Theo luật sư, khái niệm hàng giả có thể hiểu rất rộng, có thể là giả về mẫu mã bao bì, tem nhãn giả hoặc giả chất lượng so với thông tin công bố.
Ngày 12/4, Bộ Công an công bố triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, doanh thu gần 500 tỷ đồng.
Theo cáo buộc ban đầu, các thành phần công bố trong sữa có như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó, song trên thực tế hoàn toàn không có. Các nghi phạm đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia.
Cơ quan điều tra cho rằng nếu sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là sữa giả.

Một loại sữa bột có giá bán 500.000 đồng hộp 900 gram của công ty Rance Pharma vừa bị phát hiện hàng giả. Ảnh: Hà Nguyễn
Luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty luật Bảo An, Hà Nội) cho hay sữa là nhóm hàng hóa thực phẩm, do đó trên phương diện quy định pháp luật, khi xác định sản phẩm sữa là giả cũng theo các quy định chung về hàng giả. Khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) nêu hàng giả là:
a) Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký.
b) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.
c) Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016.
d) Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng.
đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.
e) Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.
Khái niệm ‘tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả” ở điểm e, được làm rõ tại khoản 8, Điều 3, Nghị định 98/2020. Theo đó, tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả gồm đề can, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, các loại tem chất lượng, dấu chất lượng, tem truy xuất nguồn gốc, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hóa hoặc vật phẩm khác của tổ chức, cá nhân kinh doanh có chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm, mã số mã vạch, mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố của hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác.
Ngoài ra, theo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022, một loại hàng hóa được hàng giả còn có thể do giả mạo về sở hữu trí tuệ, gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, hàng hóa sao chép lậu.
Trong đó, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu hoặc dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.
Hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó và việc gắn dấu hiệu này được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân không có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý theo quy định tại khoản 4 Điều 121 của Luật này hoặc theo pháp luật của nước xuất xứ của chỉ dẫn địa lý đó.
Hàng hóa sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan.
Với các quy định nói trên, luật sư Vũ Tiến Vinh cho rằng tương tự khái niệm hàng giả, dấu hiệu để một sản phẩm sữa được coi là sữa giả rất đa dạng. Có thể là sữa giả bằng cách in mẫu mã, bao bì giống sữa thật hoặc giả về chất lượng (chỉ tiêu chất lượng, định lượng chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu) do chính đơn vị sản xuất đã đăng ký, công bố. Sữa giả cũng có thể chỉ là tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả của sản phẩm chứ không phải sản phẩm cụ thể (theo nghĩa tiêu dùng, sử dụng được).

Một hộp sữa bị công an xác định là giả trong vụ án. Ảnh: VTV
Chất lượng sữa bột được luật pháp quy định thế nào?
Như định nghĩa hàng giả tại Nghị định 98 nêu trên, sữa có ít nhất một chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật, hoặc tiêu chuẩn đã đăng ký, công bố, đủ điều kiện để xác định là sữa giả.
Hiện nay, các sản phẩm sữa dạng bột ở nước ta phải tuân theo quy chuẩn quốc gia QCVN 5-2:2010/BYT, được Bộ trưởng Y tế ban hành tại Thông tư 31/2010 ngày 2/6/2010.
Quy chuẩn này quy định các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và các yêu cầu quản lý đối với các sản phẩm sữa dạng bột, bao gồm sữa bột, cream bột, whey bột và sữa bột gầy có bổ sung chất béo thực vật.
Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sữa dạng bột tại Việt Nam và tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo đó, tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất các sản phẩm sữa dạng bột phải công bố hợp quy phù hợp với các quy định kỹ thuật tại Quy chuẩn này, đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo phân cấp của Bộ Y tế và bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn theo đúng nội dung đã công bố.
Tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sữa dạng bột sau khi hoàn tất đăng ký bản công bố hợp quy và bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn, ghi nhãn phù hợp với các quy định của pháp luật.
Văn bản cũng quy định chi tiết các chỉ tiêu liên quan đến an toàn thực phẩm mà sản phẩm sữa cần tuân thủ như: các chỉ tiêu lý hóa, vi sinh vật; giới hạn tối đa các chất nhiễm bẩn; danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng
>>Xem đầy đủ quy chuẩn tại đây
Tại sao người sản xuất sữa giả không bị quy tội Lừa dối khách hàng?
8 bị can trong vụ án liên quan, đang bị khởi tố, điều tra về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhiều độc giả chung thắc mắc, tại sao những người này không bị điều tra tội Lừa dối khách hàng. “Làm hàng giả không phải là lừa dối khách hàng sao?”, một người nêu ý kiến.
Lý giải vấn đề này, luật sư Vũ Tiến Vinh cho rằng bản chất hành vi của tội sản xuất, buôn bán hàng giả cũng hàm chứa yếu tố lừa dối khách hàng. Nhưng pháp luật hình sự vẫn quy định tội Lừa dối khách hàng ở một điều luật riêng biệt do hành vi cụ thể cũng như tính chất nguy hiểm cho xã hội của hai tội là khác nhau.
Ở tội Sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192 Bộ luật Hình sự), hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là yếu tố bắt buộc phải có khi quy kết trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
Trong khi đó tội Lừa dối khách hàng (Điều 198 Bộ luật Hình sự) chỉ đơn thuần là trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác để thực hiện hành vi phạm tội mà “không có yếu tố sản xuất, buôn bán hàng giả”.
Do tính chất nguy hiểm khác nhau nên chế tài cũng khác nhau. Hình phạt áp dụng cho tội Sản xuất, buôn bán hàng giả có thể đến chung thân (nếu hàng giả là lương thực, thực phẩm) hoặc tử hình (nếu hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh). Trong khi đó hình phạt tội Lừa dối khách hàng tối đa chỉ đến 5 năm tù.
Hải Thư