Kinh doanh sa sút và CEO bận làm chính trị nhưng Tesla không thể thay CEO vì giá trị, niềm tin và năng lực công nghệ gắn chặt với Musk.
Giữa lúc nhà đầu tư ngày càng lo ngại về doanh số và lợi nhuận sụt giảm trong khi CEO Elon Musk liên tục vắng mặt vì bận rộn làm chính trị, Hội đồng quản trị Tesla hôm 1/5 lên tiếng bảo vệ.
Chủ tịch Robyn Denholm tuyên bố họ “rất tin tưởng” Musk có thể thực hiện “kế hoạch tăng trưởng đầy hứa hẹn phía trước”. Phản ứng được đưa ra sau khi Wall Street Journal đưa tin rằng hội đồng quản trị Tesla từng cân nhắc tìm CEO thay thế Musk, điều mà ông Denholm đã phủ nhận.
Diễn biến mới nhất cho thấy tình thế khó xử đặc biệt mà ban quản trị Tesla đang phải đối mặt, khi quản lý một CEO điều hành đến 5 công ty và gần đây lại chủ yếu tập trung vào việc cố vấn cho Tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng hòa – điều khiến nhiều khách hàng thiên cánh tả của Tesla không hài lòng.
Vào quý I, doanh số hãng xe điện Mỹ lao dốc xuống mức thấp nhất gần 3 năm, với 336.681 xe bán ra toàn cầu so với 386.810 chiếc cùng kỳ 2024. Giá trị thị trường của Tesla đã bốc hơi khoảng 45%, tính từ giữa tháng 12 năm ngoái. Trước đó, cổ phiếu hãng từng lập đỉnh sau chiến thắng bầu cử của ông Trump, khi giới đầu tư kỳ vọng quan hệ thân thiết giữa Musk và Nhà Trắng sẽ giúp hãng xe điện hưởng lợi.

Doanh số toàn cầu của Tesla qua các quý trong 3 năm qua. Nguồn: Reuters
Tuy nhiên, vào quý đầu năm nay, doanh thu Tesla giảm gần 20%, lợi nhuận ròng lao dốc 71%. “Khủng hoảng thương hiệu rõ ràng đang tác động tiêu cực lên Tesla, điều này không còn gì phải bàn cãi”, Dan Ives, nhà phân tích của Wedbush Securities nhận định. Ông đồng thời gọi doanh số quý I là “thảm họa”.
Theo số liệu mới công bố hôm 1/5, doanh số của hãng tiếp tục giảm sâu tại nhiều thị trường vào tháng trước. Doanh số ở Pháp giảm 59,4% so với cùng kỳ, chỉ còn 863 xe, theo Hiệp hội Công nghiệp Ôtô Pháp (PFA). Mức giảm này sụt đáng kể so với kết quả đi xuống 36% của tháng 3. Tính từ đầu năm, doanh số Tesla tại Pháp đã giảm 43,9%. Tại Đan Mạch, theo số liệu từ Mobility Denmark, doanh số Tesla tháng 4 lao dốc 67,2% còn 180 xe, sau khi đã giảm 65,6% trong tháng trước đó.
Trước tình thế này, Tesla cần tăng trưởng lại càng sớm càng tốt, và làn gió mới từ một CEO thay thế Elon Musk đã được một số người nghĩ đến hay đồn đoán. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, việc tìm CEO thay Musk gần như bất khả thi.
Reuters đánh giá hiếm có công ty nào mà vận mệnh lại phụ thuộc nhiều đến hình ảnh CEO như Tesla. Theo các nhà đầu tư, phân tích và ba nguồn thạo tin nội bộ, việc thay thế Musk bị xem là rủi ro rất lớn. Ước tính khoảng ba phần tư giá trị thị trường vượt trội của Tesla – vốn vượt xa thu nhập hiện tại – là nhờ các công nghệ xe tự hành và robot hình người mà Musk hứa hẹn nhiều năm nhưng chưa ra mắt.
Những người ủng hộ Tesla vẫn xem Musk là thiên tài duy nhất có thể hiện thực hóa tương lai đó, bất chấp cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đặc biệt từ Trung Quốc, nơi các nhà sản xuất như BYD đã vượt Tesla về doanh số.

Elon Musk trong cuộc họp nội các ở Nhà Trắng ngày 26/2. Ảnh: Reuters
Quản lý danh mục Brian Mulberry của Zacks Investment Management – nhà đầu tư Tesla – cho rằng thay thế Musk là vô cùng khó khăn. Thử thách “cực kỳ phức tạp” này đòi hỏi người có đủ năng lực để lấp đầy khoảng trống tài chính mà Musk để lại. Đó là duy trì khả năng sinh lời cho mảng xe điện đang gặp khó, đồng thời hiện thực hóa lời hứa lâu năm về “mạng lưới taxi tự hành”.
Bất kỳ người kế nhiệm nào cũng phải đối mặt với Musk – hiện vẫn là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 13% cổ phần Tesla. Trong năm qua, đội ngũ lãnh đạo của hãng xe điện này đã mỏng đi đáng kể khi Musk chuyển trọng tâm khỏi mục tiêu trở thành “gã khổng lồ xe điện” sang lĩnh vực taxi tự hành, robot và trí tuệ nhân tạo.
Theo các nguồn tin nội bộ của Reuters, những lãnh đạo cao cấp đã phản đối việc chuyển hướng quá mạnh khỏi mảng xe có người lái. Một số người nêu quan ngại lên hội đồng nhưng ban quản trị cũng đứng về phía Musk. Theo Gary Black tại Future Fund, công ty hiện không có lãnh đạo nội bộ nào đủ khả năng thay thế Musk. “Chúng tôi không thấy ai trong nội bộ có đủ kỹ năng, kỹ thuật, chiến lược và thực thi”, ông nhận định. Future Fund cũng là một nhà đầu tư của Tesla.
James McRitchie – nhà đầu tư cá nhân của Tesla – thừa nhận rủi ro khi thay thế Musk. “Giá cổ phiếu hiện phần lớn gắn với tình yêu dành cho Elon và niềm tin rằng robot sẽ làm mọi thứ cho chúng ta”, ông nói. Ông so sánh Musk với cựu CEO huyền thoại Jack Welch của General Electric – người từng được nhà đầu tư coi như “Chúa”. “Khi ông ta rời đi, mọi thứ như một tòa tháp đổ sụp. Tôi nghĩ Tesla cũng như vậy”, ông nói.
Trên thang điểm 10 về độ khó, việc thay thế Musk là “8 hoặc 9”, theo Brian Mulberry của Zacks Investment Management. Ngoài ra, chuyên gia này cho rằng CEO mới còn phải là một người “có bản lĩnh riêng và không bị lu mờ bởi cái bóng của Musk”. Thẳng thắn hơn, chuyên gia Gene Munster tại quỹ đầu tư Deepwater Asset Management nói việc thay thế Musk về cơ bản là bất khả thi.
Reuters dẫn các nguồn tin cho biết một số nhân sự nội bộ Tesla đã nhiều năm đề xuất với Musk rằng ông nên thuê một giám đốc điều hành để quản lý công việc hàng ngày, trong khi bản thân vẫn giữ vai trò hình ảnh. Điều này tương tự cách các công ty khác của ông đang vận hành, ví dụ như Gwynne Shotwell giữ vai trò Chủ tịch kiêm COO SpaceX.
Tuy nhiên, Musk kiên quyết từ chối làm điều tương tự ở Tesla. Trong cuộc họp trực tuyến ngày 22/4 nhằm giải trình về kết quả kinh doanh thê thảm, CEO Elon Musk tuyên bố quay trở lại điều hành trực tiếp doanh nghiệp. “Tesla đã trải qua không ít khủng hoảng suốt những năm qua, thậm chí nhiều lần cận kề cái chết. Nhưng lần này không phải vậy. Chúng tôi không đứng bên bờ vực sụp đổ, thậm chí còn chưa gần”, ông khẳng định.
Brian Mulberry tin rằng hãng xe điện Mỹ vẫn có thể thành công dù có hay không có Musk. “Tesla đã có một dải sản phẩm xe điện tuyệt vời, gồm taxi tự hành và công nghệ lái tự động. Giờ chỉ còn là vấn đề quản lý để hãng hoàn thiện. Bạn có thực sự cần một làn sóng đổi mới nữa không, hay chỉ cần thực thi đúng cách?”, ông bình luận.
Phiên An (theo Reuters)