Virus dịch tả heo không lây sang người, thịt cũng được kiểm định trước khi đến chợ, nhưng nhiều người ở Quảng Ngãi, Gia Lai vẫn e ngại.
Tại Quảng Ngãi, sáng 26/7, khu vực bán thịt heo ở chợ Châu Sa chỉ còn một số quầy mở, phần lớn quầy đã bỏ trống, dừng bán sau nhiều ngày ế ẩm. Các tiểu thương cho biết, năm nay heo bị dịch ở các làng quê gần chợ, các bà nội trợ thấy heo bị đưa đi tiêu hủy, một số bị vứt ở kênh mương, nên lo ngại.
Chợ Châu Sa nằm trên con đường từ trung tâm Quảng Ngãi xuống biển Mỹ Khê, nhiều người dân ở các phường trung tâm thường xuống chợ mua “heo quê”. Nhưng lượng khách này nửa tháng qua cũng không ghé.
“Buổi sáng tôi thường đi tắm biển, rồi tạt vào chợ mua thịt heo vì cảm giác tin tưởng, an toàn. Nhưng do dịch tả chủ yếu lây lan trong các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nửa tháng qua tôi không dám mua”, bà Thanh Nhàn, ở phường Cẩm Thành nói.
Tương tự, tại các chợ lớn như chợ Quảng Ngãi, chợ Hàng Rượu (phường Trương Quang Trọng), chợ Chùa (Nghĩa Hành), nhiều quầy thịt heo cũng đóng cửa. Mỗi khi có khách đến, các chủ quầy vừa bán vừa trấn an.

Khu vực bán thịt heo ở chợ Châu bỏ trống gần như toàn bộ quầy vì khách dừng mua. Ảnh: Phạm Linh
Tại Gia Lai, thịt heo ở nhiều chợ cũng ế ẩm. Bà Nguyễn Thị Lý, tiểu thương ở chợ Hoa Lư cho biết, trước dịch bà bán được hàng trăm kg mỗi ngày nhưng nay chỉ vài chục kg, giảm khoảng 10 lần.
Theo bà Lý, gia đình bà nhập thịt từ cơ sở chăn nuôi khép kín, được kiểm dịch đảm bảo nên nhiều người quen tin tưởng. Song gần đây, tâm lý e ngại quá lớn khiến các bà nội trợ dừng mua. Thay vào đó, người dân chuyển sang các loại thịt khác như bò, gà…
Tâm lý e ngại mua thịt heo không chỉ ảnh hưởng đến các tiểu thương mà còn khiến nhiều quán ăn lao đao khi các món chế biến từ heo bị quay lưng.
Các tiểu thương cho rằng cơ quan chức năng cần sớm xử lý dịch tả heo, đồng thời tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giết mổ… để người dân có thể yên tâm khi đi chợ.

Quầy thịt heo ở chợ Hoa Lư ở Gia Lai ế khách. Ảnh: Trần Hóa
Theo Chi cục Chăn nuôi & Thú y Quảng Ngãi và Gia Lai, dịch tả heo không lây cho người, nên người tiêu dùng không cần quá lo ngại nếu mua thịt heo có dấu kiểm soát giết mổ.
Ông Đỗ Văn Chung, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ngãi cho biết, trong thời điểm dịch bệnh lan rộng, địa phương tăng cường công tác kiểm dịch và kiểm soát giết mổ. “Các chủ hàng muốn đưa heo vào lò mổ phải được xét nghiệm âm tính với dịch tả. Với những heo được kiểm định thì người dân có thể yên tâm”, ông Chung nói.
Còn ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai) thì khẳng định, các phương tiện chở động vật ra vào tỉnh đều được kiểm tra nghiêm ngặt. Các tài xế chở heo không có giấy tờ kiểm dịch, không chứng minh được nguồn gốc, sẽ bị tạm giữ, kiểm dịch, xử lý vi phạm hành chính nếu vi phạm.
Hiện các địa phương khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại, kiểm soát người và động vật ra vào khu vực chăn nuôi, cách ly tiêu hủy heo bị bệnh, phạt các hành vi vứt, chôn lấp heo bị bệnh không đúng quy định…
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm, cả nước xảy ra 636 ổ dịch tại hơn 28/34 tỉnh, thành. Trong đó, hơn 43.000 con heo buộc phải tiêu hủy. Trong 2 tháng qua, dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi gia tăng tại các tỉnh phía Bắc như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Nội… và duyên hải miền Trung như: Quảng Ngãi, Quảng Trị.
Trần Hóa – Phạm Linh