
Nhiều tiểu thương bán thịt heo ở chợ Bến Ngự (TP Huế) đóng quầy vì sức mua thịt heo giảm, do thời gian vừa qua Huế ghi nhận hàng chục ca mắc liên cầu lợn – Ảnh: CÔNG NGỌ
Trước diễn biến của bệnh liên cầu lợn, nhiều người dân ở thành phố Huế đã có tâm lý lo lắng, cẩn trọng và hạn chế mua thịt heo được bày bán ở chợ truyền thống.
Sức mua thịt heo giảm vì lo lắng bệnh liên cầu lợn
Ngày 16-7, ông Nguyễn Lê Tâm, phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Huế, cho biết chỉ trong một tháng rưỡi vừa qua ở Huế ghi nhận 32 ca mắc liên cầu lợn, trong đó có 1 trường hợp tử vong và 3 trường hợp bệnh diễn biến nặng.
Trong đó từ ngày 11-7 đến 16-7, trên địa bàn thành phố đã có thêm 5 người dân mắc liên cầu lợn, nâng tổng số người mắc bệnh ở địa phương này trong năm 2025 lên 38 người.
Trước tình hình bệnh liên cầu lợn diễn biến phức tạp, nhiều người dân ở Huế đã có tâm lý lo ngại, e dè không chọn mua thịt heo để làm thức ăn trong bữa cơm hằng ngày.
Lượng người mua giảm mạnh khiến không ít tiểu thương bán thịt heo ở chợ chọn cách “treo quầy”, nghỉ bán tạm thời.
Ghi nhận tại chợ Bến Ngự (phường Thuận Hóa, thành phố Huế), nhiều tiểu thương cho biết lượng khách giảm mạnh khoảng 10 ngày trở lại đây. Không có người mua, nhiều tiểu thương đã bỏ sạp, “treo quầy”, tạm thời nghỉ bán hàng chờ tình hình ổn lại mới mở sạp.

Một bệnh nhân mắc liên cầu lợn nặng điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế – Ảnh: N.LINH
Huế phát công văn yêu cầu chặn việc vận chuyển heo trái phép
Trước tình hình bệnh liên cầu lợn diễn biến phức tạp, UBND thành phố Huế đã phát công văn yêu cầu ngành thú y kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh tai xanh lợn, dịch tả lợn châu Phi.
Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố (Ban chỉ đạo 389) được yêu cầu tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển trái phép heo và thịt heo từ nước ngoài vào địa bàn thành phố.
Công an thành phố Huế cũng được yêu cầu điều tra, theo dõi tình hình, cập nhật danh sách các đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ heo bệnh, heo chết để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Dùng thịt đúng cách, đừng quá hoang mang
Theo ông Nguyễn Lê Tâm, có một yếu tố “bất thường” trong việc kiểm soát bệnh liên cầu lợn khiến nhiều người nhập viện ở Huế. Đó là dù Huế ghi nhận hàng chục ca nhập viện do liên cầu lợn nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa ghi nhận ổ dịch bệnh lớn như tai xanh, tả lợn châu Phi… xảy ra trên đàn heo ở địa phương.
Trong khi ở hai địa phương lân cận là Đà Nẵng và Quảng Trị đã có ghi nhận về việc bùng phát dịch tả lợn châu Phi trên đàn heo, khiến cả ngàn con heo bệnh chết.
“Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, người dân cần nấu thật chín thức ăn liên quan đến thịt heo. Không ăn tiết canh của các loại động vật vì có nguy cơ pha lẫn máu của heo.
Đặc biệt không nên ăn thịt tái hay các sản phẩm làm từ thịt heo sống. Trong khi giết mổ, chế biến thịt heo cần đeo bao tay và rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn.
Người dân cũng không nên hoang mang, lo lắng quá mức, dẫn đến việc không chọn thịt heo trong bữa ăn hằng ngày. Chỉ cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn trong phòng, chống bệnh liên cầu lợn của Bộ Y tế thì sẽ phòng tránh được bệnh này”, ông Tâm cho biết.