Mua bán nhà đất khai giá thấp, coi chừng ‘dính’ tội trốn thuế

Mua bán nhà đất khai giá thấp, coi chừng ‘dính’ tội trốn thuế – rss

trốn thuế - Ảnh 1.

Thông tin cơ quan thuế TP Cần Thơ chuyển cho cơ quan công an 245 hồ sơ chuyển nhượng bất động sản nghi trốn thuế trên Tuổi Trẻ Online khiến nhiều người bất ngờ.

Lý do là trước giờ có rất nhiều người mua bán bất động sản khai giá thấp hơn nhiều so với giá giao dịch thực tế để đóng thuế ít, nhưng chưa có nhiều trường hợp bị truy cứu tội trốn thuế.

Thửa đất hơn 15 tỉ, hợp đồng ghi 700 triệu 

Theo quy định, khi chuyển nhượng bất động sản, người bán phải nộp thuế thu nhập cá nhân 2% tính trên giá trị chuyển nhượng ghi trên hợp đồng công chứng. 

Trường hợp giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định thì sẽ nộp thuế theo giá do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng.

Vụ án xảy ra ở huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) là đơn cử cho chiêu thức khá phổ biến của hai bên mua bán để lách nghĩa vụ nộp thuế theo quy định nêu trên.

Năm 2019, B. cùng hai người khác góp tiền mua của vợ chồng V. một thửa đất tại huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) với giá hơn 15 tỉ đồng, quy ra tiền thuế thu nhập cá nhân phải nộp là hơn 303 triệu đồng. 

Chịu trách nhiệm nộp thuế thay bên bán, bên mua đã đề nghị và được bên bán đồng ý ghi giảm giá chuyển nhượng thật của thửa đất xuống còn 700 triệu đồng. 

Trên cơ sở xác định giá trị của thửa đất là hơn 4,3 tỉ đồng, cơ quan thuế đã thu hơn 87 triệu đồng tiền thuế. Tính ra số tiền thuế chênh lệch là gần 216 triệu đồng.

Tương tự, năm 2021, C. chuyển nhượng cho H. 5 thửa đất tại huyện Krông Búk (Đắk Lắk) với tổng giá trị giao dịch hơn 22 tỉ đồng. 

Để được nhẹ tiền thuế và lệ phí trước bạ, cả hai đã thỏa thuận ký 5 hợp đồng giả tạo với giá trị 50 triệu đồng/hợp đồng. 

Từ chỗ khai không đúng sự thật, họ chỉ phải nộp hơn 173 triệu đồng tiền thuế thu nhập cá nhân (thu lợi bất hợp pháp hơn 285 triệu đồng).

Xử tội người bán và người mua

Khi phát hiện có việc trốn thuế thông qua việc khai sai giá mua bán nhà đất để làm giảm số tiền thuế phải nộp và không thuộc trường hợp bị xử lý hình sự, cơ quan thuế có thể xử phạt vi phạm hành chính. 

Theo nghị định 125/2020, người trốn thuế có thể bị phạt tiền từ 1-3 lần số thuế trốn tùy thuộc vào tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng. 

Ngoài ra người vi phạm còn bị buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước.

Về việc xử lý hình sự, tội trốn thuế áp dụng đối với người thực hiện một trong các hành vi quy định trốn thuế từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng.

Hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Hình phạt dành cho tội trốn thuế là phạt tiền từ 100 – 500 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Hành vi thường được các tòa áp dụng để xét xử tội trốn thuế trong mua bán bất động sản là “sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp” (điểm đ khoản 1 điều 200 Bộ luật Hình sự hiện hành).

Đây cũng chính là điều khoản luật được các tòa dùng làm căn cứ để xét xử hai vụ án nêu ở trên. Điều đáng lưu ý là cả người bán lẫn người mua đều bị xử tội và số tiền trốn thuế đều bị tuyên thu nộp ngân sách.

Ở vụ thứ nhất, bên bán là vợ chồng V. bị tòa xử phạt 100 triệu đồng/người, vì theo tòa tuy không hưởng lợi từ số tiền trốn thuế nhưng họ là đồng phạm giúp sức. 

Về phía bên mua, B. bị xử phạt 300 triệu đồng, hai người mua còn lại bị xử phạt 150 triệu đồng/người.

Ở vụ thứ hai, người bán là C. bị tòa án huyện xử phạt 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; người mua là H. bị xử phạt 100 triệu đồng.

Phối hợp cung cấp thông tin để xử lý hành vi trốn thuế

Năm 2022, UBND TP.HCM có văn bản chỉ đạo các sở, ngành và đơn vị liên quan triển khai giải pháp nhằm chống thất thu thuế trong hoạt động chuyển nhượng, kinh doanh bất động sản.

Theo đó các tổ chức hành nghề công chứng cần tuyên truyền, hướng dẫn người dân… kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật.

Những trường hợp chuyển nhượng bất động sản có giá trị bất động sản kê khai trên hợp đồng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế là hành vi vi phạm pháp luật thuế, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, Sở Tư pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát các tổ chức hành nghề công chứng theo quy định pháp luật; phối hợp cung cấp thông tin theo đề nghị của cơ quan thuế, cơ quan công an làm cơ sở xử lý vi phạm.

Công an TP cũng được giao nhiệm vụ chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ, tăng cường biện pháp nghiệp vụ để phát hiện hành vi gian lận trốn thuế, phối hợp với cơ quan thuế xử lý nghiêm theo quy định…

Tag: phapluat-tuoitre

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 6

No votes so far! Be the first to rate this post.