
Ông Nguyễn Anh Tuấn, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, phát biểu tại tọa đàm – Ảnh: B.NGỌC
Nhận định được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra tại tọa đàm Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước, do tạp chí Nhà Đầu Tư tổ chức ngày 25-4 tại Hà Nội.
Kích cầu tiêu dùng đến đâu để đạt tăng trưởng 8%?
Trao đổi tại tọa đàm, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn – cục phó Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương – cho biết trong bối cảnh Mỹ áp thuế đối ứng, xuất khẩu gặp khó thì tăng trưởng năm nay dựa nhiều vào tăng tiêu dùng trong nước và thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
Và để đạt mức tăng trưởng GDP 8% trong năm nay thì tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ trong nước (phản ánh cầu tiêu dùng trong nước) phải phấn đấu tăng 12%. Đây là thách thức lớn vì những năm gần đây chưa năm nào tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trong nước tăng quá 9%.
Cùng quan điểm, ông Trần Anh Thắng, thành viên hội đồng quản trị Eximbank, chia sẻ thêm dù tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ năm 2024 tăng gần 9% nhưng nếu loại trừ yếu tố lạm phát chỉ tăng khoảng 3%.
Theo ông Thắng, những năm qua tiêu dùng trong nước đóng góp rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, nhưng hiện nay cầu tiêu dùng trong nước đang chịu tác động gián tiếp từ việc Mỹ áp thuế đối ứng với hàng loạt đối tác thương mại. Việc Mỹ áp thuế cao với hàng Trung Quốc có thể làm giá nhập nguyên, vật liệu đầu vào tăng, giá cả hàng hóa nội địa tăng theo làm giảm tiêu dùng.
Điều đáng nói là những năm gần đây, trong khi nền kinh tế liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao thì chi tiêu hộ gia đình có xu hướng giảm.
Chi tiêu hộ gia đình không cùng xu hướng tăng trưởng GDP cho thấy tăng trưởng nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu tư, xuất khẩu, dễ bị tác động từ những cú sốc bên ngoài như thuế đối ứng của Mỹ.

Giáo sư Nguyễn Mại cho rằng nên hỗ trợ doanh nghiệp Việt sản xuất hàng chất lượng cao, giá phù hợp cho người Việt – Ảnh: B.NGỌC
Hỗ trợ doanh nghiệp làm chủ ‘sân nhà’
Bàn về giải pháp củng cố thị trường trong nước, giáo sư Nguyễn Mại, chủ tịch danh dự Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nói: “Chúng ta có thị trường 100 triệu dân rất hấp dẫn với các nhà đầu tư FDI, nên ngay cả khi chưa có thuế đối ứng từ Mỹ cũng phải quan tâm tới thị trường trong nước. Lâu nay chúng ta nói nhiều nhưng chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể”.
“Cách tiếp cận vận động người Việt dùng hàng Việt chưa đúng. Tại Nhật Bản, người Nhật được sử dụng hàng tốt nhất do họ sản xuất ra. Vì vậy cần hỗ trợ doanh nghiệp Việt sản xuất hàng chất lượng cao, với giá cả hợp lý cho người tiêu dùng trong nước”, giáo sư Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Trước nguy cơ hàng Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ gặp khó sẽ tràn sang Việt Nam, đặc biệt qua các sàn thương mại điện tử, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước, ông Đậu Anh Tuấn, phó tổng thư ký VCCI, bày tỏ: “Việt Nam đang có những lợi thế vượt trội khi là một trong 14 nước có thị trường nội địa trên 100 triệu dân, giới trung lưu tăng nhanh. Thị trường trong nước có nhiều điểm mạnh, nên cần nỗ lực bảo vệ thị trường thông qua đẩy mạnh chống hàng giả, hàng nhái. Đã đến lúc doanh nghiệp Việt cần thay đổi quan điểm thị trường trong nước không đủ lớn, hấp dẫn”.
Ngoài hỗ trợ doanh nghiệp trong nước làm chủ trên “sân nhà”, TS Võ Trí Thành, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, khuyến nghị giải pháp giảm thuế cho doanh nghiệp theo kết quả.
Ví dụ 1 doanh nghiệp đóng góp 100 tỉ tiền thuế, nếu năm kế tiếp đóng 150 tỉ thì 50 tỉ tăng thêm được giảm, chỉ phải đóng 30% số thuế cần nộp. Như vậy sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thêm vốn, tạo việc làm, người lao động có thu nhập, tăng chi tiêu.
Hơn nữa, cần duy trì lạm phát tương đối thấp kết hợp với giảm thuế VAT, như vậy người dân mới dám mạnh tay chi tiêu. Lạm phát cao ai cũng nghĩ tới tiết kiệm, không ai dám tăng chi tiêu.

Ông Ngô Sỹ Hoài lo ngại thị trường trong nước không đủ lớn – Ảnh: B.NGỌC
Ông Ngô Sỹ Hoài – phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam: ‘Phao cứu sinh’ không đủ lớn với ngành gỗ?
Ngành gỗ trong nước với thị trường Mỹ có quan hệ hai chiều, chúng ta xuất khẩu sang Mỹ nhiều nhưng nhập khẩu nguyên liệu từ họ cũng nhiều. Chúng ta lấy công làm lãi trong cung ứng nhóm sản phẩm này cho Mỹ.
Cụ thể, xuất khẩu gỗ vào Mỹ chiếm 56% tổng kim ngạch toàn ngành, tương đương khoảng 9,4 tỉ USD trong năm 2024. Hiện doanh nghiệp gỗ đang thấp thỏm chờ kết quả đàm phán, nhưng đôi khi cần lùi lại vài bước để định hình đường đi tiếp.
Trong nhiều năm qua, chúng ta chỉ theo đuổi một mục tiêu là tăng trưởng xuất khẩu. Nhưng đến nay từng ngành hàng trong nền kinh tế phải xem lại mô hình tăng trưởng thời gian qua. Khi doanh nghiệp bị dồn vào chân tường thì thị trường trong nước giờ như “phao cứu sinh”, nhưng nó không đủ lớn. Nhu cầu sản phẩm gỗ thị trường trong nước hiện nay 5 tỉ USD, đến năm 2030 khoảng 10 tỉ USD, rất nhỏ so với năng lực sản xuất của doanh nghiệp.