
Người dân nhận hàng từ các công ty giao hàng tại một tòa nhà ở TP.HCM – Ảnh: HỒNG PHÚC
Biên lợi nhuận teo tóp
Sự bùng nổ của thương mại điện tử đã trở thành động lực chính thúc đẩy ngành bưu chính và chuyển phát nhanh phát triển.
Tuy nhiên, theo ông Lê Việt Anh, tổng giám đốc Tổng công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện (VNPost Express), sự cạnh tranh trong ngành ngày càng khốc liệt do các doanh nghiệp tranh giành thị phần. Đặc biệt, “các sàn thương mại điện tử cũng lập các đơn vị chuyển phát riêng, độc quyền chuyển phát hàng hóa từ người bán tới người mua”.
Trong quý 1-2025, VNPost Express ghi nhận doanh thu thuần hơn 518 tỉ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng mạnh làm lợi nhuận gộp giảm còn gần 70 tỉ đồng.
Cùng với đó, chi phí lãi vay, chi phí bán hàng tăng và thu nhập khác sụt giảm, dẫn đến lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 10 tỉ đồng, giảm gần 48% so với cùng kỳ năm trước.
Để giữ thị phần, ban lãnh đạo VNPost Express cho biết đã phải “điều chỉnh cơ chế kinh doanh, tăng cường khuyến mãi và giảm giá sâu toàn hệ thống”.
Hệ quả là chi phí bán hàng tăng cao, đẩy tổng chi phí trong quý vừa qua tăng gần 31%.
Trong khi đó, chi phí bán hàng của Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) trong ba tháng đầu năm nay tăng 37%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh hơn, lên 61%.
Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư gần đây, ông Nguyễn Việt Dũng, chủ tịch Viettel Post, cho biết nhiều doanh nghiệp chuyển phát chọn cạnh tranh bằng giá, với mức chênh lệch chỉ vài trăm đồng cho mỗi đơn hàng, bù lấp cho toàn bộ trải nghiệm giao hàng, độ an toàn và chất lượng.
Vị này nhận định, khi chưa có sự khác biệt rõ nét về chất lượng, các đơn vị dựa vào giá để cạnh tranh và xu hướng này chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo báo cáo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), giao hàng chặng cuối chiếm đến 28% tổng chi phí vận chuyển hàng hóa trong ngành công nghiệp logistics.
Thị trường này ngày càng sôi động, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp như GHN (Giao hàng nhanh), BEST Express Vietnam, GHTK, J&T Express (Vietnam), Kerry Express (Vietnam), Nasco Logistics, Nhất Tín Logistics, Nin Sing Logistics (Ninja Van), Swift247, Viettel Post và VNPost.

Doanh thu lĩnh vực bưu chính Việt Nam giai đoạn 2020-2024 – Đơn vị tính: tỉ đồng
Với mô hình nhượng quyền chi phí thấp và phần mềm nhiều tính năng vượt trội, các doanh nghiệp nước ngoài đang tạo áp lực cạnh tranh lớn về giá thành và chất lượng dịch vụ.
Đồng thời, các sàn thương mại điện tử lớn, chủ yếu thuộc sở hữu nước ngoài, ưu tiên đơn hàng cho các công ty chuyển phát ngoại làm gia tăng thách thức.
Đặc biệt các tập đoàn Trung Quốc như Alibaba, Tencent, J&T, ZTO, SF, Ninja Van đẩy mạnh nhượng quyền, đầu tư hạ tầng và giảm giá dưới giá thành để giành thị phần. Trong khi đó, doanh nghiệp nội cũng chạy đua khuyến mãi khiến biên lợi nhuận chỉ còn khoảng 3%.
Sàn vừa là trọng tài, vừa là người chơi?
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, lãnh đạo Viettel Post cho rằng các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam độc quyền quyết định về ba vấn đề quan trọng: hàng bán trên sàn, đối tác vận chuyển và phương thức thanh toán (dòng tiền).
Các sàn này sẽ kiểm soát hành vi mua sắm, thu phí sàn cao, dẫn đến người bán phải tăng giá bán, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất nội địa.
Hệ sinh thái “all-in-one” của một số sàn bao gồm cả nền tảng thương mại điện tử, vận chuyển, thanh toán… tạo trải nghiệm liền mạch và tối ưu hóa hiệu quả.
Tuy nhiên, sự tích hợp này có thể tiềm ẩn nguy cơ xung đột lợi ích, khi các sàn vừa đóng vai trò là “trọng tài” (quản lý nền tảng), vừa là “người chơi” (cung cấp dịch vụ như giao hàng).
Ông Nguyễn Việt Dũng, chủ tịch Viettel Post, cho biết hiện chưa có số liệu chính thức về thị phần chuyển phát trong thương mại điện tử. Tuy nhiên, Viettel Post có thị phần khiêm tốn so với các đối thủ lớn như Shopee Express và J&T, một phần do các sàn lớn như Shopee và TikTok sở hữu hoặc liên kết chặt chẽ với các đơn vị logistics trong hệ sinh thái của họ.
Viettel Post đã gửi kiến nghị đến cơ quan quản lý nhà nước và đóng góp ý kiến khi cơ quan quản lý đang trong quá trình soạn thảo Luật Bưu chính sửa đổi, kỳ vọng các quy định mới sẽ giúp đảm bảo tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng.
Trong thời gian chờ đợi các quy định mới, ông Dũng cho biết Viettel Post tiếp tục đàm phán, hợp tác với các sàn lớn như Shopee và TikTok, đồng thời theo dõi thị trường để điều chỉnh chiến lược.
Ông nhận định mô hình bù chéo giữa thương mại và chuyển phát mang lại hiệu quả ngắn hạn, không bền vững về dài hạn và việc tăng phí sàn có thể đẩy người bán, người tiêu dùng sang các nền tảng chi phí hợp lý hơn.