Gói thầu cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đoạn qua Bình Phước trao cho liên danh có giá dự thầu cao nhất, trong khi 4 nhà thầu khác giá thấp hơn bị loại.
Kết quả vừa được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước (chủ đầu tư) phê duyệt, với đơn vị trúng thầu là liên danh Cao tốc HCM – TDM – CT (gồm Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Xây dựng NTV Thành Phát). Giá trúng thầu là 866,4 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm 1,62% so với giá mời thầu gần 881 tỷ đồng.
Cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đoạn qua Bình Phước dài 7 km, khởi công cuối năm 2024 với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Gói thầu xây lắp ở dự án này đấu thầu rộng rãi trong nước qua mạng, thu hút 5 nhà thầu tham gia. Ngoài đơn vị trúng thầu nêu trên, có hai nhà thầu độc lập là Tập đoàn Cienco4 và Sơn Hải, cùng hai liên danh khác.
Sơn Hải là đơn vị có giá dự thầu thấp nhất với 732,2 tỷ đồng (tiết kiệm 16,8%), tiếp theo là Cienco4 với 800,6 tỷ đồng (tiết kiệm 9%). Hai liên danh còn lại lần lượt là 836 tỷ đồng và 854 tỷ đồng. Tuy nhiên, 4 nhà thầu này bị loại do “không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật”.

Phối cảnh cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đi qua Bình Phước. Ảnh: Chủ đầu tư
Theo báo cáo của tổ chuyên gia thuộc Công ty cổ phần tư vấn Văn Phú – đơn vị lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu, các lý do chính khiến những nhà thầu nêu trên bị loại, gồm: không đáp ứng yêu cầu vật tư thiết bị cung cấp cho gói thầu, tổ chức thực hiện BIM (mô hình thông tin công trình) và yêu cầu về máy, thiết bị xây dựng phục vụ thi công gói thầu.
Không đồng tình kết quả đấu thầu, trong văn bản gửi chủ đầu tư ngày 26/5, Tập đoàn Sơn Hải cho rằng họ có giá dự thầu thấp nhất, tiết kiệm cho nhà nước nhiều nhất (gần 150 tỷ đồng so với giá mời thầu), đồng thời cam kết về chất lượng bảo hành dài nhất 10 năm, nhưng không được chọn. Ngoài ra, đơn vị trên cũng đề cập các nhà thầu bị loại là những doanh nghiệp có tiếng trong xây dựng giao thông Việt Nam. Phía Sơn Hải cho rằng chủ đầu tư “có dấu hiệu làm trái quy định pháp luật trong đấu thầu dẫn đến thất thoát, lãng phí rất lớn tiền của nhà nước”.
Trả lời VnExpress về phản ánh của Tập đoàn Sơn Hải liên quan kết quả đấu thầu dự án cao tốc đoạn qua địa bàn, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Phước Phạm Văn Trinh, cho biết đến chiều 26/5 địa phương chưa nhận văn bản từ tập đoàn này, ngoài thông tin từ báo chí. Tuy nhiên, để nắm bắt tình hình, tỉnh đã yêu cầu chủ đầu tư báo cáo giải trình việc đấu thầu, cũng như chấm thầu để làm rõ.
“Việc đấu thầu được chủ đầu tư đưa lên hệ thống đấu thầu quốc gia, mọi thông tin hồ sơ đều công khai, minh bạch. Đến nay Tập đoàn Sơn Hải chưa phản hồi ý kiến”, ông Trinh nói.

Hướng tuyến cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Đồ họa: Đỗ Nam
Trong khi đó, theo chủ đầu tư, gói thầu xây dựng cao tốc đoạn qua Bình Phước phê duyệt hồ sơ mời thầu ngày 24/2. Gần một tháng sau, hôm 17/3 gói thầu được mở với sự tham gia của 5 nhà thầu nêu trên. Quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu có một số nội dung cần làm rõ, chủ đầu tư cũng triển khai đúng quy định.
Sau đó dựa trên báo cáo đánh giá của tổ chuyên gia đấu thầu thuộc Công ty cổ phần tư vấn Văn Phú, chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Kết quả này công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia kèm báo cáo đánh giá. Vì vậy chủ đầu tư cho biết nhà thầu nếu có kiến nghị nội dung đánh giá thì thực hiện theo các quy định ở Luật Đấu thầu. Khi nhận được kiến nghị chính thức, đơn vị này sẽ giải quyết theo đúng quy định.
Cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành dài gần 69 km. Ngoài 7 km ở Bình Phước, đoạn qua Bình Dương chiếm phần lớn với khoảng 53 km, cũng khởi công hồi tháng 2/2025, chỉ còn gần 9 km qua TP HCM chưa triển khai. Giai đoạn đầu, tuyến 4 làn xe và nâng lên 6 làn ở giai đoạn đầu tư tiếp theo; vận tốc tối đa 100 km/h.
Hiện xe từ TP HCM đi Thủ Dầu Một (Bình Dương), theo quốc lộ 13 đến Bình Phước với quãng đường dài khoảng 120 km. Tuyến cao tốc khi hoàn thành giúp tăng năng lực vận tải, giao thương hàng hóa và rút ngắn thời gian đi lại giữa các địa phương.
Phước Tuấn – Giang Anh