Lao động ‘1 chọi 7’ thi tiếng Hàn lấy suất đi nước ngoài

Lao động ‘1 chọi 7’ thi tiếng Hàn lấy suất đi nước ngoài – rss

Gần 22.800 lao động đăng ký dự thi tiếng Hàn trong khi chỉ tiêu lấy 3.300 (tỷ lệ chọi 1/7) để lấy suất đi làm việc ngành nông nghiệp và sản xuất chế tạo ở Hàn Quốc.

Ngày 5/5, gần 7.900 lao động miền Bắc bước vào đợt thi đánh giá năng lực tiếng Hàn đầu tiên tại Trung tâm Dạy nghề và Đào tạo lao động Sona, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội. Hai đợt còn lại được tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 8/5 đến 11/6 dành cho 11.700 thí sinh miền Trung. Gần 3.200 lao động miền Nam thi tại TP HCM theo hai đợt, ngày 6-7/5 và ngày 30/5-17/6.





Thí sinh xếp hàng chờ đối chiếu thẻ dự thi trước khi vào phòng chờ, ngày 5/5. Ảnh: Hồng Chiêu

Thí sinh xếp hàng chờ đối chiếu thẻ dự thi trước khi vào phòng chờ, ngày 5/5. Ảnh: Hồng Chiêu

Xếp hàng chờ gọi vào phòng thi, chị Trần Thị Hằng, quê Bắc Giang, cho biết đi xe máy từ Bắc Giang lên Hà Nội lúc rạng sáng, có mặt tại điểm thi trước hai tiếng. Chị muốn sang Hàn Quốc vì lương công nhân tính cả tăng ca 10-12 triệu đồng, chỉ đủ chi phí sinh hoạt. Trong khi “lương bên kia gấp 3-4 lần, chắt bóp mỗi tháng cũng để dành được một nửa”.

Chị Hằng chọn thi ngành nông nghiệp với mong muốn sang Hàn cùng chồng, người đã thi đỗ tiếng Hàn năm ngoái và đang làm công nhân để chờ chủ tuyển dụng gọi đi. Chị tranh thủ học tiếng Hàn mọi lúc, giờ nghỉ trưa, buổi tối sau khi tăng ca. “Vượt qua kỳ thi coi như đã đặt được một chân sang xứ người, phần còn lại phải xem may mắn có được gọi đi hay không”, chị nói.

Trước khi thực hiện bài thi trên máy tính, lao động phải vượt qua ba vòng kiểm tra để tránh gian lận, gồm: Xếp hàng đối chiếu thông tin trên thẻ dự thi để vào phòng chờ; quét xác nhận vân tay, khuôn mặt và qua máy dò kim loại để vào phòng máy tính. Dữ liệu của lao động đều được lưu trữ nhằm phục vụ tra cứu, đối chiếu. Nếu để người thi hộ hoặc vi phạm quy chế, thí sinh sẽ bị hủy kết quả và cấm thi trong 4 năm.

Ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, cho hay năm nay sản xuất chế tạo chiếm áp đảo hồ sơ với hơn 21.400 người đăng ký trong khi chỉ tiêu 3.000; ngành nông nghiệp lấy 300 người nhưng hồ sơ hơn 1.400. Chỉ tiêu phía Hàn giảm so với 2024 song Việt Nam phấn đấu cả năm đạt khoảng 8.000 người.





Cán bộ coi thi dùng máy dò kim loại để kiểm tra tránh gian lận. Ảnh: Hồng Chiêu

Cán bộ coi thi dùng máy dò kim loại để kiểm tra tránh gian lận. Ảnh: Hồng Chiêu

Chương trình cấp phép cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc (EPS) khởi động từ năm 2004, đặc thù là chủ doanh nghiệp Hàn Quốc chọn lao động trên hồ sơ được giới thiệu ngẫu nhiên, không chỉ định. Thí sinh vượt qua hai vòng thi tiếng Hàn và tay nghề sẽ nộp hồ sơ dự tuyển với giới chủ, song không chắc chắn được chọn đi. Vì thế lao động nộp xong hồ sơ vẫn nên duy trì công việc để có thu nhập.

Thống kê tới tháng 10/2024, hơn 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, mỗi năm gửi về 3,5- 4 tỷ USD kiều hối. Lao động làm việc tại Hàn Quốc cho thu nhập cao nhất 1.600-2.000 USD, kế đến là Nhật Bản 1.200-1.500 USD; Đài Loan 800-1.200 USD, một số quốc gia châu Âu có mức tương tự. Thị trường Trung Đông và Malaysia ghi nhận mức lương thấp hơn, khoảng 600-1.000 USD với lao động có tay nghề và 400-600 USD mỗi tháng với lao động phổ thông.

Hồng Chiêu

Tag: thoisu-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 5

No votes so far! Be the first to rate this post.