Na Uy muốn hỗ trợ Việt Nam thử nghiệm hệ thống cọc tiền chai nhựa

Na Uy muốn hỗ trợ Việt Nam thử nghiệm hệ thống cọc tiền chai nhựa – rss

Phía Na Uy đang làm việc với Việt Nam để thử nghiệm hệ thống cọc tiền chai nhựa, tức người dùng trả thêm một khoản nhỏ khi mua chai nước và nhận lại tiền khi trả vỏ.

Chia sẻ tại Diễn đàn Tiêu dùng bền vững 2025 ngày 2/7, bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, nói Việt Nam có nhiều tiềm năng để ứng dụng mô hình đặt cọc – hoàn trả tương tự nước này.

Đặt cọc – hoàn trả (Deposit-Return System – DRS) là mô hình để người dùng chi một khoản nhỏ khi mua thực phẩm, nước uống đóng chai, và nhận lại tiền khi trả vỏ. Đây là một công cụ thực thi Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) tại Na Uy, giúp nước này đạt tỷ lệ quay vòng chai nhựa, lon nhôm tới 92,3%.

Theo báo cáo “Nghiên cứu phạm vi hệ thống đặt cọc hoàn trả (DRS) phù hợp cho Việt Nam” thực hiện bởi công ty tư vấn Eunomia Environmental Research & Consulting, nếu mức tiền cọc được quy định 1.000-2.000 đồng mỗi bao bì, tỷ lệ thu gom của Việt Nam sẽ đạt 80-90%.

“Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với các tổ chức quốc tế như Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và các nhà chức trách để có thể thử nghiệm mô hình DRS với chai, lọ tại Việt Nam”, bà Solbakken nói.





Một máy hoàn tiền đặt cọc chai, lon tại Na Uy, tháng 7/2018. Ảnh: The Guardian

Một máy hoàn tiền đặt cọc chai nhựa, lon tại Na Uy, tháng 7/2018. Ảnh: The Guardian

Chai nhựa, lon nhôm chiếm 98% bao bì đồ uống dùng một lần tại Việt Nam. Đây là nguyên liệu đầu vào tái chế giá trị cao, nhưng tỷ lệ thu gom và tái chế mới ở mức 50%. Thêm vào đó, nguyên liệu này thường xuyên nhiễm bẩn khi bị bỏ chung với rác sinh hoạt.

Đề cập đến lợi ích về môi trường nếu thực hiện hệ thống đặt cọc – hoàn trả, nhóm thực hiện báo cáo dự tính Việt Nam có thể thu gom tái chế thêm 21.000-77.000 tấn bao bì đồ uống sau sử dụng, giảm đáng kể lượng rác chôn lấp, đốt, đặc biệt là thói quen xả thải bừa bãi. Qua đó, 265.000 tấn CO2 tương đương có thể được cắt giảm mỗi năm, đồng thời giảm ô nhiễm nhựa đại dương.

Ở góc độ kinh tế – xã hội, hệ thống trên có thể tạo thêm khoảng 6.400 việc làm trong các khâu thu gom, phân loại và quản trị. Nhóm tác giả báo cáo tính toán Việt Nam có thể tiết kiệm khoảng 1.400 tỷ đồng mỗi năm nhờ tác động gián tiếp về môi trường từ việc giảm phát thải khí nhà kính, ô nhiễm không khí, nước và đất.

Đông Nam Á chưa có quốc gia nào triển khai hệ thống DRS. Singapore là nước duy nhất dự tính thử nghiệm DRS vào năm tới, với phí đặt cọc 10 cent. Nếu Việt Nam sớm thử nghiệm, vận hành hệ thống này, phía Na Uy cho rằng đây sẽ là hình mẫu cho các nước láng giềng học tập. “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, chuyên gia trong việc đưa vào triển khai mô hình này”, Đại sứ Na Uy khẳng định.

Na Uy thực thi chính sách EPR từ những năm 1990 với bao bì, sản phẩm điện tử, phương tiện giao thông và một số các lĩnh vực khác. Dù đạt nhiều thành tựu trong chính sách này, Đại sứ Solbakken cho rằng Na Uy cần học hỏi Việt Nam tính tiết kiệm. Người Việt thường sửa chữa đồ dùng hoặc tái chế, sử dụng tiếp, thay vì mua đồ mới. Trong khi đó, Na Uy gặp thách thức lớn trong nỗ lực tiết giảm tiêu dùng.

“Tính đến tháng 4, chúng tôi đã sử dụng gần như hết tài nguyên có thể tái tạo trong một năm”, bà Solbakken nói.

Thủy Trương

Tag: kinhte-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 8

No votes so far! Be the first to rate this post.