Siết điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Siết điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ – rss

Doanh nghiệp chỉ được phát hành trái phiếu riêng lẻ nếu tổng nợ phải trả không quá 5 lần vốn chủ sở hữu, theo dự thảo sửa đổi một số điều Luật Doanh nghiệp.

Chiều 24/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo họp phiên thứ 44, thảo luận về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Doanh nghiệp. Ở lần sửa đổi này, dự luật bổ sung quy định siết việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong bối cảnh thị trường vừa qua tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo đó, doanh nghiệp chỉ được phát hành trái phiếu riêng lẻ khi tổng nợ phải trả không quá 5 lần vốn chủ sở hữu (theo báo cáo tài chính gần nhất). Quy định này không áp dụng với tổ chức phát hành là doanh nghiệp nhà nước, đơn vị phát hành trái phiếu để làm dự án bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, công ty môi giới bảo hiểm, chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư.

Thẩm tra nội dung này, ông Phan Văn Mãi – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở đề xuất và tác động của điều kiện khống chế với tổ chức phát hành trái phiếu.

Thực tế, quy định tỷ lệ nợ trên vốn này đã áp dụng tại Nghị định 81/2020. Ông Trần Văn Khải, đại biểu chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho hay nhờ giới hạn này, tình trạng doanh nghiệp vốn mỏng (vốn nhỏ, nợ lớn) phát hành ồ ạt trái phiếu với dư nợ gấp 50 lần, thậm chí 100 lần vốn chủ sở hữu, đã giảm bớt.

Việc đưa quy định tổ chức phát hành trái phiếu riêng lẻ cần có nợ phải trả tối đa 5 lần vốn chủ sở hữu, ông Khải nhận định, sẽ nâng hiệu lực pháp lý. “Các doanh nghiệp phải giữ mức đòn bẩy tài chính an toàn hơn khi huy động vốn từ trái phiếu”, ông nói.





Ông Trần Văn Khải, đại biểu chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu tại phiên thảo luận, chiều 24/4. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Ông Trần Văn Khải, đại biểu chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu tại phiên thảo luận, chiều 24/4. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Tuy nhiên, thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lưu ý khả năng thực thi và tác động thị trường của điều kiện này. Nhiều doanh nghiệp (đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng) có hệ số nợ cao hơn 5 lần vốn chủ, nếu bị chặn huy động trái phiếu họ có thể mất kênh vốn quan trọng, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ ngân hàng.

“Sau đợt siết chặt vừa qua, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã sụt giảm đáng kể, thị trường rơi vào trầm lắng. Do vậy, cần cân nhắc lộ trình áp dụng để không gây sốc cho thị trường”, ông nêu.

Thị trường trái phiếu riêng lẻ rơi vào cảnh “trầm lắng” trong phần lớn năm 2023, sau động thái siết chặt của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, thị trường ghi nhận sự phục hồi trong năm ngoái, với tổng giá trị phát hành khoảng 444.000 tỷ đồng. Mức này tăng 27% so với cùng kỳ 2023.

Tính tới hết tháng 2 năm nay, thị trường có khoảng trên 5.550 tỷ đồng trái phiếu được doanh nghiệp phát hành. Nhưng riêng tháng 2 không có đợt nào, theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA). Dù vậy, giới phân tích dự báo thị trường này có thể đạt mức tăng trưởng hai con số năm nay.

Bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Tư pháp cũng góp ý làm rõ điều kiện năng lực tài chính của doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Bởi theo bà, quy định này sẽ gây thiệt thòi cho các doanh nghiệp lớn, vì họ thường có hệ số nợ lớn hơn doanh nghiệp nhỏ.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế và Tài chính khi thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo – Bộ Tài chính – nghiên cứu, cân nhắc việc mở rộng đối tượng được tiếp cận trái phiếu riêng lẻ của công ty cổ phần không phải công ty đại chúng, gồm cá nhân (khống chế số lượng nhà đầu tư). Việc này nhằm mở rộng nguồn cung vốn cho doanh nghiệp khi điều kiện thực tế cho phép, bảo đảm phát triển bền vững thị trường trái phiếu.

Ở khía cạnh này, ông Trần Văn Khải cho rằng hiện nay trái phiếu riêng lẻ chủ yếu giới hạn cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dẫn tới cầu hạn chế. Do đó, để hài hòa rủi ro và nhu cầu vốn, ông cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề xuất mở rộng đối tượng nhà đầu tư được phép mua trái phiếu riêng lẻ. Các điều kiện bảo vệ nhà đầu tư cá nhân có thể áp dụng, như doanh nghiệp phát hành phải có xếp hạng tín nhiệm độc lập, có tài sản bảo đảm và bảo lãnh thanh toán từ ngân hàng. Việc mở rộng có điều kiện này sẽ giúp doanh nghiệp huy động vốn hiệu quả hơn, đảm bảo nhà đầu tư nhỏ lẻ được sàng lọc kỹ, giảm thiểu rủi ro.

“Quy định chặt chẽ về phát hành trái phiếu riêng lẻ là cần thiết để lành mạnh hóa thị trường vốn. Song, Chính phủ cần đánh giá kỹ tác động, cân đối giữa quản lý rủi ro và hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn, tránh tình trạng siết quá chặt làm nghẽn kênh dẫn vốn trong nền kinh tế”, ông Khải nói thêm.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho hay quy định về điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ được đưa ra nhằm tương thích với Luật Chứng khoán (sửa đổi). Theo Bộ trưởng Thắng, trái phiếu là sản phẩm tài chính tiềm ẩn rủi ro, chỉ phù hợp với nhà đầu tư có năng lực, kiến thức phân tích rủi ro trong đầu tư, nên việc bổ sung điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ với doanh nghiệp nhằm hạn chế rủi ro thanh toán.

Về mức tổ chức phát hành có “nợ phải trả tối đa 5 lần vốn chủ sở hữu”, ông Thắng nói là “mức thận trọng và đã loại trừ một số loại doanh nghiệp”. Mức này cũng tương tự với điều kiện khi doanh nghiệp chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), nên không làm mất thời gian của doanh nghiệp.





Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại phiên thảo luận, chiều 24/4. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại phiên thảo luận, chiều 24/4. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết quy định này nhằm thực thi Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 và khuyến nghị quốc tế.

Cụ thể, chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân thực tế nắm trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% vốn điều lệ trở lên, hoặc được hưởng trên 25% lợi nhuận, hay là cá nhân cuối cùng chi phối doanh nghiệp.

Theo ông Trần Văn Khải, cách xác định theo tỷ lệ % này tương đồng với thông lệ quốc tế trong quản trị doanh nghiệp, giúp minh bạch và phòng chống “núp bóng” sở hữu tại doanh nghiệp. Tuy nhiên theo ông, tại Luật Phòng chống rửa tiền 2022, quy định chủ sở hữu hưởng lợi rộng hơn, nhấn mạnh cá nhân có quyền sở hữu thực tế hoặc quyền chi phối pháp nhân trong giao dịch tài sản.

“Như vậy, có trường hợp một người tuy hưởng lợi kinh tế nhưng không chi phối hoạt động, thì chưa hẳn là chủ sở hữu hưởng lợi theo tinh thần phòng chống rửa tiền”, ông nói, và đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, điều chỉnh tiêu chí đảm bảo tương thích với Luật Phòng chống rửa tiền.

Tương tự, ông Phan Văn Mãi – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng cho rằng khái niệm chủ sở hữu hưởng lợi cần tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp, khi họ phải cung cấp thông tin theo các yêu cầu khác nhau giữa Luật Phòng chống rửa tiền và Luật Doanh nghiệp.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ rà soát quy định trách nhiệm thu nhập, lưu trữ, cung cấp thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp. Việc này nhằm bảo đảm khả thi, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự do kinh doanh với chi phí thấp.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp vào tháng 5.

Anh Minh

Tag: kinhte-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 7

No votes so far! Be the first to rate this post.