Sản xuất của Mỹ tiếp tục đi xuống trong tháng 4, khi thuế nhập khẩu đẩy chi phí đầu vào lên cao và buộc một số doanh nghiệp sa thải nhân viên.
Ngày 2/5, Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) thông báo Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) của Mỹ tháng 4 chỉ còn 48,4 điểm. Đây là mức thấp nhất 5 tháng và là tháng thứ 2 liên tiếp chỉ số này đi xuống.
PMI dưới 50 cho thấy hoạt động sản xuất đang co lại. Lĩnh vực này hiện đóng góp khoảng 10,2% kinh tế Mỹ.
Số liệu PMI cho thấy chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống Donald Trump đang gây tổn hại tới ngành sản xuất. Doanh nghiệp mọi lĩnh vực tham gia khảo sát của ISM đều cho biết thuế nhập khẩu là vấn đề nghiêm trọng, trong đó một số phàn nàn về cách áp thuế thiếu trật tự.
Đến nay, Mỹ đã áp thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ đối tác thương mại, riêng Canada, Mexico là 25% và Trung Quốc là 145%. Các sản phẩm như nhôm, thép, xe hơi cũng bị áp thuế riêng. Trung Quốc, Canada đều đã tung biện pháp trả đũa.

Bên trong một nhà máy của BMW tại South Carolina (Mỹ). Ảnh: Reuters
“Chúng tôi dự báo tình trạng suy giảm tại ngành sản xuất nghiêm trọng hơn trong hè này, kể cả nếu thuế nhập khẩu, đặc biệt là với hàng Trung Quốc, được nới lỏng thời gian tới”, Ben Ayers – chuyên gia kinh tế cấp cao tại Nationwide nhận định.
Ngành sản xuất của Mỹ phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Việc PMI giảm tháng thứ hai liên tiếp đã chấm dứt đợt phục hồi ngắn của lĩnh vực này. Trước đó, sản xuất của Mỹ tăng nhờ kỳ vọng môi trường pháp lý nới lỏng hơn dưới thời ông Trump và Fed giảm lãi suất.
Trong tháng 4, có 11 ngành sản xuất ghi nhận tăng trưởng, gồm thiết bị điện, sản phẩm điện tử và máy móc. Trong khi đó, 6 ngành báo cáo giảm, gồm đồ gỗ, giấy và thiết bị giao thông.
Các nhà sản xuất thiết bị giao thông cho biết thuế đang ảnh hưởng đến hoạt động của họ. Đặc biệt là việc “giao hàng qua biên giới bị chậm trễ và cách tính thuế nhập khẩu phức tạp, khó hiểu”. Doanh nghiệp thiết bị điện tử và máy tính thì phàn nàn “toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang bị giữ lại”. Bên cạnh đó, mức chi phí hiện tại cũng bất khả thi với cả hoạt động kinh doanh lẫn khách hàng.
Chỉ số đơn hàng mới tăng lên 47,2 trong tháng 4 từ mức 45,2 của tháng trước, do doanh nghiệp tiếp tục đặt hàng trước khi thuế có hiệu lực. Tuy nhiên, sản lượng tại nhà máy vẫn ở mức thấp trong bối cảnh thời gian giao hàng kéo dài. Chỉ số giao hàng của nhà cung cấp tăng từ 53,3 trong tháng 3 lên 55,2 tháng 4. Mức trên 50 cho thấy tốc độ giao hàng đang chậm lại.
Hàng tồn kho tại các nhà máy tiếp tục tăng, dù với tốc độ vừa phải. “Tồn kho tăng không phải tín hiệu tích cực trong bối cảnh nhu cầu đi xuống. Đây là phản ứng tạm thời nhằm tránh thuế nhập khẩu. Tồn kho sẽ giảm trở lại khi vấn đề thương mại được giải quyết,” Timothy Fiore – Chủ tịch Ủy ban Khảo sát Kinh doanh Ngành Sản xuất của ISM – nhận định. Trong khi đó, thời gian giao hàng dài do doanh nghiệp đẩy nhanh nhập hàng và hàng bị chậm thông quan tại các cảng.
Chỉ số giá đầu vào tăng lên 69,8 điểm – mức cao nhất kể từ tháng 6/2022. Các nhà máy tiếp tục cắt giảm việc làm. Fiore cho biết “nhiều công ty chọn phương án sa thải vì nhanh hơn so với việc để nhân viên tự nghỉ”.
Tuy vậy, phần lớn doanh nghiệp vẫn đang chờ xem chính sách thuế sẽ đi đến đâu và chưa vội cắt giảm nhân sự hàng loạt. Số khác thì tỏ ra thận trọng trong việc tuyển thêm lao động.
Hà Thu (theo Reuters)