
Heo bị dịch tả heo châu Phi được mang đi tiêu hủy – Ảnh: TRẦN MAI
Ngày 24-7, thông tin từ Sở NN&MT tỉnh Quảng Ngãi cho biết từ ổ dịch ASF đầu tiên được phát hiện vào ngày 27-6 ở xã Nghĩa Giang, đến nay dịch đã bùng phát tại 1.685 cơ sở chăn nuôi thuộc 34 xã, phường với khoảng 9.610 con heo (khoảng 580 tấn) nhiễm bệnh đã được tiêu hủy.
Bán “chạy” heo bệnh, vứt xác heo chết…
Trước diễn biến phức tạp của dịch ASF, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai nhiều biện pháp nhằm khoanh vùng, khống chế các ổ dịch, ngăn chặn lây lan diện rộng.
Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp UBND các xã, phường tổ chức tiêu độc, khử trùng khu vực có dịch, lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi.
Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã cấp phát 920 lít hóa chất khử trùng, 1.000 liều vắc xin phòng dịch ASF cho các địa phương phục vụ công tác dập dịch. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp bước đầu giúp hạn chế tình trạng người dân vứt xác heo chết bừa bãi, giảm nguy cơ lây lan mầm bệnh ra môi trường và khu dân cư.
Trước đó, nhiều người chăn nuôi tại địa phương có hiện tượng giấu dịch, tìm cách bán “chạy” heo ở vùng phát hiện dịch… dẫn đến mầm bệnh lây lan. Cùng với đó, việc vứt xác heo bừa bãi khắp đường làng, rẫy keo và kênh mương khiến việc ngăn chặn dịch gặp nhiều khó khăn.
Chẳng hạn, tại tuyến kênh qua phường Nghĩa Lộ, người dân liên tục phát hiện heo chết, lực lượng chức năng vừa dọn xong hôm nay, hôm sau lại có. Ở phường Trương Quang Trọng, người dân còn bỏ heo chết trong thùng rác, lề đường… thay vì đào hố chôn lấp đúng cách.
Chính quyền các xã ở Quảng Ngãi đã ra thông báo cảnh báo hành vi vứt xác động vật chết ra môi trường là vi phạm pháp luật. Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5 đến 6 triệu đồng nếu vận chuyển hoặc vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết ra môi trường; buôn bán con giống mắc bệnh truyền nhiễm.
Công an xã Nghĩa Hành, Quảng Ngãi đã phạt 1 trường hợp tuồn 72 con heo bệnh ra thị trường và 1 trường hợp vứt heo bừa bãi. Việc xử lý mạnh tay khiến việc vứt xác heo bừa bãi giảm đi. Tuy nhiên, không ít người chăn nuôi cho biết sau khi báo địa phương về dịch bệnh, đơn vị tiêu hủy đến đưa heo đi tiêu hủy mà không hỗ trợ dịch bệnh cho người dân.
Theo ông Ung Đình Hiền, chủ tịch UBND xã Vạn Tường, Quảng Ngãi, do lực lượng thú y mỏng, còn kinh phí ban đầu chưa bố trí được, xã phải ứng trước để mua vật tư phòng chống dịch.
“Nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là ý thức người dân. Chỉ cần bà con chủ động, phối hợp việc dập dịch sẽ dễ dàng”, ông Hiền nói.
Các địa phương phải hành động quyết liệt hơn
Theo ông Phan Quang Minh, phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&MT), từ đầu năm đến 22-7, cả nước đã xảy ra 636 ổ dịch tại 30/34 tỉnh, thành phố với tổng số heo mắc bệnh, heo chết, buộc tiêu hủy hơn 43.000 con.
Riêng trong tháng 6 và 7-2025, dịch ASF gia tăng tại các tỉnh thành phía Bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Nội…) và duyên hải miền Trung (Quảng Ngãi, Quảng Trị…). Đến nay cả nước còn 256 ổ dịch tại 26 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.
Theo ông Minh, bệnh dịch ASF đang có chiều hướng gia tăng và có nguy cơ lây lan trong thời gian tới rất cao do chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học còn chiếm tỉ lệ cao.
“Có hiện tượng người chăn nuôi giấu dịch. Khi đàn vật nuôi có dấu hiệu nghi mắc bệnh, người dân không thông báo cho chuyên môn thú y, chính quyền địa phương để được hỗ trợ điều trị, xử lý mà bán chạy heo, vứt xác ra môi trường làm dịch bệnh lây lan rộng” – ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, công tác giám sát phát hiện, công bố dịch bệnh chưa kịp thời. Chính quyền và các cơ quan chuyên môn có nơi còn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin dịch bệnh, để người dân bán chạy động vật mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh.
Ông Phùng Đức Tiến, thứ trưởng Bộ NN&MT, cho biết trong khi dịch bệnh lây lan trên diện rộng, hoạt động kiểm soát giết mổ còn nhiều vấn đề, có hiện tượng mua bán heo bệnh, heo chết làm thực phẩm, vứt xác heo ra môi trường.
“Bộ đã đề nghị các địa phương giám sát chặt chẽ, hành động quyết liệt hơn, nhanh hơn đối với công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi để giảm tối đa hơn nữa” – ông Tiến nói.
Ông Tiến cũng cho biết theo quy định, để nhận được tiền hỗ trợ heo bị dịch bệnh, địa phương phải công bố dịch theo Luật Thú y. Do đó các địa phương phải bám sát, theo dõi khi phát hiện dịch ASF, phải công bố dịch, kê khai, làm thủ tục theo quy định để đáp ứng được tiêu chí hỗ trợ cho bà con.
Theo nghị định 116/2025 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ khắc phục dịch bệnh động vật, ngoài mức hỗ trợ 40.000 đồng/kg heo hơi bị dịch bệnh, còn hỗ trợ phát triển đàn, thụ tinh nhân tạo, con giống…
“Như vậy cơ chế chính sách rất đồng bộ, vấn đề là tổ chức thực hiện như thế nào, nhất là phải có cán bộ chuyên môn thú y mới có thể hoạt động đồng bộ, có hiệu lực, hiệu quả” – ông Tiến nói.
Nhiều địa phương không có… cán bộ thú y
Tính đến ngày 20-7, xã Quảng Trạch, Quảng Trị đã ghi nhận 234 hộ có heo bệnh, buộc tiêu hủy 1.984 con với tổng trọng lượng hơn 113 tấn, trở thành ổ dịch lớn nhất toàn tỉnh Quảng Trị, chiếm gần 42% tổng thiệt hại toàn tỉnh.
Ghi nhận tại một số xã cho thấy có tình trạng vứt xác heo chết, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Ông Trần Quốc Tuấn – phó chủ tịch UBND xã Quảng Trạch – cho biết ngay khi phát hiện heo chết, xã đã khẩn trương thông báo, công bố dịch đúng quy trình, phối hợp cùng các ngành hướng dẫn người dân tiêu hủy, phòng dịch.
“Tuy nhiên, địa phương đang gặp khó khăn về nhân lực, kinh phí và vật tư phòng chống dịch. Dù địa bàn khá rộng với 13 thôn, nhưng chúng tôi không có cán bộ thú y chính quy, mà chỉ có một cán bộ phụ trách chăn nuôi thú y”, ông Tuấn cho biết.
TP.HCM tăng kiểm soát nguồn heo vào các chợ đầu mối
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 24-7, đại diện Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết các chợ đầu mối tại TP.HCM (cũ) đều có lực lượng thanh tra túc trực để kiểm tra nguồn heo nhập chợ, đặc biệt ở 2 chợ đầu mối có lượng lớn thịt heo nhập chợ là Hóc Môn và Bình Điền.
Với tình hình dịch bùng phát, lực lượng chức năng tăng mạnh khâu thanh kiểm tra từ nguồn gốc, giấy tờ liên quan, chất lượng thịt, không để thịt bẩn lọt vào chợ.
Cũng theo vị này, mới đây lực lượng này đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời khoảng 2 tấn heo thịt không có nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu bị nhiễm bệnh đang tìm cách trà trộn vào chợ đầu mối Bình Điền để bán.
Cơ quan chức năng đã tiêu hủy lô heo này và đang củng cố hồ sơ để xử phạt theo quy định.

Thịt heo ở chợ đầu mối Hóc Môn, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong khi đó theo ông Lê Việt Bảo, chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi TP.HCM, toàn TP.HCM (cũ) có 7 nhà máy giết mổ theo hướng công nghiệp với năng lực giết mổ khoảng 6.000 con/ngày, đáp ứng phần lớn nhu cầu của người dân tại TP.HCM cũ (toàn TP tiêu thụ 10.000 con/ngày).
Tại các nhà máy đều có lực lượng thú y túc trực để kiểm tra giám sát hoạt động giết mổ.
Heo về cơ sở giết mổ sẽ được kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch (với ngoại tỉnh) và giấy tờ nguồn gốc xuất xứ (với nội tỉnh) trước khi kiểm tra cảm quan heo. Nếu heo khỏe mạnh, không có dấu hiệu bị bệnh mới cho vào chuồng chứa trong 4 tiếng. Sau thời gian này, nếu heo vẫn khỏe mạnh mới được đưa đi giết mổ.
“Nếu phát hiện có dấu hiệu heo bệnh sẽ cho ngưng giết mổ và lấy mẫu đi kiểm tra, đánh giá. Chúng tôi thường xuyên phối hợp các đơn vị liên quan để kiểm tra lấy mẫu thịt heo đánh giá định kỳ.
Tuy nhiên, với tình hình dịch tả heo châu Phi bùng phát, chúng tôi sẽ đề xuất tăng mạnh khâu kiểm tra lấy mẫu”, ông Bảo nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Tiển, giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, khẳng định ban quản lý chợ luôn phối hợp chặt chẽ với đội thanh tra của Sở An toàn thực phẩm để kiểm tra về nguồn gốc, chất lượng heo nhập về chợ.
Heo phải được vận chuyển bằng xe lạnh, có niêm phong truy xuất…, đảm bảo chất lượng heo được đưa vào giết mổ.
“Chợ đầu mối là chặng cuối để đưa heo về chợ lẻ, trước khi đến tay người tiêu dùng nên rất cần các cơ quan chuyên môn, thú y ở địa phương, cơ sở giết mổ tăng mạnh khâu kiểm tra giám sát.
Ngoài ra, cần dẹp các chợ tự phát, các lò giết mổ lậu thiếu kiểm soát nếu có, bởi đây là những điểm tiềm ẩn nguy cơ rất lớn trong việc tuồn heo bệnh, không nguồn gốc ra thị trường”, ông Tiển khuyến cáo.