Sản phẩm vệ sinh làm từ tinh bột ngô giúp giảm rác nhựa

Sản phẩm vệ sinh làm từ tinh bột ngô giúp giảm rác nhựa – rss

BrazilBăng vệ sinh được sản xuất từ ứng dụng nhựa sinh học của tinh bột ngô giúp giảm nhựa, thân thiện môi trường gấp 17 lần loại thường.

Nghiên cứu trên được nhóm nhà khoa học từ các trường đại học liên bang São Carlos và Triângulo Mineiro (Brazil) công bố trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ bền vững vào đầu tháng 5. Kết luận của nhóm tác giả dựa vào phương pháp đánh giá môi trường trong suốt vòng đời sản phẩm (LCA) từ khâu khai thác nguyên liệu thô đến sản xuất, sử dụng và tái chế hoặc bị thải bỏ.

Một phụ nữ thường trải qua chu kỳ kinh nguyệt trong 5 ngày mỗi tháng, kéo dài khoảng 40 năm, theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ. Tính trung bình, họ thải ra khoảng 120 kg băng vệ sinh trong suốt vòng đời.

Nhóm nghiên cứu phân tích trên sản phẩm băng vệ sinh có cánh Always siêu thấm, một trong ba loại bán chạy nhất tại Brazil. Sản phẩm đối chiếu là loại trên, với dữ liệu nhựa nguyên sinh được thay bằng chất liệu sinh học từ tinh bột ngô để tính toán tác động lên sức khỏe con người, ảnh hưởng hệ sinh thái và tài nguyên. Lưu lượng tham chiếu là 240 chiếc, tương ứng mức sử dụng trung bình trong năm của một người.

Theo nhóm nghiên cứu, hoạt động sản xuất nhựa thông thường làm tăng hiện tượng nóng lên toàn cầu và độc tính gây ung thư ở người. Tác động tới môi trường và sức khỏe con người ở sản phẩm này cũng tăng lên trong quá trình xử lý chất thải tại bãi chôn lấp. Trong khi đó, nhựa sinh học từ tinh bột ngô tác động cao lên hệ sinh thái, chủ yếu bởi công đoạn bón phân trong trồng trọt, gây phát thải khí nhà kính CO2 và N2O.

Tổng hợp các chỉ số trong suốt vòng đời, băng vệ sinh thông thường tác động lên con người, hệ sinh thái và tài nguyên gấp 17 lần loại làm từ nhựa sinh học. Điều này rất đáng kể khi xét đến lượng rác thải nhựa khổng lồ phát sinh từ sản phẩm vệ sinh truyền thống.





Các sản phẩm vệ sinh phụ nữ được bày bán tại một hiệu thuốc ở London, Anh, ngày 18/3/2016. Ảnh: Reuters

Các sản phẩm vệ sinh phụ nữ được bày bán tại một hiệu thuốc ở London, Anh, ngày 18/3/2016. Ảnh: Reuters

Một băng vệ sinh thường gồm ba lớp chính, lớp trên cùng tiếp xúc với da và dễ thấm hút làm bằng vải không dệt gốc nhựa PP hoặc PE. Lớp lõi thấm làm bằng bột giấy và polymer siêu thấm. Lớp thứ ba là đáy chống thấm, làm bằng nhựa PE. Băng vệ sinh thường không được tái chế, thải thẳng ra bãi chôn lấp hoặc đốt.

Tình trạng này góp phần gia tăng lượng rác thải nhựa ở mức báo động. Tính riêng tại Bắc Mỹ, khoảng 55.000 tấn rác băng vệ sinh bị trôi vào các nguồn nước hàng năm.

Trong nỗ lực giảm rác nhựa, thị trường xuất hiện một số sản phẩm thay thế bền vững như cốc nguyệt san, băng vệ sinh vải tái sử dụng. Tuy nhiên, chi phí cao khiến các sản phẩm này chưa thể thay thế cho loại dùng một lần. Do đó, một giải pháp bền vững và có tính thị trường là cần thiết, ví như thay thế nhựa gốc dầu mỏ trong băng vệ sinh bằng nhựa sinh học (PLA).

Mặc dù vậy, các nhà sản xuất chưa có động thái chuyển đổi vật liệu đáng kể. Một trong những rào cản chính là việc sản xuất cần quy mô lớn để đảm bảo hiệu quả chi phí, trong khi người dùng vẫn chấp nhận sản phẩm từ nhựa truyền thống. Nhóm nghiên cứu cho rằng nếu người dùng nhận thức được đầy đủ tác động của nhựa sinh học và có nhu cầu chuyển đổi, họ có thể gây áp lực lên các công ty sản xuất, kéo theo thay đổi rộng hơn trong ngành.

Bên cạnh thách thức trong nâng cao nhận thức người dùng, các đơn vị phát triển băng vệ sinh từ nhựa sinh học cần cải thiện quy trình sản xuất ngô, vốn đang phụ thuộc nhiều vào phân và hóa chất. Thêm vào đó, khâu xử lý rác từ nhựa sinh học cũng cần được quan tâm, bởi chúng đòi hỏi điều kiện ủ phân công nghiệp.

“Điều này nhấn mạnh nhu cầu cải thiện cơ sở hạ tầng và công nghệ quản lý chất thải, qua đó tối ưu hóa hiệu suất môi trường sau sử dụng của các dòng sản phẩm làm từ nhựa PLA”, nhóm tác giả nêu trong báo cáo.

Bảo Bảo (theo Sustainability Times, Sustainability Science and Technology)

Tag: kinhte-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 9

No votes so far! Be the first to rate this post.