Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa yêu cầu các địa phương kiểm tra hiện trạng đê điều, có phương án đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ.
Yêu cầu được đưa ra dựa trên hai nguyên nhân. Thứ nhất, bão Yagi tháng 9/2024 đã gây ra đợt lũ diện rộng trên 7 tuyến sông chính của 25 tỉnh, thành miền Bắc và Thanh Hóa. Lũ đã gây ra 805 sự cố đê điều, trong đó có nhiều sự cố “đặc biệt nguy hiểm” uy hiếp hầu hết hoạt động kinh tế xã hội từ vùng núi đến đồng bằng.
Thứ hai, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia đánh giá từ tháng 7 bão, áp thấp nhiệt đới sẽ hoạt động mạnh với số lượng xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, ảnh hưởng đến đất liền 4-6 cơn). Tổng lượng mưa ở hầu hết khu vực được dự báo tương đương hoặc cao hơn trung bình nhiều năm.

Đê xã Quyết thắng, Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang bị vỡ ngày 11/9/2024 sau bão Yagi. Ảnh: Đức Hùng
Bộ Nông nghiệp và Môi trường lưu ý các địa phương với hệ thống cống dưới đê, đặc biệt là cống đã xảy ra sự cố như Cẩm Đình, Liên Mạc (Hà Nội); Tắc Giang (Hà Nam); Long Phương, Văn Thai (Bắc Ninh); Đa Mai, cống Bún, Đa Hội (Bắc Giang); Liên Nghĩa (Hưng Yên); Triệu Đề (Vĩnh Phúc); Ngọc Quang, Nổ Thôn (Thanh Hóa)…
Để khắc phục các sự cố, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị địa phương tập trung nguồn lực bao gồm cả ngân sách và xã hội hóa. Với các phương án được duyệt cần chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ cho từng tuyến đê, công trình thủy lợi, đồng thời có kế hoạch huy động vật tư trong nhân dân, kể cả vật tư, thiết bị của doanh nghiệp, cơ quan đóng trên địa bàn để sử dụng khi xảy ra sự cố.
Ngoài ra, cơ quan trung ương yêu cầu các địa phương tổ chức diễn tập phương án hộ đê, ứng phó khẩn cấp; kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, chỉ huy và thông tin liên lạc để khắc phục kịp thời thiếu sót.
Thiên tai năm 2024 đã làm 519 người chết, mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế hơn 89.000 tỷ đồng.
Gia Chính