Là điệp báo thuộc lực lượng An ninh T4 hoạt động trong lòng Sài Gòn, bà Đoàn Thị Thu sống ẩn mình trong danh tính của kẻ phản bội, khi là người bán hàng rong, giúp việc.
Những ngày cả nước rộn ràng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất, bà Đoàn Thị Thu – hay như người dân gọi bằng cái tên giản dị “cô Năm Thu”, vẫn miệt mài với những buổi gặp gỡ, chia sẻ tại các hội phụ nữ, họp mặt các cán bộ lão thành Điệp báo an ninh miền Nam.
Ở tuổi 87 tuổi, ánh mắt và thần thái của bà vẫn đầy vẻ cương nghị – thứ từng giúp nữ điệp báo ở Sài Gòn vượt qua những năm tháng bị tra tấn trong lao tù, và trong hàng chục năm là nữ Trưởng Công an quận Tân Bình – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Bà Năm Thu tham quan nơi lưu giữ hình ảnh các anh hùng, đồng đội đã hy sinh trong kháng chiến. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sinh ra tại huyện Củ Chi, TP HCM, Năm Thu lớn lên giữa bối cảnh chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp tại khu vực Ba Sông, năm 1956-1957. Khu vườn sau nhà cô trở thành hầm nuôi giấu cán bộ. Được giao nhiệm vụ nắm tình hình lính bảo an đóng ở xã, trong thời gian ngắn cô vận động được nhiều binh sĩ bỏ ngũ, đưa vào vùng giải phóng ở Bưng Còng, Rạch Bắp.
Cuối năm 1958, khi bộ đội trú sau vườn nhà Năm Thu đụng trận với dân vệ xã, anh trai cô tiêu diệt tên xã trưởng. Gia đình bị theo dõi, cô quyết định thoát ly, chính thức bước vào con đường hoạt động bí mật. Năm 1959, cô là ủy viên Ban chấp hành xã đoàn, được kết nạp Đảng, rồi tham gia Ban chấp hành phụ nữ huyện.
Từ đây, hành trình của cô gái 22 tuổi dẫn về trái tim Sài Gòn – nơi trở thành mặt trận hoạt động chính của cô suốt hàng chục năm sau đó.
‘Mắt xích’ của An ninh T4
Tháng 3/1961, để phát triển bộ máy tổ chức an ninh tham mưu cho Đảng và làm nòng cốt cho phong trào quần chúng tại địa bàn chiến lược khu vực Sài Gòn – Gia Định, Bộ Công an và Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đã chỉ đạo thành lập Ban Bảo vệ An ninh khu Sài Gòn – Gia Định. Ban này gồm 4 bộ phận là văn phòng, nông thôn, đô thị và vũ trang – gọi tắt là An ninh T4 (tiền thân của lực lượng Công an TP HCM ngày nay), hoạt động tình báo ở nội đô.
Khi tình hình miền Nam bước vào giai đoạn căng thẳng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng An ninh T4 tập trung tái tổ chức mạng lưới giao liên, đảm bảo duy trì đường dây liên lạc phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương Cục và Khu ủy. Đồng thời, họ phải thu thập và chuyển giao các tài liệu, sơ đồ mục tiêu, phục vụ cho các đợt tiến công và nổi dậy trong nội thành.
Bộ phận trinh sát vũ trang nội đô cũng phải phối hợp với điệp báo an ninh triển khai công tác hậu cần. Vũ khí, đạn dược, lương thực được vận chuyển vào thành phố qua nhiều lớp ngụy trang, phục vụ cho các trận đánh của lực lượng biệt động và trinh sát vũ trang.
Tháng 3/1963, Năm Thu – lúc này 25 tuổi, được đưa về An ninh T4, bắt đầu xây dựng mạng lưới giao liên giữa căn cứ và nội thành. Với sự từng trải từ hoạt động đoàn và phụ nữ, Năm Thu nhanh chóng tuyển được 15 chị em ở các xã của huyện Củ Chi – từ tiểu thương đến người buôn bán vặt – làm giao liên, chuyển thư, đưa rước cán bộ.
Ẩn mình bằng danh tính của kẻ phản bội
Cuối năm 1965, Năm Thu nhận nhiệm vụ mới: thâm nhập nội thành, hoạt động bí mật, xây dựng lại mạng lưới an ninh cơ sở. Cô sử dụng tên Phạm Thị Bửng – danh tính của người từng phản bội cách mạng, đã bị tiêu diệt khi chỉ điểm hầm cán bộ cho địch.
Để tồn tại trong nội đô, cô liên tục thay đổi vỏ bọc. Có lúc là cô thợ may, khi là người giúp việc, người bán cháo lòng, bánh mì hay bắp luộc… Dưới những lớp ngụy trang đó, Năm Thu từng bước xây dựng cơ sở từ Tân Thới Nhất (Hóc Môn), lan dần đến Tân Sơn Nhì, Phú Thọ Hòa, Tân Phú, Tân Phước (Tân Bình), Chợ Thái Bình, quận 11. Các cơ sở này thực hiện nhiều nhiệm vụ: truyền tin, vận động quần chúng chống bắt lính; vận động tiểu thương, phật tử nuôi giấu bảo vệ cán bộ, cất giấu vũ khí…
Cũng trong thời gian này, Năm Thu kết duyên với một cán bộ An ninh T4, sinh con, nhưng phải gửi về quê nhờ bà ngoại nuôi giúp để tiếp tục hoạt động.
Cô vừa nắm tình hình, chỉ đạo cơ sở, vừa trực tiếp tham gia xác minh các đối tượng, có khi phối hợp với đồng đội trong vai trò trinh sát. Hoạt động thường xuyên diễn ra giữa ngoại thành và nội đô, dưới nhiều hình thức ngụy trang.
Bà Năm Thu nói về cách giấu mật thư khi là điệp báo hoạt động trong lòng Sài Gòn. Video: Quốc Thắng
Một buổi sáng cuối tháng 7/1969, sau khi ra ngoại thành sinh hoạt và viết báo cáo gửi cho đồng chí Tư Trọng (khi đó là Thứ trưởng Bộ Công đang vào Nam nắm tình hình ở Bến Tre), Năm Thu đội nón lá, chạy xe Honda Dame quay vào nội thành. Nhưng vừa đến chốt cảnh sát gần nhà máy Dệt Thắng Lợi (khu vực cửa ngõ quận Tân Bình), cô bị cảnh sát chặn lại.
Người đồng đội đi phía sau – một tân binh mới vào tổ chức – đã phản bội và chỉ điểm cho địch. Vì thế mà tên cảnh sát lập tức cắt đôi chiếc dép nhựa của cô, lấy tờ tài liệu giấu bên trong, tra hỏi rồi đưa cả người và xe về đồn.
Bị tên ác ôn khét tiếng của Ty Cảnh sát Tân Bình tra tấn, cô giữ nguyên lời khai: tên Phạm Thị Bửng, không biết chữ, sống bằng nghề làm thuê, có chồng đi lính đã chết, cha mẹ mất sớm, được người khác thuê chuyển thư, không biết nội dung tài liệu.
Không khai thác thêm được gì, cảnh sát đưa cô về trại giam Thủ Đức, sau đó chuyển lên Tổng nha cảnh sát.
“Vừa tới nơi, tên cảnh sát trưởng nói ‘gặp tụi tao thì từ nay Năm Mập sẽ thành Năm Ốm’. Lúc đó tôi giật mình, biết chúng đã bắt được người đồng đội thân thiết và họ đã khai ra biệt danh ít ai biết của tôi – Năm Mập, được đặt trong một lần kẹt hầm khi tránh bom”, bà Thu kể.
Khi bị đối chất, người đồng đội cũ khuyên “đến nước này rồi, nhận đi em”, Năm Thu vẫn im lặng. Trong thời gian giam giữ, cô bị địch tra tấn liên tục. Từ đánh bằng gậy ba trắc, châm kim vào 10 đầu ngón tay, cho điện giật, đến đòn tra khảo về thể xác và tâm lý. Có lúc, kẻ thẩm vấn chuyển sang dụ dỗ, hứa hẹn chăm sóc, bảo bọc, lấy cô làm vợ bé, yêu cầu khai lý lịch. Nhưng chúng không moi được gì.
Từ lời khai của kẻ phản bội, 4 đồng đội khác của bà cũng bị bắt và tra khảo. Bà vẫn giữ im lặng.
“Tôi nghĩ cùng lắm thì chết thôi. Lúc này chồng tôi đã bị bắt, đang bị giam ở Phú Quốc. Con đã có bà ngoại và tổ chức lo”, bà nói, đưa ngón tay út bị cong, cho biết đây là di chứng bị địch đóng đinh trong một lần tra tấn.
Bà Năm Thu kể về quá trình bị cảnh sát chế độ cũ tra tấn. Video: Quốc Thắng
Sau ba năm bị giam, đưa qua nhiều nhà tù, cuối năm 1972 Năm Thu bị đưa ra xét xử và tuyên án treo về tội sử dụng giấy tờ giả. Cô được đưa về nhà trị bệnh rồi trở lại hoạt động trong hàng ngũ An ninh T4.
Năm 1973, cô tiếp tục được giao nhiệm vụ vào nội thành móc nối lại các cơ sở, đưa đón cán bộ cách mạng trong tình hình thế và lực của ta ngày càng mạnh, địch ngày càng yếu.
Ngày 30/4/1975, khi chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc, cô cùng lực lượng An ninh T4 tiếp quản Sài Gòn – Gia Định, chính thức bước vào giai đoạn mới.
Cựu điệp báo triệt phá hàng loạt tổ chức phản động từ ‘trong trứng nước’
Ngay sau ngày đất nước thống nhất, Năm Thu được phân công làm Phó Ban An ninh huyện Phú Tân. Khi địa bàn này sáp nhập vào quận Tân Bình, bà tiếp tục đảm nhiệm vai trò Trưởng tiểu ban, rồi Đội trưởng Đội Bảo vệ Chính trị Công an quận.
Tân Bình là quận giáp ranh nội đô, nằm trong vành đai chiến lược bảo vệ Sài Gòn, nơi từng được chế độ cũ đầu tư xây dựng hệ thống quân sự dày đặc, trong đó có căn cứ trọng điểm như sân bay Tân Sơn Nhất. Đây cũng là một trong những địa bàn phức tạp nhất về an ninh trật tự thời hậu chiến.
“Không có việc gì là không làm được nếu trước khi bắt tay đã không nghĩ nó quá khó”, bà nói về tinh thần lúc bấy giờ. Với quan điểm ấy, bà cùng đồng đội hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng: tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức tiếp nhận, đăng ký và đưa gần 2.000 sĩ quan, viên chức trung – cao cấp của chế độ cũ đi học tập tập trung, đồng thời tổ chức cải tạo tại chỗ cho hơn 20.000 hạ sĩ quan, nhân viên cấp thấp; giải thể các nhóm chính quyền tự quản còn sót lại.
“Lúc đó, cuộc đấu tranh cam go nhất là phát hiện và triệt phá các tổ chức phản cách mạng khi chúng còn manh nha, chưa kịp gây hậu quả nghiêm trọng”, bà kể.
Trong những năm đầu sau giải phóng, đơn vị của bà đã triệt phá hầu hết chi nhánh của tổ chức phản động “Dân quân phục quốc” hoạt động trên địa bàn; khám phá 39 tổ chức phản động nhen nhóm, bắt giữ hơn 350 người, trong đó có 12 nhóm được trang bị vũ khí. Một trong những vụ đặc biệt nghiêm trọng là phát hiện nhóm “Quân sự Thống hợp Liên ban Đông Dương”, ngăn chặn âm mưu ám sát lãnh đạo ta, các nhân sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng…
Năm 1979, bà được đề bạt làm Phó trưởng Công an quận Tân Bình, 10 năm sau được giao đảm nhiệm chức Trưởng Công an quận Tân Bình. Với vai trò chỉ huy, bà có những chủ trương đổi mới cách làm: kiện toàn tổ chức, xây dựng đơn vị vững mạnh, tập trung chuyển hóa các điểm nóng về an ninh trật tự. Những kết quả đạt được giúp đơn vị nhận được nhiều hình thức khen thưởng từ cấp thành phố đến Trung ương. Năm 1995, bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Khi nói về việc từng là lãnh đạo trong đơn vị mà phần lớn cán bộ, chiến sĩ là nam giới, bà Năm Thu không nhấn vào những rào cản giới, mà đơn giản nói: “Không có việc gì là khó, có ý chí thì làm được. Mọi thứ chỉ bất thành khi chưa làm đã thấy khó. Công việc có quy chế, anh em cứ thế mà thực hiện. Là cấp trên, điều cần nhất là nắm được tâm lý để chia sẻ và động viên”.
Tinh thần ấy, bà nói, được hình thành từ chính những năm tháng làm giao liên trong lực lượng An ninh T4. Lần đó, một đồng đội đi đưa tài liệu nhưng trở về muộn hơn dự kiến. Lo sợ có chuyện chẳng lành, bà vội vã đạp xe băng qua đường vắng trong đêm để về căn cứ báo cáo. Nhưng thay vì nhận được chỉ đạo, bà lại bị chỉ huy trách mắng.
“Tôi buồn lắm”, bà kể. Sau đó, bà trực tiếp chia sẻ cảm xúc này. Người chỉ huy thừa nhận khuyết điểm trong lúc nóng nảy. Chính tình huống ấy trở thành bài học sâu sắc cho bà về sau, khi bước vào vai trò quản lý và chỉ huy.

Đại tá Đoàn Thị Thu – Trưởng Công an quận Tân Bình, khi được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cuộc đời bình dị sau hào quang
Năm 1998, sau gần bốn thập kỷ gắn bó với ngành công an, bà Thu về hưu. Nhưng với bà, nghỉ công tác không có nghĩa là ngừng đóng góp.
Bà tiếp tục tham gia sinh hoạt, làm Chủ nhiệm Ban liên lạc hưu trí Công an quận Tân Bình, giữ vai trò Phó Ban truyền thống kháng chiến Đền Gia Định, và cùng bạn bè sáng lập Hội từ thiện Bảo trợ bệnh nhân nghèo Bình Phú Đông. Mỗi chương trình, mỗi chuyến đi giúp người nghèo chữa bệnh, là cách bà tìm thấy ý nghĩa trong từng ngày sống.
Có lần, khi được hỏi điều gì đã giúp bà đi qua những năm tháng chiến tranh, bà chỉ cười, rồi nói nhỏ: “Nếu không có ý chí theo cách mạng đến cùng, có lẽ tôi đã không làm được những điều đó”.
Nói về cựu thủ trưởng của mình, bà Đỗ Thị Sánh (59 tuổi, hơn 10 năm làm cán bộ cảnh sát hành chính Công an quận Tân Bình) cho biết, sự giỏi giang về nghiệp vụ và tính cách chân thành là những điều nổi bật ở bà Năm Thu.
Đội ngũ cán bộ trong đơn vị phần lớn là nam, nhiều người sau này giữ các vị trí lãnh đạo tại Công an TP HCM và Bộ Công an. Tuy nhiên, trong công việc, mọi mệnh lệnh của bà Năm Thu đều được thực hiện nghiêm, giúp tập thể Công an quận Tân Bình trở thành một khối đoàn kết chặt chẽ. Đến nay, TP HCM vẫn chưa từng có một Trưởng công an quận nào là nữ.
“Về chuyên môn, cô có nhiều chiến công và bằng khen là minh chứng rõ ràng. Còn ở khía cạnh tình cảm, cô vẫn luôn là một người phụ nữ sâu sắc, sống rất tình cảm”, bà Sánh nói.
Với bà Sánh và nhiều nữ đồng nghiệp, cô Năm Thu không chỉ là lãnh đạo mà còn là người chị thân thiết luôn quan tâm, chia sẻ, hỏi han chuyện đời sống, con cái, và đối đãi với họ như người trong nhà.

Bà Năm Thu (thứ hai bên phải) được Thứ trưởng Công An Lê Thế Tiệm (trái) tuyên dương về thành tích xuất sắc trong bảo vệ an ninh chính trị và an ninh trật tự năm 1994. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cười hiền khi nhắc đến các đồng đội ở An ninh T4, bà Năm Thu bảo, những gì mình làm không thể so với bao người đã nằm lại. Nhưng đó là những điều khiến bà có thể nhìn lại cả cuộc đời, mà không phải bận lòng.
Không phải vì bà được tôn vinh, mà vì biết mình đã sống trọn vẹn với lựa chọn của chính mình. “Giờ sống bên con cháu, tôi thấy lòng thanh thản”, bà nói.
An ninh T4 là lực lượng đặc biệt trực thuộc Bộ Công an, hoạt động bí mật trong lòng địch suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng như:
Bảo vệ nội bộ cách mạng: xây dựng hệ thống cơ sở bí mật vững chắc, bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não cách mạng như Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy, Thành ủy Sài Gòn – Gia Định.
Trinh sát – điệp báo – chống phản gián: tổ chức mạng lưới giao liên, thu thập thông tin tình báo, chống lại các hoạt động gián điệp và biệt kích của địch.
Hỗ trợ các chiến dịch lớn: cung cấp tài liệu, bản đồ mục tiêu, vũ khí, hậu cần phục vụ các chiến dịch lớn như Tổng tiến công Mậu Thân 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975.
Tiếp quản và ổn định sau ngày 30/4/1975: An ninh T4 nhanh chóng tiếp quản các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn, bảo vệ trật tự, giữ an ninh chính trị, góp phần ổn định tình hình và tránh đổ máu không cần thiết trong thời khắc chuyển giao lịch sử.
Hải Duyên – Quốc Thắng