Sát thủ mafia khét tiếng chuyên ‘đóng băng’ nạn nhân

Sát thủ mafia khét tiếng chuyên ‘đóng băng’ nạn nhân – rss

MỹTuổi thơ đen tối đưa Richard Kuklinski vào con đường phạm tội, trở thành sát thủ nhận tiền để triệt hạ kẻ thù cho các băng đảng, có biệt danh ‘Người băng’.

Richard Kuklinski sinh năm 1935 tại bang New Jersey, có bố nghiện rượu, hung bạo còn mẹ nghiêm khắc đến cay nghiệt, cả hai đều thường xuyên đánh đập các con. Những trận đòn của người cha tàn bạo đến nỗi đã giết chết anh trai 7 tuổi của Richard. Hai vợ chồng che giấu chuyện này với chính quyền, nói rằng cậu bé bị ngã từ cầu thang.

Em trai Richard, Joseph, bị kết án vào năm 1970 vì tội cưỡng hiếp và sát hại một cô bé 12 tuổi. Khi được hỏi về tội ác của em trai, Richard trả lời: “Chúng tôi có cùng một người cha”.

Về phần mình, Richard chuyển sự bạo lực mà hắn phải chịu sang những sinh vật nhỏ bé hơn, bằng cách tra tấn chó mèo hoang trong khu phố. Richard bỏ học từ lớp 8, và cùng năm đó, ở tuổi 14, hắn đánh chết kẻ bắt nạt trong thị trấn.

Con đường thành sát thủ mafia

Đầu những năm 1950, Richard dính líu tới mafia. Hắn mắc nợ tên gangster Roy DeMeo, thành viên của gia tộc tội phạm Gambino. Khi bị Roy cử người đến đánh để đòi tiền, thái độ thản nhiên chấp nhận trận đòn của Richard đã gây ấn tượng với tên mafia già đời, được nhận vào băng nhóm sau khi trả hết nợ.

Richard trở thành tên tội phạm đa năng, buôn bán nội dung khiêu dâm bất hợp pháp, dàn dựng các vụ cướp và đánh đập những người mà băng nhóm cho là cần phải cảnh cáo.

Khả năng xử lý tình huống khó và liên tục kiếm tiền cho nhóm giúp Richard nhận được tôn trọng. Theo thời gian, hắn được gia tộc Gambino chú ý.

Danh tiếng của Richard dần lan rộng đến các đầu lĩnh của thế giới tội phạm có tổ chức, đặc biệt là gia tộc khét tiếng DeCavalcante. Nhà DeCavalcante đã thuê hắn thực hiện vụ thủ tiêu đầu tiên.

Vừa làm sát thủ chuyên nghiệp, Richard vừa tự tìm nạn nhân để thỏa cơn khát bạo lực. Năm 1954, hắn bắt đầu những chuyến đi định kỳ từ New Jersey đến New York City, lùng sục khu vực Upper West Side của Manhattan để tìm kiếm nạn nhân. Mục tiêu thường là những người làm hắn khó chịu, những người khiến hắn cảm thấy bị coi thường theo một cách nhỏ nhặt nào đó. Những lần khác, hắn giết người ngẫu nhiên. Richard chỉ có quy tắc: không giết phụ nữ và trẻ em.

Đồng thời, Richard tiếp tục làm nhiệm vụ cho Roy và gia tộc Gambino. Sự sẵn sàng giết người không chút do dự của hắn khiến cả những đồng nghiệp giới tội phạm cũng phải sợ hãi, gọi hắn là “ác quỷ thực sự”.

Những chiêu trò xóa dấu vết

Gã sát thủ đặc biệt khôn ngoan khi trốn tránh chính quyền. Hắn thường cắt ngón tay và răng của nạn nhân để tránh bị nhận dạng. Hắn phi tang thi thể bằng cách ném xuống sông, vứt xuống hầm mỏ hoặc nấu chảy trong thùng dầu.

Chiêu trò ưa thích của Richard là để xác nạn nhân trong tủ đông công nghiệp, rồi vứt xác sau nhiều tháng hoặc nhiều năm để cố gắng che giấu thời gian tử vong. Khi cảnh sát tìm thấy, nạn nhân có vẻ như mới bị giết và Richard sẽ không bao giờ bị nghi ngờ. Kỹ thuật này khiến Richard có biệt danh “Người băng”.

Phương pháp gây án của Richard cũng đa dạng như cách lựa chọn nạn nhân. Hắn sử dụng mọi thứ từ súng, dao, dùi đục đá, lựu đạn đến thuốc độc hay chỉ dùng tay không, tùy theo tâm trạng. Do hung khí thay đổi liên tục, cảnh sát phán đoán sai lầm rằng hàng loạt cái chết trong khu vực không phải do cùng một người gây ra. Richard từng tuyên bố bình xịt mũi chứa đầy xyanua là thứ hắn ưa thích nhất.

Vào thời điểm đó, cảnh sát nghĩ các vụ án mạng là những người vô gia cư tấn công và sát hại lẫn nhau. Họ không ngờ rằng có một sát thủ từ New Jersey đến New York City để gây án ngẫu nhiên.

Ngay cả gia đình Richard cũng không ngờ tới hắn có bộ mặt hoàn toàn khác.

Vỏ bọc ‘người đàn ông của gia đình’

Bề ngoài, Richard là doanh nhân bán sỉ, có cuộc sống bình thường ở vùng ngoại ô New Jersey.

Năm 1961, Richard kết hôn với Barbara Pedrici và có ba con. Barbara không biết rằng vào thời điểm họ gặp nhau, kẻ mang biệt danh “Người băng” được cho là đã thực hiện khoảng 65 vụ giết người.

Trong mắt hàng xóm, gia đình Richard có cuộc sống sung túc đáng ghen tỵ, những đứa trẻ theo học trường tư đắt tiền, cả nhà tổ chức tiệc nướng ngoài trời ở sân sau cạnh hồ bơi và đi chơi Disneyland vào các ngày lễ.





Richard Kuklinski bên vợ và hai con gái. Ảnh: Vintage Everyday

Richard Kuklinski bên vợ và hai con gái. Ảnh: Vintage Everyday

Khi cảnh sát bắt Richard, Barbara không biết chồng đã làm gì vi phạm pháp luật. Cô chỉ biết Richard tính khí thất thường, dễ nổi cơn thịnh nộ, đập phá đồ đạc. Hắn từng đánh vợ đến mức thâm tím mình mẩy và làm gãy mũi cô ba lần. Barbara biết “cơn giận” của chồng không bình thường, nhưng chưa bao giờ nghi ngờ là kẻ giết người.

Suốt nhiều năm, Richard giữ vỏ bọc “người đàn ông của gia đình” bằng cách phân chia cuộc sống rất rõ ràng. Hắn không nói với đồng bọn bất cứ điều gì về cuộc sống cá nhân, gia đình hoặc nơi ở; không bao giờ giao du ngoài công việc. Hắn tránh xa ma túy và gái mại dâm, không bao giờ mua những thứ mà mafia bán.

Ngày tàn của gã sát thủ ranh ma

Nhưng vào những năm 1980, sau 25 năm làm sát thủ cho mafia, Richard thành lập đường dây tội phạm riêng và bắt đầu phạm phải sai lầm.

Cách thức hoạt động của Richard là dụ những người đàn ông đến các cuộc họp bí mật với lời hứa hẹn ký kết hợp đồng kinh doanh béo bở sau đó sát hại và lấy cắp tiền. Hắn cũng giết hai cộng sự để ngăn họ trở thành người cung cấp thông tin cho cảnh sát.

Sau nhiều vụ mất tích đáng ngờ, Richard lọt vào tầm ngắm của cảnh sát khi cuộc điều tra về băng trộm cắp của hắn phát hiện Richard là người cuối cùng nhìn thấy năm người đàn ông mất tích. Một cuộc điều tra bí mật kéo dài 18 tháng đã dẫn đến vụ bắt giữ Richard vào tháng 12/1986.

Kẻ “hủy diệt” Richard là Phil Solimene, một tên mafia địa phương và là người bạn thân nhất của hắn. Phil đã hỗ trợ Cục Quản lý Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ Mỹ (ATF) trong chiến dịch truy quét, giới thiệu đặc vụ Dominick Polifrone cho Richard như một khách hàng tiềm năng.

Dominick đến gặp Richard để thương lượng một phi vụ giết thuê, sau đó ghi âm lời hứa giết người lấy tiền của hắn. Đây chính là hồi kết của “Người băng”.

Vụ bắt giữ Richard diễn ra vào ngày 17/12/1986. Những chiếc xe không có biển số bao vây vợ chồng Richard trên đường đi ăn sáng. Cảnh sát chĩa súng vào đầu họ. Pat Kane, điều tra viên chính, đến gần Barbara đang hoảng loạn và nói: “Anh ta là kẻ giết người”.

‘Chưa bao giờ hối hận’

Sau khi bị bắt, Richard bị buộc tội giết 5 người từ năm 1980 đến 1984. Năm 1988, hắn bị kết tội với bốn tội danh giết người. Sau đó, Richard bị kết tội giết hai người nữa và bị tuyên nhiều án chung thân liên tiếp.

Vợ chồng Richard ly hôn vào năm 1993 khi hắn đang ở trong tù. Barbara tiếp tục đến thăm hắn nhưng chỉ khoảng một lần một năm.

Richard còn bị cáo buộc có liên quan tới một loạt tội ác khác, bao gồm vụ giết thám tử Peter Calabro của Sở cảnh sát New York năm 1980 ở New Jersey. Hắn thú nhận tội ác vào năm 2001, nói thêm rằng gây án do được lệnh của trùm gia tộc Gambino là Sammy “The Bull” Gravano.

Điều tra viên Pat Kane tin rằng “Người băng” đã giết tới 300 người. “Hắn giết bất cứ ai hắn muốn, bất cứ khi nào hắn muốn”, ông nói.

Ở trong tù, Richard không ngại trò chuyện với các công tố viên, bác sĩ tâm thần, phóng viên, nhà tội phạm học…. Hắn tuyên bố đã giết từ 100 đến 200 người, thường là theo cách ghê rợn. Không có vụ giết người nào trong số này được xác nhận.

Richard tham gia hai bộ phim tài liệu về cuộc đời mình, chia sẻ thẳng thắn về những việc đã làm và lý do tại sao. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình từ nhà tù, hắn nói: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy hối hận về bất cứ điều gì đã làm. Ngoại trừ việc làm tổn thương gia đình. Tôi muốn được gia đình tha thứ”.





Richard Kuklinski trong phim tài liệu The Iceman Confesses: Secrets of a Mafia Hitman. Ảnh: HBO

Richard Kuklinski trong phim tài liệu The Iceman Confesses: Secrets of a Mafia Hitman. Ảnh: HBO

Năm 2005, sau gần 18 năm trong tù, Richard được chẩn đoán mắc chứng viêm mạch máu không thể chữa khỏi, được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng lúc tỉnh lúc mê. Barbara đến thăm chồng lần cuối.

Trong khoảnh khắc tỉnh táo, Richard yêu cầu bác sĩ hồi sức cấp cứu cho mình nếu bị ngừng tim phổi. Nhưng khi ra về, Barbara đã ký vào lệnh Không hồi sức (DNR) – thể hiện mong muốn không thực hiện hồi sức tim phổi hay bất cứ biện pháp can thiệp tích cực nào trong trường hợp bệnh nhân ngừng tim hoặc ngừng thở.

Một tuần trước khi Richard chết, phía bệnh viện gọi điện cho Barbara để hỏi có muốn thay đổi ý định không. Câu trả lời là không.

Richard tử vong ở bệnh viện vào ngày 5/3/2006 ở tuổi 70.

Tuệ Anh (Theo ATI)

Tag: phapluat-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 4

No votes so far! Be the first to rate this post.