AustraliaĐược thả tự do sau 16 năm ngồi tù vì cưỡng hiếp và sát hại hai phụ nữ, Rodney Cameron tiếp tục chuỗi tội ác khi kết nối với chương trình mai mối qua đài phát thanh.
Quá khứ đen tối của Rodney Francis Cameron từng được đề cập trong một tập phim năm 2009 của Crime Investigation Australia.Vốn là một “đứa trẻ rắc rối”, quá trình sa vào bạo lực của Rodney bắt đầu từ năm 10 tuổi khi cố gắng bóp cổ nạn nhân đầu tiên là một bé gái.
Ở tuổi 19, Rodney cố siết cổ hai phụ nữ khác, bắt đầu cuộc sống nghiện rượu và ma túy, bao gồm thử nghiệm các chất gây ảo giác và thờ quỷ Satan.
Chuỗi tội ác nhắm vào phụ nữ
Năm 1974, khi làm y tá thực tập tại một viện dưỡng lão ở Blue Mountains (bang New South Wales), Rodney quen nữ đồng nghiệp Florence Jackson, 49 tuổi. Khi bị đuổi việc, đồng thời bị đuổi khỏi nhà, trong túi chỉ còn chút tiền, Rodney xin Florence giúp đỡ và được giới thiệu công việc tạm thời.
Lợi dụng mối quan hệ thân thiết giữa hai người, vào ngày 31/1/1974, Rodney đến nhà Florence ở thị trấn Katoomba, cưỡng hiếp và bóp cổ cô. Hắn không muốn ghi nhớ gương mặt nạn nhân sau khi bị sát hại nên dùng khăn che mặt Florence.
Rodney lấy séc, sổ tiết kiệm của Florence và cố rút tiền mặt ở bưu điện địa phương.
Thi thể Florence được phát hiện hai ngày sau. Cảnh sát tìm thấy dấu vân tay của Rodney ở hiện trường, thu được tên thật và địa chỉ hắn lưu lại khi rút tiền, từ đó thông báo truy nã.
Trong khi đó, Rodney đã trốn qua bang Victoria. Ngày 6/2/1974, một tuần sau án mạng, hắn cho Francesco Ciliberto, nhân viên ngân hàng 19 tuổi, đi nhờ xe đến Melbourne. Trên đường, hắn đánh vào đầu và siết cổ cô gái bằng chiếc tất thể thao.
Không lâu sau, Rodney chạy đến một trang trại hẻo lánh, cầm dao khống chế một bà mẹ trẻ cùng hai con nhỏ. Hắn kề dao vào cổ người mẹ, nói “Tôi đã giết hai người”, rồi đưa cô vào phòng ngủ lấy tiền và ép giao ôtô.
Rodney chở ba mẹ con đi 45 km cho đến khi họ nhân cơ hội chạy thoát ở gần Sarina, Queensland. Khi bị cảnh sát bắt, hắn nói “phải giết ba người”.

Rodney Francis Cameron. Ảnh: Seven
Rodney bị kết tội giết Florence tại New South Wales, bị phạt tù chung thân nhưng chỉ thụ án 9 năm. Sau đó, hắn bị dẫn độ về bang Victoria để xét xử về hành vi giết Francesco và phải ngồi tù thêm 7 năm.
Trong tù, Rodney thú nhận vụ giết người thứ ba cũng vào năm 1974. Hắn khai đã gây án với góa phụ lớn tuổi Sarah McKenzie tại nhà riêng của bà ở vùng ngoại ô Milsons Point. Nạn nhân được phát hiện với hơn 30 vết đâm, che phủ bằng chăn. Dù thừa nhận tội ác, Rodney chưa bao giờ bị xét xử về vụ giết người này do cảnh sát thiếu bằng chứng.
Săn nạn nhân qua show hẹn hò
Sau gần 16 năm thụ án, Rodney được thả tự do vào tháng 11/1989 nhờ hội đồng đánh giá là “đã cải tạo tốt”. Nhưng chỉ vài tháng sau khi ra tù, hắn lại săn tìm nạn nhân tiếp theo.
Ngày 26/5/1990, Rodney kết nối với chương trình hẹn hò “Những trái tim cô đơn” trên đài phát thanh, sử dụng bí danh Rodney Mallard để che giấu quá khứ đen tối. Biệt danh “Sát thủ trái tim cô đơn” của Rodney bắt nguồn từ đây.
Hắn chia sẻ với người dẫn chương trình rằng đang tìm kiếm một phụ nữ bầu bạn để chia sẻ niềm vui và tận hưởng cuộc sống. Maria Goellner, 44 tuổi, là một trong 9 phụ nữ đáp lại lời mời kết bạn của Rodney.
Vài tuần sau, ngày 22/6, Rodney đưa Maria đến nhà nghỉ Sky Rider Motor Inn ở Katoomba, Blue Mountains, cùng khu vực hắn thực hiện vụ giết người đầu tiên 16 năm trước. Sau khi nhận phòng, Rodney thình lình đánh tấn công Maria. Hắn nhặt hoa thả lên thi thể, dùng thảm che mặt nạn nhân như những lần phạm tội trước.
Ngày 23/6, thi thể Maria được phát hiện nằm trên sàn nhà nghỉ với nhiều vết máu bắn trên tường, một chiếc chăn thấm máu ở trong phòng tắm. Cảnh sát tìm thấy giấy phép câu cá mang tên Rodney Francis Cameron tại hiện trường. Một tuần sau, Rodney ra đầu thú.
Rodney lại bị kết án chung thân, lần này hồ sơ của hắn được đánh dấu là “không bao giờ được thả”.
Ngày 19/4/2025, Rodney qua đời ở tuổi 72 tại bệnh viện ở Sydney, sau nhiều thập kỷ ngồi tù. Trước đó, kẻ sát nhân được chẩn đoán mắc ung thư giai đoạn cuối và được điều trị tại khoa chăm sóc giảm nhẹ ở bệnh viện trong một thời gian.
Tuệ Anh (Theo The Sun, Daily Record)