
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang, sức hút với các nhà đầu tư FDI xuất phát từ 3 yếu tố gồm hạ tầng, cải cách hành chính và nguồn nhân lực chất lượng cao. Tỉnh luôn chủ động đề xuất các bộ, ngành, Chính phủ, địa phương giải pháp đầu tư xây dựng cầu đường, thúc đẩy giao thông, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Ngày 18-4 vừa qua, Ban Chỉ đạo xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh đã họp, thảo luận phương án sắp xếp cơ quan, tổ chức, đơn vị khi hợp nhất hai địa phương và dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Theo đó, tỉnh Bắc Ninh mới có diện tích tự nhiên 4.718,6km², đạt tỉ lệ 94,3% so với tiêu chuẩn. Quy mô dân số trên 3,6 triệu người, đạt gần 259% so với tiêu chuẩn và có 99 đơn vị hành chính cấp xã. Dự kiến trung tâm chính trị – hành chính đặt tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, việc sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính tỉnh Bắc Ninh sẽ mở rộng quy mô kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư, tận dụng tiềm năng phát triển, tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế – xã hội…
Tuổi Trẻ Online thăm các cây cầu giá trị nhiều tỉ đồng đã và sẽ được xây dựng kết nối Bắc Giang và Bắc Ninh trước ngày sáp nhập

Cầu Hà Bắc 1 có tổng đầu tư khoảng 1.700 tỉ đồng, dự kiến khởi công năm 2026 và hoàn thành vào năm 2027. Cầu nằm trên ĐT298B tỉnh Bắc Giang và ĐT295C tỉnh Bắc Ninh, nhằm kết nối ĐT398 (vành đai 4 qua tỉnh Bắc Giang) với quốc lộ 18. Cầu Hà Bắc 1 rộng 22,5m, dài khoảng 970m, được xây dựng bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Hà Bắc cũng là tên chung của 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang trước năm 1997


Phần đường dẫn cầu Hà Bắc 1 dần thành hình chờ ngày xây cầu, kết nối hai bờ sông Cầu. Theo hướng tuyến, đường đi của cầu sẽ tránh trạm bơm Hữu Nghi.

Bến đò Gầm (gần cầu Hà Bắc 2 sắp thông xe) vắng khách trong những ngày cuối tháng 4-2025. Do phà nhỏ, chỉ có xe con, xe tải nhỏ, xe máy sử dụng.

Cầu Hà Bắc 2 kết nối huyện Việt Yên, Hiệp Hòa (Bắc Giang) với huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Dự án có tổng đầu tư hơn 358 tỉ đồng, dự kiến thông xe trong năm 2025. Cầu có chiều dài 490m, rộng 16m, được xây dựng bằng bê tông dự ứng lực và bê tông cốt thép dự ứng lực.

Công nhân ngành điện hoàn thiện hạ tầng hệ thống điện đường gần khu vực cầu Hà Bắc 2 trong tiết trời nắng nóng hơn 34 độ C.

Cầu Như Nguyệt vừa hoàn thành mở rộng giai đoạn 2 giúp tháo gỡ điểm nghẽn giao thông trên quốc lộ 1 nối Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang và Lạng Sơn, tạo thuận lợi cho các phương tiện chở hàng hóa từ miền Nam lên các cửa khẩu giữa Việt Nam – Trung Quốc như cửa khẩu Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu Chi Ma và ngược lại. Dự án mở rộng có tổng đầu tư hơn 450 tỉ đồng, khởi công từ tháng 4-2022. Công trình gồm phần cầu và đường dẫn hai bên, tổng chiều dài khoảng 1,32km, trong đó chiều dài cầu Như Nguyệt khoảng 440m. Cầu Như Nguyệt cũng là nơi nối các nhà máy lớn của Foxconn, Luxshare, Goertek với các địa phương khác.

Cầu Thị Cầu (cầu Đáp Cầu) là cầu đầu tiên bắc qua sông Như Nguyệt, nối liền Bắc Ninh và Bắc Giang. Ban đầu, cầu được làm bằng kết cấu sắt, tương tự cầu Long Biên (Hà Nội) và chỉ cho phép xe máy và tàu hỏa lưu thông, không có làn dành riêng cho ô tô. Đến năm 2017, dự án mở rộng cầu Đáp Cầu được triển khai, xây dựng thêm một cây cầu mới song song với cầu sắt cũ, tăng cường khả năng kết nối giữa hai tỉnh ven sông Cầu. Trước đó năm 2013, cầu đường bộ Thị Cầu song song cầu Thị Cầu (đường sắt) được thi công, chiều dài hơn 570m, rộng 16m, đảm bảo phục vụ xe chạy với vận tốc 60-80km/h được hoàn thành, giảm nguy cơ mất an toàn giao thông.

Cầu Mai Đình – Đông Xuyên nối huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) và huyện Yên Phong (Bắc Ninh) dài trên 643m, rộng 12m và có 2 làn xe cùng đường dẫn lên cầu. Tổng đầu tư khoảng 635 tỉ đồng. Cầu Mai Đình – Đông Xuyên kết hợp với việc cải tạo tỉnh lộ 295 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế – xã hội của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Cầu Mai Đình – Đông Xuyên kết nối các khu công nghiệp Hòa Phú, Yên Phong, Yên Phong II-C, trong đó các nhà máy lớn của Samsung Electronics Việt Nam (SEV), Samsung Display Việt Nam (SDV), Amkor Technology Việt Nam.

Khu vực cầu Vân Hà kết nối xã Vân Hà, thị xã Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) với phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) trong tương lai. Dự kiến cầu Vân Hà rộng khoảng 13m, dài khoảng 360m, được xây bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Tổng đầu tư khoảng 240 tỉ đồng, khởi công năm 2025 và hoàn thành trong năm 2026.
Trước đó ngày 6-11-1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ra nghị quyết về việc tách tỉnh Hà Bắc thành hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Bộ máy hành chính của hai tỉnh mới chính thức hoạt động từ ngày 1-1-1997.
Đến nay, Bắc Giang có 10 đơn vị hành chính cấp huyện gồm thành phố Bắc Giang, thị xã Việt Yên, thị xã Chũ và 7 huyện gồm Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Tân Yên, Sơn Động, Hiệp Hòa. Bắc Ninh có 8 đơn vị hành chính gồm thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, thị xã Thuận Thành, thị xã Quế Võ và 4 huyện Tiên Du, Yên Phong, Gia Bình và Lương Tài.