Hà NộiThương binh Lê Xuân Chinh có dịp nhìn lại mình năm 19 tuổi trong bức ảnh tư liệu Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị tại lễ gặp mặt tri ân người có công trên cả nước, ngày 24/7.
Cuộc gặp mặt do Bộ Nội vụ cùng các cơ quan tổ chức nhân dịp 78 năm Ngày thương binh liệt sĩ. 250 đại biểu tham dự là nhân chứng lịch sử, thương bệnh binh, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày, thân nhân liệt sĩ đại diện cho hơn 9,2 triệu người có công cả nước. Người cao tuổi nhất năm nay 102 và tham gia cách mạng từ tháng 4/1945, trẻ nhất là thương binh 32 tuổi.
Thương binh Lê Xuân Chinh chia sẻ về bức ảnh “Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị” chụp năm 1972. Video: Hoàng Phương
Là một trong những nhân chứng tham gia giao lưu, thương binh Lê Xuân Chinh có dịp nhìn lại ảnh tư liệu chụp mình 53 năm trước, khi tham gia bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa năm 1972. Chân dung những người lính trẻ mũ tai bèo, treo súng, nói cười trong phút dừng bắn hiếm hoi giữa hai trận đánh được nhà báo Đoàn Công Tính chụp sáng 15/8/1972. Ảnh đăng trên báo Nhân dân ngày 2/9/1972 được đặt tên “Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị”.
Ông Chinh năm ấy 19 tuổi, nhập ngũ một năm và được bổ sung quân số vào bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. 20 ngày sau khi bức ảnh được chụp, ông Chinh bị thương trong một trận đánh và được chuyển ra Bắc năm 1973. Ông kể khá bất ngờ khi thấy bức ảnh trên báo Nhân dân lúc đang điều trị vết thương tại chiến trường.
“Đồng đội hy sinh quá nhiều, những người còn lại không thể gục ngã vẫn giữ chắc tay súng để bảo vệ Thành cổ, bởi chúng tôi khi ấy luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của quân đội, tin rồi cuối cùng chúng ta sẽ giành thắng lợi”, ông kể về nụ cười giữa khói lửa 53 năm trước.
Tháng 7 hàng năm, người cựu binh 72 tuổi cùng bạn chiến đấu vẫn trở về Quảng Trị thắp hương, cúng cơm cho đồng đội nằm lại. 10 người cùng quê thì 5 người ngã xuống – đó là niềm đau đáu của ông trong nhiều năm qua.

Cựu chiến binh Lê Xuân Chinh- người lính trong bức ảnh Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị do nhà báo Đoàn Công Tính chụp tháng 8/1972. Ảnh: Việt Trung
Cùng tham gia giao lưu, thương binh Lê Đức Luân, nguyên chiến sĩ pháo cao xạ Sư đoàn phòng không 367, luôn nhớ những trận sốt cao “thừa sống thiếu chết” khi bị thương nặng. Ông Luân nhập ngũ năm 1971, từng bám trụ chiến trường Quảng – Đà, đóng quân ở sân bay Khâm Đức khi vùng này mới giải phóng.
Đầu năm 1973, đơn vị nhận lệnh hành quân sâu vào phía Nam bởi có khả năng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đường hành quân khó khăn, xe kéo pháo phòng không nặng, tiến được hai bước lại lùi một bước. Trên trời là máy bay trinh sát của Mỹ, dưới đất có thể đụng độ biệt kích. Xe tải chuyển quân gặp máy bay ném bom, ông Luân bị thương nặng không thể tiếp tục chiến đấu. Trên đường trở ra Bắc, người thương binh “ba lần sốt cao gần chết”, chuyển từ xe tải sang khiêng cáng, gần 6 tháng mới tới nơi.
“Hồi đi bộ đội tôi cao 1m70, nặng 65 kg, ra tới Bệnh viện Quân y 111 chỉ còn 37 kg vì bị thương lại sốt rét. Bác sĩ nhìn đầu tóc, râu ria, bảo nom như người rừng”, người lính già đầu bạc kể chuyện.
Thương tật 92%, ông Luân nhiều năm điều trị ở Trung tâm Thuận Thành (Bắc Ninh). Những đồng đội điều trị với ông, người làm thơ, viết báo kiếm thêm nhuận bút; người học sửa máy móc thêm thu nhập và khỏa lấp nỗi đau khi trái gió trở trời.
“Hòa bình có được đánh đổi bằng xương máu của hàng triệu người, hạnh phúc của hàng triệu gia đình. Tôi mong rằng thế hệ trẻ hôm nay dù ở cương vị nào cũng hãy là người Việt Nam luôn biết phấn đấu, cống hiến không mệt mỏi”, ông nhắn nhủ.

Nhiều người tham dự không kìm được nước mắt khi nghe ký ức chiến trường của các cựu chiến binh. Ảnh: Việt Trung
‘Sự phát triển hùng cường của đất nước là lời tri ân sâu sắc người có công’
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tri ân không chỉ là hoạt động chính trị quan trọng mà còn là biểu hiện sâu sắc của truyền thống uống nước nhớ nguồn. Ông gửi lời tri ân tới gần 1,2 triệu liệt sĩ – những người tuổi mười tám đôi mươi gác lại ước mơ, sách bút để lên đường; tới hàng triệu người mãi mãi nằm lại dọc dải đất từ Bắc vào Nam; những người trở về nhưng để lại một phần thân thể nơi chiến trường, không ít trẻ em sinh ra mang trong mình di chứng chiến tranh.
“Chúng ta chia sẻ sâu sắc với nỗi đau in hằn, vết thương đau nhức, những ánh mắt ngóng trông của người thân chưa có thông tin, chưa biết thông tin phần mộ liệt sĩ…”, ông nói.
Tiếp nối hành trình đền ơn đáp nghĩa suốt 78 năm qua, Tổng Bí thư nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước coi người có công là tài sản quý báu của dân tộc. Từ chủ trương này, nhiều chính sách, ưu đãi được mở rộng, hoàn thiện với người có công. Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp, người có công được chăm sóc sức khỏe, cải thiện về nhà ở; công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ được đẩy nhanh với quyết tâm cao; công tác xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin nhờ sự hỗ trợ công nghệ giám định ADN đạt được những kết quả tích cực ban đầu.
“Ngay ngày hôm qua thôi, chúng tôi đã nhận được tin thêm 5 liệt sĩ được trở về nhà nhờ xác định danh tính bằng công nghệ hiện đại”, ông nói.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại cuộc gặp mặt người có công ngày 24/7. Ảnh: Việt Trung
Tổng Bí thư đề nghị các cấp ngành, địa phương rà soát và hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công, giải quyết “thấu tình đạt lý” đề xuất, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của người có công và thân nhân. Thực hiện kịp thời thủ tục hành chính trong việc xem xét công nhận người có công, chi trả trợ cấp thông suốt, không bị gián đoạn khi sắp xếp đơn vị hành chính.
Ngoài ra, các cơ quan cần đẩy mạnh tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, ứng dụng công nghệ trong xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; kết hợp bố trí tăng ngân sách nhà nước với huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện chính sách với người có công; nâng cao chất lượng chính sách hậu phương quân đội, công an…
“Sự phát triển hùng cường của đất nước chính là lời tri ân thiết thực và ý nghĩa nhất, bởi những người đã ngã xuống và bao thế hệ người có công luôn mang trong mình khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của dân tộc”, ông nhấn mạnh.
Báo cáo trước 250 đại biểu người có công, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết tính riêng từ năm 2024 đến nay, hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng đã được giải quyết cơ bản, trong đó có hơn 2.400 liệt sĩ và hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được Thủ tướng Chính phủ công nhận.
Hai năm qua, cả nước hoàn thành xây mới và sửa chữa trên 41.800 căn nhà cho người có công, với 1.970 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa. Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi năm 2025 tăng hơn 70% so với năm 2021 góp phần cải thiện đáng kể đời sống hàng triệu người. Trên 96% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình tại khu dân cư nơi cư trú.
“Thời gian tới, Bộ Nội vụ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo hướng phải là mức cao nhất trong các chính sách xã hội”, bà Trà cho hay, thêm rằng ngành Nội vụ sẽ nỗ lực hơn trong công tác tìm kiếm xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, bởi còn hơn 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập, gần 300.000 liệt sĩ chưa xác định được thông tin.
Cả nước có trên 9,2 triệu người có công với cách mạng, trong đó hơn 1,2 triệu liệt sĩ, gần 140.000 mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 600 nghìn thương binh, bệnh binh, cùng hàng triệu thân nhân liệt sĩ, người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bị địch bắt tù đày, nhiễm chất độc hóa học.
Hoàng Phương