Xây dựng khu thương mại tự do, ưu đãi về phát triển khoa học công nghệ, thu nhập đặc thù cho cán bộ là những chính sách đặc thù có thể áp dụng cho TP Hải Phòng.
Ngày 13/5, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng. Có 6 nhóm chính sách gồm: quản lý đầu tư; quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên và môi trường; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, Chính phủ cũng xây dựng các cơ chế ưu đãi về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý; thành lập và các cơ chế, chính sách trong Khu thương mại tự do tại thành phố.
Về Khu thương mại tự do tại TP Hải Phòng, Chính phủ cho biết đây là khu vực có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội. Mô hình này mang tính đột phá nhằm thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, dịch vụ thúc đẩy xuất khẩu, công nghiệp, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Khu thương mại tự do được tổ chức thành các khu chức năng, bao gồm: Khu sản xuất, khu cảng và hậu cần cảng – logistics, khu thương mại – dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật. Các khu này đáp ứng điều kiện phi thuế quan; bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật.
UBND thành phố quyết định thành lập, mở rộng, điều chỉnh ranh giới Khu thương mại tự do gắn với Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải và Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng.

Trung tâm hành chính ở của TP Hải Phòng. Ảnh: Hồng Phong
Chính phủ cho rằng khu thương mại tự do được kỳ vọng bổ sung động lực phát triển mới với các cơ chế, chính sách đột phá, giúp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho thành phố phát triển nhanh và bền vững.
Doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động tại khu thương mại tự do sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh; thủ tục xuất nhập khẩu; xuất nhập cảnh, tạm trú và giấy phép lao động; thủ tục đất đai, đầu tư xây dựng.
Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do và có thẩm quyền giải quyết trực tiếp các thủ tục về cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; cấp, cấp đổi, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho nhà đầu tư.
Về khoa học công nghệ, Chính phủ đề xuất ngân sách thành phố hỗ trợ không hoàn lại cho các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó gồm chi phí doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, phòng thí nghiệm, phòng thử nghiệm, trung tâm thử nghiệm kiểm định, giám định, khu làm việc chung; tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ.
Các doanh nghiệp cũng được hỗ trợ thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình mới; tìm kiếm, lựa chọn, giải mã và chuyển giao công nghệ phù hợp với doanh nghiệp; đào tạo, huấn luyện chuyên sâu; khai thác thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo.
HĐND thành phố được quyết định đầu tư, nâng cấp, mở rộng, phát triển và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng khoa học và công nghệ từ nguồn ngân sách thành phố. HĐND thành phố được quyết định cho các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các tổ chức, cá nhân hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng khoa học và công nghệ không thông qua đấu giá để hoạt động.
Cũng trong sáng 13/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Buổi chiều, Chính phủ trình về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; giảm thuế giá trị gia tăng. Các đại biểu dành phần còn lại của buổi chiều để thảo luận về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Sơn Hà