
Ông Bùi Thành Trung – phó tổng giám đốc cấp cao TVS – chia sẻ về thói quen và nhu cầu của người Việt về quản lý tài sản cá nhân – Nguồn: BTC
Tại Hội nghị đầu tư 2025 với chủ đề quản lý tài sản vừa được Vietnam Business Review và Công ty cổ phần Chứng khoán Thiên Việt (TVS) tổ chức ngày 8-7 tại TP.HCM, ông Bùi Thành Trung, phó tổng giám đốc cấp cao TVS, đã chia sẻ về kết quả khảo sát thực trạng và nhu cầu của người Việt về quản lý tài sản cá nhân.
Các số liệu cho thấy một nghịch lý nổi bật: nhiều nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận cao, nhưng hành vi lại nghiêng về sự thận trọng và truyền thống.
Theo khảo sát, dù có đến 88% nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận trên 7%/năm, trong đó 42% mong đợi mức sinh lời 15-30%/năm, họ vẫn chủ yếu lựa chọn các kênh truyền thống như tiết kiệm, vàng và bất động sản.
Theo ông Trung, dù các kênh đầu tư như vàng, bất động sản có thể sinh lời tốt ở một số giai đoạn, nhưng đặc tính thanh khoản thấp, khó dự báo, nhất là trong bối cảnh thị trường biến động nhanh, khiến việc tối ưu danh mục dài hạn gặp nhiều thách thức.
Ông Trung nhận định: “Tâm lý người Việt chọn tập trung vào các tài sản hữu hình, có thể nhìn thấy và cầm nắm được”.
Vì vậy xu hướng phân bổ tài sản ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào bất động sản (31%) và vàng (14%). Điều này cho thấy tâm lý chuộng tài sản hữu hình, thiên về “giữ tiền” thay vì tối ưu hóa lợi suất.
Thói quen này duy trì ổn định trong 5 năm qua, với ba kênh phổ biến là bất động sản, vàng và một số tài sản liên quan đến cổ phiếu hoặc thay thế khác. Các tài sản như tranh nghệ thuật, đồng hồ, rượu vang… cũng bắt đầu được hình thành.
Khảo sát cũng ghi nhận, 75% nhà đầu tư chỉ đầu tư vào 2-3 kênh, đa phần là các kênh truyền thống, thay vì phân bổ danh mục đa dạng.

Báo cáo khảo sát 2025 về thực trạng và nhu cầu của người Việt về quản lý tài sản cá nhân – Nguồn: TVAM
Xu hướng dè dặt trong việc phân bổ danh mục đa dạng không chỉ xuất hiện ở nhà đầu tư phổ thông, mà còn thể hiện ở nhóm có tài sản trên 1 tỉ đồng và thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Theo Công ty quản lý quỹ Thiên Việt (TVAM), rào cản chính không nằm ở vấn đề tài chính, mà chủ yếu do chưa đủ trải nghiệm đầu tư và kiến thức về quản lý tài chính.
Trong khi đó, các nền tảng đầu tư số vốn được kỳ vọng sẽ thay đổi thói quen đầu tư lại chưa được đón nhận rộng rãi. Chỉ khoảng 16% khách hàng biết đến các kênh quản lý tài sản kỹ thuật số. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ tâm lý “tự làm mọi thứ”, từ tìm thông tin, tự quyết định và tự đầu tư.
Bên cạnh đó, họ còn lo ngại về rò rỉ thông tin cá nhân, chi phí không minh bạch, thiếu sản phẩm phù hợp trên nền tảng số, cần người tư vấn 1-1 thay vì tương tác với nền tảng số hay thông qua trí tuệ nhân tạo (AI).
Tuy nhiên thói quen đầu tư này có thể dần thay đổi. Ông Bùi Thành Trung kỳ vọng, song song với mức thu nhập người Việt tăng lên, xu hướng đầu tư sẽ dần tương tự các nước phát triển, nơi cổ phiếu niêm yết và các tài sản thanh khoản cao chiếm tỉ trọng lớn hơn trong danh mục.
Báo cáo khảo sát 2025 về thực trạng và nhu cầu của người Việt về quản lý tài sản cá nhân do TVAM thực hiện vào tháng 5-2025 tại năm thành phố lớn.
Đối tượng khảo sát đều trên 30 tuổi, có kinh nghiệm đầu tư hoặc từng sử dụng sản phẩm tài chính, với tài sản tích lũy tối thiểu từ 200 triệu đồng; trong đó 40% sở hữu từ 500 triệu đồng và 45% có trên 1 tỉ đồng.