
Người tiêu dùng mua sắm giày dép tại Biti’s – Ảnh: BITI’S
Sáng ngày 9-5, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – Việt Nam (UVBC) tổ chức hội thảo “Thuế đối ứng của Mỹ: Sự chuẩn bị của doanh nghiệp Việt Nam”.
Việt Nam đang nỗ lực đàm phán, với định hướng kiên trì theo đuổi mục tiêu xây dựng quan hệ thương mại song phương cân bằng, bền vững.
Song song đó, Chính phủ thúc đẩy doanh nghiệp khai thác thị trường nội địa, kiểm soát xuất xứ hàng hóa và hỗ trợ doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại.
Ông Trần Lương Sơn, giám đốc chương trình khởi nghiệp tại SUNY Cobleskill – Đại học New York (Mỹ), cố vấn phát triển kinh doanh tại UVBC, đã đưa ra một số gợi ý chiến lược nhằm giúp doanh nghiệp Việt thích ứng.
Theo ông, chính sách thuế của Mỹ đã chuyển dịch từ ưu tiên thương mại tự do sang thương mại mang tính chiến lược, tập trung vào chính sách công nghiệp và an ninh quốc gia.
Việt Nam được xem là một điểm đến hấp dẫn trong chiến lược “Trung Quốc + 1”, nhưng cũng đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ Mỹ về các vấn đề về hàng hóa, lao động, nhãn mác và quy tắc xuất xứ.
Để linh động thích ứng, ông Sơn đưa ra ba hướng chiến lược chính cho cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ nhất là tuân thủ chuẩn mực quốc tế. Doanh nghiệp cần củng cố tài liệu chuỗi cung ứng, đảm bảo ghi nhãn xuất xứ minh bạch và sớm áp dụng các tiêu chuẩn của Mỹ và EU.
Thứ hai là nâng cấp chuỗi giá trị, dần chuyển đổi từ mô hình sản xuất gia công (OEM) sang mô hình nhà sản xuất thương hiệu gốc (OBM) như cách Biti’s, Vina Giày đã làm.
Ông Sơn còn đề xuất thu hồi sản phẩm gốc Việt bị gắn nhãn “Made in Thailand”, đầu tư vào xây dựng thương hiệu, đổi mới và tìm giải pháp làm chủ tệp khách hàng (kiều bào Việt Nam).
Thứ ba là chủ động tăng cường gắn kết với các hiệp hội thương mại và nhà hoạch định chính sách, chứng tỏ Việt Nam là một đối tác đáng tin cậy.
Song song đó, ông Sơn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu quốc gia và ngành, giúp Việt Nam chuyển hình ảnh từ “nhà sản xuất giá rẻ” thành “nhà cung cấp uy tín”, sở hữu các sản phẩm đặc trưng, giá trị cao như nông sản, thủ công mỹ nghệ, thủy sản.
Thương hiệu ngành cần dựa trên chất lượng, bền vững, tuân thủ và tạo dựng niềm tin. Việc này quan trọng trong bối cảnh thuế quan và giám sát quốc tế hiện tại đòi hỏi mức độ tin cậy và truy xuất nguồn gốc cao hơn.
Ở góc độ kỹ thuật, ông Mohammed Selia, giám đốc điều hành Công ty Fulfill Plus (cung cấp dịch vụ hậu cần và thực hiện đơn hàng), lưu ý doanh nghiệp phải nắm rõ cách tính thuế nhập khẩu của Mỹ, vốn được thanh toán khi thông quan tại cảng nhập và xác định dựa trên mã HTS, giá trị khai báo cùng với xuất xứ của hàng hóa.
Mỗi ngành hàng có mức thuế và yêu cầu riêng. Ông Mohammed lấy ví dụ với mặt hàng quần áo và may mặc, thuế suất dao động từ 10% đến 30% và phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về ghi nhãn của Ủy ban Thương mại liên bang (FTC), đồng thời phải phân loại sản phẩm chính xác.
Ngành nội thất, đặc biệt là sản phẩm gỗ, cần lưu tâm đến rủi ro thuế chống bán phá giá và phải tuân thủ Đạo luật Lacey. Một số tiểu bang như California còn có các yêu cầu riêng về chất chống cháy.
Với nông sản và thủy sản, việc đăng ký với FDA/USDA và khai báo trước khi nhập khẩu là bắt buộc và trong nhiều trường hợp, cần đảm bảo được việc lưu trữ trong chuỗi cung ứng lạnh.
Ngược lại, hàng thủ công mỹ nghệ thường được hưởng mức thuế thấp hoặc miễn thuế, tuy nhiên cần tránh sử dụng các vật liệu có nguồn gốc từ động vật bị cấm và phù hợp để kinh doanh trên các nền tảng như Etsy, Amazon Handmade và kênh trực tiếp đến người tiêu dùng (DTC).
Riêng mặt hàng giày dép thường có mức thuế suất cao, thường trên 30%, phân loại dựa trên vật liệu và thiết kế, đòi hỏi sự cẩn trọng trong khâu chuẩn bị hồ sơ.
Các nhà nhập khẩu cũng có thể tìm hiểu về Quy tắc De Minimis – Mục 321, một yếu tố cho phép nhập khẩu các lô hàng có giá trị bằng hoặc dưới 800 USD, như một cách tiếp cận linh hoạt thị trường Mỹ.