Kinh tế Đức tăng trưởng vượt dự kiến

Kinh tế Đức tăng trưởng vượt dự kiến – rss

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu tăng trưởng 0,4% trong quý I so với quý cuối năm ngoái, gấp đôi dự kiến ban đầu, nhưng vẫn suy giảm theo năm.

Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho biết GDP quý I tăng 0,4% nhờ xuất khẩu và sản xuất mạnh hơn dự kiến. Trước đó, cơ quan này từng cho rằng kinh tế 3 tháng đầu năm chỉ tăng 0,2% so với quý liền trước. Bà Ruth Brandt, người đứng đầu cơ quan này, cho biết “sự phục hồi kinh tế bất ngờ trong tháng 3” đã dẫn tới thay đổi trong số liệu chính thức. Nhưng so với cùng kỳ quý I/2024, kinh tế vẫn giảm 0,2%.

Lần gần nhất Đức ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn theo quý là vào quý III/2022, khi GDP tăng 0,6%. Nhiều năm qua, đầu tàu châu Âu vật lộn để có tăng trưởng đáng kể và GDP đã giảm hai năm gần đây. Riêng quý IV/2024, kinh tế giảm 0,2%.





Tàu container tại cảng Hamburg, Đức ngày 25/10/2022. Ảnh: Reuters

Tàu container tại cảng Hamburg, Đức ngày 25/10/2022. Ảnh: Reuters

Hôm 21/5, Hội đồng cố vấn kinh tế độc lập của chính phủ Thủ tướng Friedrich Merz dự báo kinh tế Đức gần như đi ngang năm nay và chỉ tăng 1% vào 2026. Theo họ, triển vọng là gói đầu tư hạ tầng quy mô lớn do liên minh của ông Merz khởi xướng nhưng thách thức của nền kinh tế đến từ các mức thuế và đe dọa thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Carsten Brzeski, Trưởng phân tích kinh tế vĩ mô toàn cầu ngân hàng ING (Hà Lan), kết quả khả quan trong quý I có thể là “một điểm sáng nhất thời”, chủ yếu do doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động trước khi thuế quan của ông Trump hiệu lực.

Chuyên gia ING nhận định, nền kinh tế Đức hiện nằm giữa hai chuyển biến lớn. Một là chính phủ mới có vẻ thiếu tham vọng cải cách cấu trúc nhưng lại có dư địa tài khóa chưa từng có để đầu tư vào hạ tầng và quốc phòng. Hai là những thay đổi sâu sắc về thương mại và địa chính trị, bao gồm cả các mức thuế từ Mỹ.

Trước mắt, ING cho rằng các yếu tố tiêu cực sẽ lấn át tích cực. Tác động trực tiếp là mức thuế hiện trong thời gian tạm hoãn 90 ngày, vẫn cao hơn so với đầu năm, còn gián tiếp là tâm lý vẫn bất ổn. Về dài hạn, ông Carsten Brzeski cho rằng vẫn có lý do lạc quan. “Nếu được triển khai đúng cách, đầu tư vào hạ tầng ít nhất cũng có thể thúc đẩy một chu kỳ tăng trưởng”, ông nhận định.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng bản thân các biện pháp tài khóa dù lớn vẫn sẽ không đủ để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. “Hạ tầng hiện đại là điều kiện cần đối với một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng không tự thân thúc đẩy đổi mới, chuyển đổi ngành hay mở ra động lực tăng trưởng mới”, ông nêu.

Phiên An (theo AP, ING)

Tag: kinhte-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 7

No votes so far! Be the first to rate this post.