các doanh nghiệp, tổ chức tham dự hội nghị, ngày 25/5. Ảnh: VGP

Đại diện các doanh nghiệp, tổ chức tham dự hội nghị, ngày 25/5. Ảnh: VGP

Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp Malaysia, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết 2025 là năm Việt Nam “tăng tốc, bứt phá, về đích” để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025, tạo tiền đề bước vào kỷ nguyên mới.

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới. Nhà điều hành cũng định hướng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Để đạt mục tiêu này, Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, theo hướng “thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh”.

Trong đó, nhà điều hành hoàn thiện thể chế theo hướng vượt trội, hài hòa với khu vực ASEAN và thế giới. Cùng với đó, hạ tầng được đẩy mạnh nhằm thông suốt giữa các tỉnh, vùng, quốc gia, quốc tế theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được tập trung nhằm nâng năng suất lao động.

Cùng với đó, Việt Nam thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tăng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài. Mục tiêu đặt ra là cắt giảm ít nhất 30% thủ tục và thời gian, chi phí tuân thủ, chuyển trạng thái từ thụ động xử lý sang chủ động phục vụ công việc cho người dân và doanh nghiệp.

Việt Nam cũng định hướng phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, phát động phong trào toàn dân làm giàu, tăng hội nhập quốc tế.

Phương Dung

Tag: kinhte-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 6

No votes so far! Be the first to rate this post.