Lý do Hải Phòng thành quán quân năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Lý do Hải Phòng thành quán quân năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – rss

Cải thiện về tiếp cận đất đai, tính minh bạch, năng động của chính quyền là một trong những động lực giúp Hải Phòng thăng hạng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện định kỳ từ 2005, như một trong những chỉ báo đánh giá khả năng xây dựng môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư của chính quyền các địa phương.

Hải Phòng là trung tâm công nghiệp, cảng biển quan trọng của miền Bắc. Năm nay, thành phố này vượt Quảng Ninh, lần đầu tiên vươn lên dẫn đầu cả nước với 74,84 điểm. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Hải Phòng nằm trong top 3 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất. Trước đó, địa phương này có 7 năm liên tiếp xếp hạng trong top 10 cả nước.

Với kết quả này, Hải Phòng có 3 chỉ số đứng đầu trong các bảng xếp hạng năm 2024 về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đó là, Chỉ số Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS).

Theo báo cáo PCI 2024, thứ hạng cao của Hải Phòng đã phản ánh nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh với các sáng kiến chính gồm đơn giản hoá thủ tục hành chính và thúc đẩy đầu tư.

Những cải cách này góp phần cải thiện các lĩnh vực của chỉ số PCI cho thành phố. Có 7 trong 10 lĩnh vực điều hành của Hải Phòng được các doanh nghiệp ghi nhận tăng điểm so với năm 2023. Các lĩnh vực này gồm gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

“Vị trí quán quân này đã thể hiện những đánh giá ở góc nhìn khách quan của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường đầu tư – kinh doanh của Hải Phòng”, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế VCCI nói.

Nhìn cả quá trình, bước chuyển mạnh mẽ của Hải Phòng trong PCI 2024 đến từ nỗ lực cải cách liên tục trong nhiều năm.

Trong lần đánh giá chính thức đầu tiên vào năm 2006, PCI Hải Phòng chỉ xếp hạng thứ 41 trong 63 tỉnh, thành phố. Liên tục từ năm 2006-2011, chỉ số PCI của thành phố duy trì mức xếp hạng ở vị trí thấp 36-48 và luôn biến động, năm trước tăng hạng thì năm sau giảm hạng.

Giai đoạn 2012-2018, PCI đã cải thiện hơn so với giai đoạn trước nhưng vẫn có những biến động lớn ở vị trí xếp hạng.

Giai đoạn 2019-2024, chỉ số PCI Hải Phòng bắt đầu có bước chuyển biến mạnh mẽ, liên tục chinh phục các vị trí xếp hạng cao và giữ vững top đầu qua các năm. Cụ thể, năm 2019 xếp hạng 10 trong 63, sau đó vươn lên vị trí thứ 2-3 trong 3 năm liên tiếp (2021-2023).

PCI vốn đóng vai trò như một radar chính sách, giúp nhà điều hành phát hiện sớm những điểm nghẽn, những rào cản vô hình, từ đó kiến tạo một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, hiệu quả. Theo ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, thành phố hàng năm đều phân tích cụ thể từng chỉ tiêu của 10 chỉ số thành phần PCI để đưa ra các điểm mạnh, yếu cần khắc phục. Trên cơ sở đó, họ xây dựng kế hoạch cải thiện với các mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể giao tới các sở ngành, địa phương.

“Chỉ số PCI là công cụ quan trọng giúp Hải Phòng đổi mới tư duy điều hành, nâng hiệu quả quản trị, xây dựng thương hiệu địa phương”, ông Châu nói, thêm rằng đây cũng là công cụ giám sát hữu hiệu, phản ánh tiếng nói doanh nghiệp với chính quyền để họ có giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.





Đường Lê Hồng Phong, Hải Phòng. Ảnh: Lê Tân

Đường Lê Hồng Phong, Hải Phòng. Ảnh: Lê Tân

Thực tế, Hải Phòng đã có nhiều kế hoạch cải cách hành chính, thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và FDI để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp. Năm 2024, 100% thủ tục hành chính của thành phố được giải quyết tại bộ phận một cửa. Họ cũng công bố danh mục thủ tục hành chính và công khai trên hệ thống trực tuyến. Các khoản phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến tại địa phương được miễn giảm.

Khi được khảo sát vào năm 2024, phần lớn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đều đồng ý cho rằng môi trường được cải thiện hơn và chất lượng quản lý điều hành của các cơ quan cũng được nâng cao. Cụ thể, 96,45% hộ kinh doanh và 96,7% doanh nghiệp, hợp tác xã cho rằng chất lượng quản lý về kinh tế của chính quyền địa phương hoặc Sở, ban, ngành có cải thiện.

Nỗ lực cải cách đã giúp Hải Phòng vươn lên top 5 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước vào năm 2024 và duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP hai con số liên tục 10 năm qua. GRDP bình quân đầu người liên tục tăng từ 1.587 USD năm 2010 lên 5.863 USD vào 2020 và 8.665 USD năm 2024, vượt xa mức 4.700 USD bình quân của cả nước.

Riêng bốn năm 2019-2023 thành phố tăng trưởng kinh tế 12,6% mỗi năm, gấp 2,44 lần bình quân chung cả nước, gấp 1,74 lần giai đoạn 2014-2018. Quy mô kinh tế của Hải Phòng liên tục tăng, duy trì vị trí thứ hai vùng đồng bằng sông Hồng (sau Thủ đô Hà Nội) và thứ năm cả nước.

Trong 3 năm (2022-2024), thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố vượt mốc 100.000 tỷ đồng. Cùng với đó, 4 năm liên tiếp (2021-2024), Hải Phòng đứng top 5 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI. Năm 2024, với tổng vốn FDI đăng ký đạt 4,94 tỷ USD, vượt 145% so với kế hoạch đề ra và tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm trước.

Năm nay, thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng 12,5%, hướng đến con số 15-16% giai đoạn 2026-2030. Theo phương án của trung ương, Hải Phòng sẽ sáp nhập với Hải Dương, lấy tên là TP Hải Phòng, trung tâm hành chính đặt tại Hải Phòng.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng, lãnh đạo thành phố cho biết họ sẽ tập trung xây dựng chính quyền số, bảo đảm quá trình sắp xếp bộ máy sau khi hợp nhất không làm gián đoạn quá trình thực hiện thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp.

Hải Phòng cũng định hướng phát triển đồng bộ hạ tầng chiến lược với tinh thần “hạ tầng đi trước – tăng trưởng theo sau”. Theo đó, các bến còn lại của Cảng Lạch Huyện sẽ được tập trung hoàn thiện. Thành phố sẽ phát triển cảng biển thế hệ mới Nam Đồ Sơn, sân bay quốc tế Tiên Lãng, đường sắt tốc độ cao Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, mạng lưới logistics và hạ tầng số phủ kín đến cấp xã, làm nền tảng cho kinh tế số.

Thành phố cảng cũng tập trung hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, phát triển cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, lãnh đạo Hải Phòng cho biết sẽ không ngừng đổi mới, nâng chất lượng quản trị và điều hành, xây dựng chính quyền số và chất lượng Chỉ số PCI.

Phương Dung – Lê Tân

Tag: kinhte-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 9

No votes so far! Be the first to rate this post.