Ông chủ vàng Phú Cường bị tuyên hơn 14 năm tù do chuyển lậu 9.500 tỷ đồng

Ông chủ vàng Phú Cường bị tuyên hơn 14 năm tù do chuyển lậu 9.500 tỷ đồng – rss

Hà NộiNguyễn Ngọc Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng Phú Cường, bị toà kết tội là chủ mưu, cầm đầu đường dây chuyển lậu hơn 425 triệu USD (khoảng 9.500 tỷ đồng) qua biên giới.

Ngày 26/4, sau 6 ngày xét xử và nghị án, TAND Hà Nội tuyên án với 13 bị cáo trong vụ vận chuyển lậu 425 triệu USD qua biên giới. Trong số này, ông Phương, 46 tuổi bị tuyên 6 năm tù về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới và 8 năm 6 tháng về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, tổng hợp hình phạt 14 năm 6 tháng.

Đinh Thị Diệu Thúy bị tuyên 27 tháng tù về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới và 24 tháng tù do Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. 8 người khác từ 30 tháng đến 5 năm tù về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Cùng vụ án, tòa tuyên 3-8 năm với 3 cựu cán bộ ngân hàng do Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Ngoài án tù, HĐXX tuyên Phương phải bồi thường hơn 31 tỷ đồng tiền nợ gốc và 11 tỷ đồng tiền lãi cho ngân hàng Agribank chi nhánh Tây Hồ.





13 bị cáo tại phiên toà. Ảnh: Danh Lam

13 bị cáo tại phiên toà. Ảnh: Danh Lam

Bản án đánh giá hành vi của các bị cáo đặc biệt nguy hiểm”, số tiền vận chuyển và thiệt hại đặc biệt lớn, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của nhà nước. Bị cáo Phương giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu hành vi chuyển tiền trái phép, lập khống hồ sơ vay tiền. Các bị cáo khác là đồng phạm có vai trò giúp sức.

Cho rằng việc xử lý nghiêm là cần thiết để răn đe, song HĐXX xét các bị cáo thành khẩn, ăn năn, nhiều người chỉ là nhân viên, làm công ăn lương, phụ thuộc. Nhiều bị cáo còn trẻ, chưa có kinh nghiệm sống, cả nể làm theo yêu cầu nên phạm tội. Tòa do đó tuyên một người có mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.

Trước khi công bố bản án, HĐXX quay lại phần xét hỏi để công bố một số tình tiết mới phát sinh trong 3 ngày nghỉ nghị án. Cụ thể, chồng bị cáo Thúy nộp sổ tiết kiệm một tỷ đồng để thay vợ khắc phục hậu quả; tập thể cán bộ Agribank chi nhánh Tây Hồ có đơn xin giảm án cho ba cựu cán bộ ngân hàng.

Từ các tình tiết này, luật sư của bị cáo Thúy đề nghị toà cho thân chủ được hưởng hình phạt tiền thay vì án tù cho tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Luật sư của bị cáo Phạm Đức Mạnh, cựu cán bộ tín dụng Agribank chi nhánh Tây Hồ, xin cho thân chủ được hưởng án treo (VKS đề nghị 3-4 năm tù).

VKS không phát biểu lại quan điểm luận tội song đề nghị HĐXX xét đó là yếu tố giảm nhẹ khi lượng hình.





Bị cáo Phương tại phiên toà. Ảnh: Danh Lam

Bị cáo Phương – ông chủ Vàng Phú Cường. Ảnh: Danh Lam

Trong bản án tuyên 15h chiều nay, tòa xác định ông Phương lập 7 công ty trong nước và 3 công ty ở Hong Kong, nhờ người quen đứng tên. Để có tiền chuyển ra nước ngoài, Phương chỉ đạo nhân viên lập khống các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa giữa 10 doanh nghiệp; hợp đồng mua bán hàng hóa giữa 7 doanh nghiệp trong nước với nhau. Việc này nhằm hợp thức hồ sơ vay vốn ngân hàng, hồ sơ thanh toán quốc tế, chuyển tiền ra nước ngoài.

Từ đây, tiền chuyển ra nước ngoài qua 3 ngân hàng lớn trong nước rồi đổ vào tài khoản của 3 công ty ở Hong Kong thông qua các hợp đồng nhập khẩu khống. Tổng cộng, 148 lượt tiền đã ra nước ngoài, hơn 214,1 triệu USD.

Để chuyển tiền từ nước ngoài vào Việt Nam, 3 doanh nghiệp ở Hong Kong chuyển tiền về tài khoản cá nhân của vợ chồng Phương và công ty Phú Cường, sau đó rút ngoại tệ, quy đổi sang VNĐ trả nợ vay ngân hàng và việc cá nhân khác.

Tổng số tiền chuyển từ Việt Nam sang Hong Kong và ngược lại là 425,1 triệu USD (tương đương gần 9.500 tỷ đồng).

Ngoài nhóm hành vi chuyển tiền trái phép, cáo trạng nêu ông Phương dùng 3 công ty để ký 7 hợp đồng tín dụng không có tài sản bảo đảm để vay vốn Agribank chi nhánh Tây Hồ, giai đoạn năm 2015-2017. Trong đó, một hợp đồng còn dư nợ gốc 33,8 tỷ đồng và nợ lãi 9,4 tỷ đồng.





Phiên toà do thẩm phán Lê Anh Tuấn làm chủ toạ. Ảnh: Danh Lam

Phiên tòa do thẩm phán Lê Anh Tuấn làm chủ tọa. Ảnh: Danh Lam

Theo bản án, bị cáo Vũ Tiến Sơn khi làm giám đốc Agribank chi nhánh Tây Hồ biết rõ phương án vay vốn của nhóm Phương không khả thi, nội dung báo cáo thẩm định có nhiều sai sót nhưng vẫn đồng ý cấp tín dụng, giải ngân không có tài sản đảm bảo.

Bị cáo Hoàng Thị Mai Vân, nguyên Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp – Agribank chi nhánh Tây Hồ, bị cáo buộc là người kiểm soát khoản vay nhưng đã thực hiện theo chỉ đạo của ông Sơn. Từ đó, bị cáo Vân không kiểm soát tính hợp pháp, hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ vay vốn, giải ngân. Bà còn không kiểm soát nhiều yếu tố khác mà đã ký báo cáo đề xuất cấp tín dụng cho công ty của Phương.

Bị cáo Phạm Đức Mạnh, nguyên cán bộ tín dụng, được giao thẩm định khoản vay song đã thực hiện chỉ đạo của cấp trên để không thu thập thông tin cần thiết về khách hàng, không rà soát để đánh giá tính đầy đủ, hợp pháp của hồ sơ vay vốn.

Hành vi của ba bị cáo đã gây thiệt hại cho Agribank chi nhánh Tây Hồ hơn 42 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 33,8 tỷ đồng, còn lại là lãi.

Toà nêu Nguyễn Thị Hồng Nga, vợ của Phương, còn đứng tên đại diện pháp luật một công ty và quản lý, sử dụng tài khoản của 2 công ty khác trong “hệ sinh thái” của chồng. Số tiền 214 triệu USD (hơn 4.700 tỷ đồng) được chuyển trót lọt từ Hong Kong về Việt Nam, đã được đổ về các tài khoản liên quan Phương, Nga và Quang.

Ngày 24/6/2023, Nga đã xuất cảnh sang Hàn Quốc, chưa nhập cảnh về Việt Nam, không có mặt tại nơi cư trú, do đó bị Bộ Công an truy nã. Hành vi của Nga được tách thành vụ án khác, để chờ bắt được sẽ điều tra, xử lý.

Thanh Lam

Tag: phapluat-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 7

No votes so far! Be the first to rate this post.