ShopeeFood, GrabFood nắm hơn 90% thị trường giao đồ ăn

ShopeeFood, GrabFood nắm hơn 90% thị trường giao đồ ăn – rss

ShopeeFood và GrabFood đang nắm hơn 90% thị phần dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến Việt Nam, theo hai cuộc khảo sát tiêu dùng của các đơn vị nghiên cứu thị trường.

Theo khảo sát về các nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam của hãng nghiên cứu thị trường NielsenIQ, ShopeeFood và GrabFood chiếm thị phần lớn nhất, lần lượt đạt 56% và 36%. Vị trí thứ ba thuộc về beFood của Be.

NielsenIQ tính tỷ lệ này dựa trên số lượng đơn được đặt trong vòng 7 ngày khi khảo sát người tiêu dùng vào tháng 4. Ví dụ, tính theo khu vực, ShopeeFood là nền tảng có số lượng đơn trong cùng giai đoạn cao nhất, chiếm 63% trên tổng đơn.

Song song đó, khảo sát khác được thực hiện bởi đơn vị nghiên cứu thị trường trực tuyến Decision Lab tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM cũng cho kết quả tương tự. Cụ thể, ShopeeFood và GrabFood cùng nắm giữ tổng cộng xấp xỉ 90% tại Hà Nội và TP HCM. Trong khi, hai nền tảng này gần như chi phối tuyệt đối thị trường Đà Nẵng.

Tại Hà Nội, ShopeeFood dẫn đầu với 56% thị phần còn GrabFood ưu thế ở thị trường TP HCM với tỷ lệ 50%. TP HCM cũng là nơi beFood có chỗ đứng khả quan nhất, với 11% thị phần, cao hơn tỷ lệ 9% ở Hà Nội. Decision Lab tính toán bằng cách phỏng vấn khoảng 1.000 người tiêu dùng về việc đặt đồ ăn, thức uống qua ứng dụng trong 2 ngày trước thời điểm khảo sát.

Decision Lab cho biết người dùng ShopeeFood thường ưu tiên các món như trà sữa, đồ ăn nhanh và đồ ăn vặt. Trong khi, khách của GrabFood đặt nhiều các bữa ăn đầy đủ như cơm, hải sản, thực phẩm lành mạnh và các loại nước ép, cà phê. Điều này cũng tương thích về độ tuổi, với ShopeeFood chiếm ưu thế trong nhóm người dùng 16-24 tuổi, còn GrabFood lại nổi bật ở nhóm 35 tuổi trở lên.

Theo báo cáo “e-Conomy 2024” của Google, Temasek, Bain & Company, quy mô thị trường gọi xe và giao đồ ăn trực tuyến của Việt Nam đạt 4 tỷ USD năm ngoái, tăng 12% so với 2023 và dự báo tăng lên 9 tỷ USD vào 2030.

Trong khi đó, nền tảng dữ liệu trực tuyến Statista (Đức) ước tính thị trường giao đồ ăn trực tuyến Việt Nam đạt gần 2,8 tỷ USD năm nay, với mức tăng 9,34% mỗi năm tới 2030. Quy mô thị trường này có thể đạt gần 4,4 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.





Tài xế chờ nhận đồ uống đi giao tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP HCM vào tháng 3/2025. Ảnh: Dỹ Tùng

Tài xế chờ nhận đồ uống đi giao tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP HCM, tháng 3/2025. Ảnh: Dỹ Tùng

Thị trường giao đồ ăn Việt Nam tăng trưởng mạnh nhờ sự phổ biến của điện thoại thông minh, lối sống bận rộn và sở thích tiện lợi trong ăn uống, theo Statista. “Dịch vụ giao đồ ăn đã trở thành thói quen thường xuyên của phần lớn người tiêu dùng Việt, đặc biệt tại ba thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng”, Decision Lab nhận định.

Tuy nhiên, thị trường này chứng kiến cạnh tranh khốc liệt 3 năm qua. Năm 2023, có đến 6 nền tảng tham gia vào sân chơi, gồm ShopeeFood, GrabFood, beFood, GoFood, Baemin và Loship. Tuy nhiên, Baemin dừng hoạt động tại Việt Nam vào tháng 12/2023. Đến 2024, Gojek rút lui vào tháng 9, đồng nghĩa sân chơi vắng GoFood. Cuối năm ngoái, nền tảng nội địa Loship cũng chia tay.

Thị phần thống lĩnh của ShopeeFood và GrabFood thời gian tới nhiều khả năng biến động, với sự tham gia của Xanh SM. Tháng trước, nền tảng này bắt đầu triển khai dịch vụ giao đồ ăn Xanh SM Ngon với mạng lưới hơn 2.000 nhà hàng qua tuyển chọn tại Hà Nội, hướng đến mở rộng toàn quốc.

Xanh SM có lợi thế dịch vụ gọi xe chở người hai bánh đang gia tăng thị phần. Dịch vụ giao đồ ăn của nền tảng nhấn mạnh yếu tố đối tác nhà hàng có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, cam kết món ăn đúng ảnh quảng cáo. ShopeeFood và GrabFood đang tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ đối tác nhà hàng tăng doanh số thông qua tối ưu tiếp thị, tung ra các tính năng mới.

Ví dụ, GrabFood cung cấp tính năng đặt đơn theo nhóm hay giải pháp cho người ăn một mình, bán thêm phiếu giảm giá (voucher) ăn uống tại chỗ. Trong khi, ShopeeFood dùng AI vào tiếp thị liên kết, livestream để kích cầu.

Bà Nguyễn Hoài Anh, đại diện ShopeeFood đánh giá thị trường giao đồ ăn thời gian tới còn tiềm năng lẫn thách thức, đòi hỏi các nền tảng không ngừng đổi mới, từ mở rộng đối tác, tối ưu công nghệ, đến nâng cao trải nghiệm khách hàng. “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh ứng dụng AI giúp hiểu và đánh giá chính xác hơn sở thích, nhu cầu và thói quen ăn uống trong cuộc sống hàng ngày của người dùng”, bà Hoài Anh nói.

Viễn Thông

Tag: kinhte-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 7

No votes so far! Be the first to rate this post.