Hơn 120.000 ha đất lâm nghiệp giao về các địa phương quản lý bị lấn chiếm, tranh chấp, con số này ở các công ty lâm nghiệp tương đương.
Ngày 25/4, tại hội thảo Hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán đất lâm nghiệp trong các công ty lâm nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức ở Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi, Phó chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam, cho biết đến nay đã có hơn 512.000 ha đất từ các lâm trường quốc doanh, công ty lâm nghiệp bàn giao về cho địa phương quản lý.
Trong số này, hơn 300.000 ha được tổ chức sản xuất, hơn 121.000 ha (23,6%) bị lấn chiếm, tranh chấp và cấp trùng chưa giải quyết. Riêng đất bị lấn chiếm gần 98.000 ha. Đất bàn giao từ trung ương về địa phương chủ yếu là đất trống, đồi trọc, đất xấu, bạc màu và xói mòn, không thuận tiện đi lại.

PGS. TS Nguyễn Bá Ngãi trình bày tại hội thảo. Ảnh: Minh Khôi
PGS Ngãi nhận định nguyên nhân của thực trạng trên là địa phương chưa thực hiện tốt việc quản lý như chưa kiểm kê, lập bản đồ địa chính, chưa đo đạc, cắm mốc ranh giới, chưa giải quyết dứt điểm các diện tích có tranh chấp.
Dẫn báo cáo năm 2024 của Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, cho biết trong 169 công ty lâm nghiệp quản lý hơn 1,4 triệu ha đất thì có đến 124.300 ha bị lấn chiếm, hơn 16.300 ha đất tranh chấp và gần 5.900 ha đất cấp trùng.
Ngoài ra, có trên 350.000 ha đất sản xuất nông nghiệp nằm trên diện tích quy hoạch là đất lâm nghiệp, chủ yếu ở Tây Nguyên.

Đất lâm nghiệp tại Quảng Nam. Ảnh: Đắc Thành
Trong 30 năm qua, chính sách giao khoán đất lâm nghiệp đã ba lần thay đổi bằng các Nghị định 1/1995; 135/2005; 168/2016. Theo quy định, nghị định mới ban hành thì nghị định cũ sẽ hết hiệu lực. Tuy nhiên, thực tế tại 53 công ty lâm nghiệp vẫn tồn tại hàng chục nghìn ha khoán theo quy định cũ.
Đơn cử, tại Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (VINAFOR) vẫn còn 898 hộ với gần 1.900 ha khoán theo Nghị định 1/1995, hơn 1.110 hộ với hơn 1.100 ha khoán theo Nghị định 135/2005.
“Điều này dẫn đến việc sử dụng đất đai không đúng đối tượng, không đúng mục đích vẫn còn khá phổ biến. Việc lấn chiếm, tranh chấp đất đai, mua bán hợp đồng giao khoán có nguy cơ tiếp diễn và gia tăng”, ông Phúc nói và cho rằng thực trạng này sẽ dẫn tới diện tích rừng trên không thể tham gia thị trường carbon.
Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, chia sẻ Quốc hội khóa 14 đã cấp 1.700 tỷ đồng cho công tác đo đạc đất đai, tuy nhiên kết quả rất hạn chế, đặc biệt các khu vực đất còn tranh chấp không được thực hiện.
“Vấn đề xác định pháp lý, ranh giới đất đai giữa công ty lâm nghiệp với hộ gia đình cũng chưa được tổ chức đo đạc đầy đủ. Các địa phương có thực hiện, tuy nhiên do mức độ quan tâm mỗi địa phương khác nhau nên kết quả khác nhau”, ông Thành nói.

Công trình trái phép trên đất nông trường ở Ba Vì bị tháo dỡ năm 2018. Ảnh: Gia Chính
Một vấn đề dẫn tới lấn chiếm, tranh chấp đất lâm nghiệp cần được làm rõ, theo ông Thành là việc ở một số nơi đất đai của người dân canh tác lâu đời nhưng lại được quy hoạch vào đất lâm nghiệp khiến họ không thể sử dụng vì nếu tiếp tục canh tác sẽ vi phạm pháp luật.
Đại diện Hội đồng dân tộc đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng như Ban Chiến lược, chính sách trung ương nghiên cứu làm rõ để giải quyết các vướng mắc về đất đai, tạo nguồn lực cho phát triển trong kỷ nguyên mới.
Gia Chính