Ốc vòi voi thành ‘nạn nhân’ trong thương chiến Mỹ – Trung

Ốc vòi voi thành ‘nạn nhân’ trong thương chiến Mỹ – Trung – rss

Là món ăn yêu thích của người Trung Quốc và mặt hàng xuất khẩu lãi cao của Mỹ, ngành ốc vòi voi lao đao lập tức vì thương chiến.

Hơn hai thập kỷ qua, Joshua George – thành viên bộ tộc Suquamish – đã lặn xuống làn nước màu ngọc lục bảo của biển Salish để săn tìm ốc vòi voi, vốn được thực khách cách họ hàng nghìn dặm sẵn lòng thu mua.

Ốc vòi voi đã được tổ tiên dân bản địa của George ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương khai thác trước khi người châu Âu đặt chân đến. Những năm gần đây, nó trở thành đặc sản được ưa chuộng tại Trung Quốc, nơi bang Washington xuất khẩu đến 90% sản lượng, hình thành một ngành hàng hải sản nhỏ nhưng sinh lời cao.





Thợ lặn Daniel McRae đang dỡ một túi ốc vòi voi thu hoạch ở Bremerton, Washington. Ảnh: AP

Thợ lặn Daniel McRae đang dỡ một túi ốc vòi voi thu hoạch ở Bremerton, Washington. Ảnh: AP

Nhưng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang làm tê liệt toàn bộ hoạt động, khiến các thợ lặn ở bang Washington thất nghiệp. Những nhà xuất khẩu ở Seattle cũng không có đơn hàng. “Lần đầu tiên trong 24 năm, tôi không biết khi nào mới có thể trở lại làm việc không, hay sẽ phải tìm công việc khác, làm gì tiếp theo”, George nói.

Cuộc đối đầu thương mại do Tổng thống Donald Trump khởi xướng từ nhiệm kỳ đầu tiên đã nhanh chóng trở lại vào tháng 2, vài tuần sau khi ông quay lại Nhà Trắng. Đến tháng 4, ông áp thuế lên tới ít nhất 145% đối với hàng hóa Trung Quốc, khiến Trung Quốc đáp trả bằng mức thuế 125% lên hàng hóa Mỹ.

Ốc vòi voi nặng khoảng 2 pound (gần 1 kg) và ăn sâu vào văn hóa địa phương đến mức nó trở thành biểu tượng của Đại học Evergreen State ở Olympia. Đây là loài nhuyễn thể có vị ngọt, mặn dịu, thường được cắt lát sống để ăn sashimi ở phương Tây, còn người tiêu dùng Trung Quốc lại ưa chuộng vị dai khi xào hoặc nấu lẩu.

Trước khi bị đánh thuế, giá loại này tại nhà hàng có thể lên tới 100 USD mỗi pound (0,45 kg), khiến nó trở thành món ăn dành cho những dịp đặc biệt như Tết Nguyên đán hoặc liên hoan doanh nghiệp.

Khác với những mặt hàng có thể trữ lâu dài, cuộc chiến thương mại ảnh hưởng trực tiếp và tức thì đến ốc vòi voi vì nó phải được vận chuyển sống ngay trong ngày thu hoạch. “Cả thị trường phải dừng lại ngay lập tức”, Jim Boure, CEO Suquamish Seafoods nói. “Chúng tôi bắt đầu nhận được cuộc gọi từ khách hàng thông báo hủy đơn”, ông kể thêm.

Mỗi năm, hàng nghìn tấn ốc vòi voi được Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc, chủ yếu từ hai nguồn: khai thác tự nhiên tại các vùng đáy biển do Cơ quan quản lý Tài nguyên Thiên nhiên bang Washington và các bộ tộc bản địa vùng Puget Sound cùng quản lý, và nuôi từ các trang trại ở vùng đất thủy triều.

Đến cuối tháng 4, thợ lặn ở bang Washington mới chỉ thu hoạch một nửa sản lượng kỳ vọng từ các khu vực đáy biển địa phương quản lý, theo Blain Reeves – Trưởng bộ phận tài nguyên thủy sinh tại Cơ quan quản lý Tài nguyên Thiên nhiên bang.

Năm ngoái, bang và các bộ tộc thu hoạch hơn 1.500 tấn ốc vòi voi hoang dã để bán, mang về 22,4 triệu USD cho riêng phần của bang. Nguồn này được dùng cho các dự án khôi phục môi trường thủy sinh. “Nếu chỉ thu được một nửa sản lượng đã hợp đồng, thì doanh thu của bang cũng chỉ còn một nửa”, Reeves nói. Bang không thống kê lượng ốc vòi voi thu hoạch bởi các nông trại tư nhân.

Hiện Suquamish không còn đơn hàng nhưng vẫn phải duy trì hoạt động bảo trì để sẵn sàng nếu Trung Quốc quay lại đặt hàng. Một ngày tháng 4 gần đây, đội của George thực hiện chuyến đi ngắn để thu vài con ốc vòi voi gửi đến phòng thí nghiệm của bang nhằm kiểm tra chất lượng.

Đồng nghiệp của George, thợ lặn Kyle Purser lo lắng thất nghiệp. “Khi bạn nhìn thấy tiền của mình vơi dần trong khi vẫn phải nuôi gia đình và không biết bao giờ mới có lương lần tới thì sẽ cực kỳ căng thẳng”, anh nói.

Tại một vịnh nhỏ phía nam bang Washington, Ian Child cho biết cuộc khủng hoảng thuế quan không chỉ khiến thu nhập sụt giảm, mà còn phá vỡ toàn bộ chu trình nuôi trồng ốc vòi voi. Ông thường thả con non vào cát vào mùa hè, nhưng hiện không thể trộn lứa mới với lứa cũ chưa thu hoạch. Anh hiện chỉ biết chờ đợi. “Tôi nghĩ bên Trung Quốc vẫn còn nhu cầu. Họ vẫn muốn sản phẩm này, chỉ là vấn đề ở chỗ mức thuế cuối cùng sẽ ra sao”, ông nói.





Khách hàng xem ốc vòi voi nhập từ Canada tại một nhà hàng ở Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc vào 25/4. Ảnh: AP

Khách hàng xem ốc vòi voi nhập từ Canada tại một nhà hàng ở Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc vào 25/4. Ảnh: AP

Trong khi thuế quan khiến các nhà xuất khẩu của Mỹ lao đao thì vô tình giúp Canada ăn nên làm ra. Canada chỉ chịu mức thuế 25% từ Trung Quốc, trong khi Mỹ bị đánh tới 125%. Bang Washington (Mỹ) và tỉnh British Columbia (Canada) là hai nơi chính mà ốc vòi voi hoang dã sinh trưởng. Trong nhiều thập kỷ, hai nước cùng phục vụ thị trường Trung Quốc, một phần vì sản lượng có giới hạn.

James Austin, Chủ tịch Hiệp hội Khai thác Dưới nước Canada, cho biết khách Trung thích vị mặn mòi của ốc vòi voi. “Đây là món hải sản rất được ưa chuộng ở Trung Quốc. Mọi thứ đều xoay quanh bờ biển hoang sơ. Nó mang lại cảm giác danh giá”, ông mô tả.

Ông Austin ước tính Canada sẽ thu hoạch gần 1.250 tấn ốc vòi voi năm 2025, mang về khoảng 60 triệu đôla Canada (tương đương 43,4 triệu USD). Nhu cầu không cao như trước do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chậm lại nhưng vẫn duy trì ổn định. Canada hiện là nước xuất khẩu hàng đầu mặt hàng này cho Trung Quốc. Lợi thế này giúp họ thương lượng mức giá cao hơn.

Ví dụ, sau khi bị Trung Quốc áp thuế 25% vào tháng 3, giá xuất khẩu ốc vòi voi giảm còn 12 USD mỗi pound. Nhưng kể từ lúc Mỹ bị đánh thuế 125% vào tháng 4, giá của Canada đã tăng lên 17 USD mỗi pound. “Chúng tôi hiện không có đối thủ cạnh tranh”, Austin nói.

Dương Bân từ công ty Công nghiệp Sức khỏe Huaxia Shougang tại thành phố Bắc Hải, Quảng Tây cho biết không còn lấy hàng từ Mỹ. “Chúng tôi không bận tâm tới thuế vì có thể mua ốc vòi voi từ các nước khác với giá ổn định”, ông nói.

Phiên An (theo AP)

Tag: kinhte-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 7

No votes so far! Be the first to rate this post.