Khách quốc tế phục hồi mạnh giúp thị trường khách sạn và căn hộ dịch vụ tiếp tục phục hồi, thúc đẩy các ông lớn mở rộng nguồn cung.
Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2025 của Savills Hà Nội cho biết công suất phòng khách sạn tại thủ đô đạt trung bình 76%, tăng 11 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2024. Phân khúc 5 và 4 sao tăng trưởng lần lượt 5 và 6 điểm phần trăm.
Giá thuê phòng bình quân đồng thời nhích nhẹ 2% so với quý liền trước, tăng 2-5% tùy phân khúc. Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội, thị trường khởi sắc nhờ ngành du lịch Việt Nam đón kỷ lục hơn 6 triệu lượt khách quốc tế trong 3 tháng đầu năm.
Riêng Hà Nội đón 1,85 triệu lượt, tăng 17,4% so với cùng kỳ. Nhờ vậy, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 3.200 tỷ đồng, tăng đến 19.6% so với cùng kỳ. Nhiều địa phương khác cũng ghi nhận thị trường khách sạn và căn hộ dịch vụ ấm lên. Theo đó, ngành lưu trú TP HCM tăng trưởng 10,5% vào quý I, doanh thu hơn 5.000 tỷ đồng. Tại Đà Nẵng và Quảng Ninh, tăng trưởng lần lượt đến 34,23% và 22,9%.
Báo cáo quý I của hãng dịch vụ bất động sản Avison Young Việt Nam cho hay, thị trường căn hộ dịch vụ TP HCM cũng phục hồi tích cực nhờ khách quốc tế tăng mạnh. Phân khúc hạng A đạt tỷ lệ lấp đầy 85%, tăng 9% so với quý trước, với giá thuê trung bình 42 USD mỗi m2 mỗi tháng, tăng 8%.
Tại Hà Nội, tỷ lệ lấp đầy phân khúc hạng A trung bình đạt 82%, một số dự án đạt từ 80–90%. Các dự án vận hành bởi thương hiệu quốc tế như Somerset West Point (The Ascott Limited), InterContinental Hanoi Westlake (IHG), Sheraton Hà Nội (Marriott) ghi nhận công suất vượt trội.
Đà phục hồi quý I là nối dài từ xu hướng khởi sắc của thị trường dịch vụ khách sạn năm ngoái. Theo Savills, tỷ lệ lấp đầy phòng toàn quốc tăng gần 15 điểm phần trăm hồi 2024 và giá phòng tăng khoảng 5%, chủ yếu nhờ phân khúc cao cấp.
Ông Duke Nam, Phó chủ tịch Marriott International khu vực Hàn Quốc, Việt Nam và Philippines tiết lộ doanh thu trên mỗi phòng khả dụng (RevPAR) tại Việt Nam năm ngoái tăng 22%. Đến cuối 2024, “ông lớn” khách sạn này vận hành 25 khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam.

Bất động sản, kinh tế, du lịch Đà Nẵng vào tháng 4/2025. Ảnh: Nguyễn Đông
Theo các chuyên gia, ngành khách sạn tiếp tục cải thiện thời gian tới. “Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cải thiện tích cực về nguồn cung và tỷ lệ lấp đầy, phản ánh kỳ vọng tích cực cho giai đoạn tiếp theo”, Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam David Jackson nhận định.
Khách du lịch quốc tế tiếp tục tăng là động lực hàng đầu. Ông Duke Nam cho rằng chính sách thị thực điện tử và gia hạn thời gian lưu trú giúp du khách nước ngoài dễ dàng đến Việt Nam hơn, đặc biệt từ các thị trường trọng điểm.
“Lượng khách quốc tế đến Việt Nam dự báo đạt mức cao kỷ lục 22-23 triệu lượt vào năm 2025, đánh dấu sự phục hồi hoàn toàn và củng cố vị thế của Việt Nam như một trong những điểm đến hàng đầu thế giới”, ông nêu.
Bà Uyên Nguyễn, Phó giám đốc Savills Hotels Khu vực Đông Nam Á nói cơ sở hạ tầng phát triển cũng là yếu tố tích cực. Trong năm 2025, chỉ riêng lĩnh vực hàng không, cả nước có kế hoạch mở rộng 5 sân bay – Cát Bi, Vinh, Đồng Hới, Cà Mau và Phú Quốc – giúp nâng cao năng lực khai thác, tăng cường khả năng kết nối.
Tại TP HCM, dự kiến sau khi giai đoạn đầu của Sân bay Long Thành cùng metro vận hành sẽ cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận cho cả du khách. Điều này thúc đẩy thời gian lưu trú dài hơn, gia tăng nhu cầu khách sạn tại các khu vực ngoài trung tâm, đồng thời nâng cao sức hút với du lịch MICE, theo bà Uyên.
Đón đầu các cơ hội, nguồn cung khách sạn đang gia tăng. Savills dự kiến từ năm nay, 68 dự án tại Hà Nội sẽ cung cấp ra thị trường 11.868 phòng. Riêng năm 2025, thành phố này có 2.676 phòng thuộc 11 khách sạn 4-5 sao sẽ hoàn thành.
Marriott dự kiến năm nay vận hành thêm ít nhất 5 khách sạn và khu nghỉ dưỡng, cung cấp hơn 1.100 phòng tại các địa phương như Cam Ranh, Cần Thơ hay Bắc Ninh. Dài hạn hơn, họ nhắm đến mở rộng gấp đôi, lên tổng cộng 54 cơ sở lưu trú. “Việt Nam là thị trường quan trọng với chúng tôi,” ông Duke Nam nói.
Theo thống kê của Avison Young, nếu như trước năm 2000 chỉ có khoảng 6 nhà điều hành khách sạn quốc tế lớn hiện diện tại Việt Nam thì 15 năm trở lại đây đã có thêm 10 đơn vị gia nhập. Tổng cộng, họ đang sở hữu hơn 60 thương hiệu khách sạn tại Việt Nam.
Ông David Jackson cho rằng cơ hội đầu tư nổi lên tại các điểm đến ven biển mới nổi cùng với các vườn quốc gia. Còn theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc cấp cao Savills Hotels Khu Vực Đông Nam Á, thị trường Việt Nam đang xuất hiện nhiều mô hình mới như wellness retreat (khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe) hay all-inclusive resort (khu nghỉ dưỡng trọn gói dịch vụ ăn uống, lưu trú và giải trí).
“Những đổi mới này sẽ thúc đẩy giai đoạn phát triển tiếp theo của ngành bất động sản và nghỉ dưỡng tại Việt Nam, thu hút các thương hiệu hàng đầu và định hình tương lai của ngành”, ông Mauro nhận định trong một sự kiện vào tháng trước.
Anh Kỳ