Hỗ trợ lắp điện mặt trời mái nhà: Chính sách chỉ dành cho nhà giàu?

Hỗ trợ lắp điện mặt trời mái nhà: Chính sách chỉ dành cho nhà giàu? – rss

điện mặt trời - Ảnh 1.

Công nhân lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tại TP.HCM – Ảnh: NGỌC HIỂN

Đây là chính sách vừa được Bộ Công Thương đề xuất tại dự thảo quyết định của Thủ tướng về chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời (ĐMT) tự sản, tự tiêu thụ và lưu trữ điện, áp dụng cho những hộ gia đình lắp đặt cho nhu cầu tự dùng tại nhà ở riêng lẻ và không nối lưới vào hệ thống.

Hỗ trợ, khuyến khích lắp ĐMT mái nhà

Anh Quang Thuận (phường Bình Đông, TP.HCM) cho hay mỗi tháng gia đình phải thanh toán từ 2 – 3 triệu đồng tiền điện, vì có sử dụng thêm thiết bị “ngốn” nhiều điện như điều hòa, tủ lạnh…

Do vậy, việc lắp đặt hệ thống ĐMT sẽ giúp gia đình anh chủ động nguồn điện, giảm thiểu tiền điện và đảm bảo hiệu quả sử dụng cho các thiết bị có công suất lớn.

Do vậy, khi nghe thông tin về chính sách hỗ trợ mà Bộ Công Thương đưa ra, anh Thuận cho rằng rất hữu ích cho người dân khi lắp đặt ĐMT mái nhà.

Theo anh Thuận, chi phí lắp đặt hệ thống điện áp mái có pin lưu trữ đang vào khoảng từ 15 – 17 triệu đồng/kWp, dù tiền hỗ trợ không nhiều nhưng có tính khuyến khích, động viên người sử dụng điện áp mái.

“Ngay cả khi không được hỗ trợ, gia đình tôi cũng lắp đặt ĐMT mái nhà để tiết kiệm tiền điện. Việc Nhà nước có chính sách hỗ trợ chủ yếu nhằm khuyến khích, ủng hộ người dân lắp đặt, bởi số tiền hỗ trợ không đáng là bao.

Điều mà chúng tôi quan tâm nhiều hơn là làm sao để thủ tục lắp đặt, nhận hỗ trợ nhanh gọn, có thể làm trực tuyến và đảm bảo thiết bị sử dụng được an toàn, hiệu quả”, anh Thuận nói.

Dù có nhu cầu lắp đặt ĐMT áp mái nhưng qua tìm hiểu, chị Mai Anh (phường Hà Đông, Hà Nội) cho biết vẫn đang cân nhắc do số tiền phải bỏ ra đầu tư hệ thống, gồm cả pin lưu trữ, lên tới 75 triệu đồng, một số tiền khá lớn so với khả năng chi trả của gia đình chị, trong khi chi phí tiền điện mỗi tháng của gia đình chị hết khoảng từ 1 – 2 triệu đồng.

Trong khi đó, theo chị Mai Anh, các ngân hàng thương mại chưa có chính sách hỗ trợ lãi suất cho việc lắp đặt hệ thống ĐMT áp mái, mà áp lãi suất cho vay tiêu dùng chung, mà lãi suất cho vay tiêu dùng đang quá cao.

Do đó nếu các ngân hàng có gói cho vay lãi suất ưu đãi đối với người dân muốn đầu tư hệ thống ĐMT áp mái như đề xuất của Bộ Công Thương, chị sẽ cân nhắc vay đầu tư.

“Việc bỏ ra cả trăm triệu đồng lắp đặt hệ thống ĐMT mái nhà là “quá sức”, nên nếu được hỗ trợ 50% chi phí lắp với lãi suất phù hợp, tôi sẽ đầu tư ngay.

Theo tôi, các gói cho vay ưu đãi với lãi suất ưu đãi, chỉ từ 3 – 5% hoặc thấp hơn chắc chắn sẽ khuyến khích người dân tích cực đầu tư ĐMT mái nhà, đặc biệt là với những gia đình có thu nhập mức trung bình khá như tôi”, chị Mai Anh khẳng định.

Chị Lê Thị Thanh Huyền (chủ thương hiệu Phở Trịnh tại Hà Nội) cho biết với chi phí tiền điện mỗi tháng lên tới 4 – 6 triệu đồng, thậm chí lên tới 7 triệu đồng vào những tháng cao điểm chưa kể giá điện có xu hướng ngày càng tăng, gia đình chị đã lên kế hoạch lắp đặt hệ thống điện áp mái nhà.

Do đó theo chị Huyền, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước sẽ là “cú hích” kịp thời để gia đình chị xúc tiến nhanh việc đầu tư hệ thống này.

Phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, hiệu năng sử dụng

Tuy nhiên ngoài chính sách hỗ trợ, nhiều người dân cho rằng vấn đề chất lượng thiết bị, hiệu năng và hiệu suất sử dụng phải được đặt lên hàng đầu.

Trong thực tế, có rất nhiều thương hiệu và hãng cung cấp dịch vụ lắp đặt, chào mời với nhiều mức giá khác nhau. Tuy nhiên theo chị Huyền, đây là hệ thống điện gắn trực tiếp với tiêu dùng hằng ngày, cần phải đảm bảo an toàn nên chị cho biết ưu tiên lựa chọn những đơn vị lắp đặt uy tín.

“Các thiết bị lắp đặt phải có tem nhãn, giấy chứng nhận đảm bảo đạt tiêu chuẩn, đặc biệt là hệ thống pin, hệ thống aptomat khi nguy cơ cháy nổ lớn.

Vì vậy theo tôi, ngoài chính sách hỗ trợ, các cơ quan chức năng liên quan cần tập trung nhiều hơn với việc đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm trên thị trường, hỗ trợ quá trình lắp đặt, vận hành và sử dụng lâu dài”, chị Huyền đề nghị.

Là đơn vị chuyên lắp đặt hệ thống ĐMT áp mái cho các hộ gia đình và nhà xưởng trên cả nước, ông Ngô Quang Hải, giám đốc điều hành Công ty Focus solar, cũng khẳng định những người có nhu cầu lắp đặt hệ thống ĐMT mái nhà gồm cả pin lưu trữ thường quan tâm nhiều hơn đến chất lượng và hiệu suất sử dụng của sản phẩm thay vì mức giá.

Do đó, mức tiền hỗ trợ tối đa 2,5 triệu đồng/hệ thống chủ yếu mang tính động viên khuyến khích, chứ không có tính quyết định cho việc lắp đặt hệ thống này.

“Hầu hết các hộ lắp đặt điện áp mái có pin lưu trữ đều sẵn sàng chi trả các chi phí, nên yêu cầu hàng đầu là chất lượng sản phẩm, tính an toàn và thuận tiện sử dụng”, ông Hải nói và đề nghị cần phải có chính sách kiểm soát quy trình lắp đặt, chất lượng thiết bị đảm bảo an toàn.

Cũng theo ông Hải, người dân thường tham khảo và so sánh giá ở nhiều đơn vị khác nhau, nhưng không phải ai cũng hiểu thực sự chất lượng của những sản phẩm này ra sao được.

Với thị trường sản phẩm có nhiều loại hàng hóa, mẫu mã và chất lượng khác nhau, nên yêu cầu kiểm soát chất lượng, có quy trình lắp đặt, vận hành tiêu chuẩn được đánh giá là cần thiết.

Trong thực tế, đến nay vẫn chưa có quy trình cụ thể dành cho tiêu chí kỹ thuật tấm pin, cũng chưa có tiêu chuẩn lắp đặt để chuẩn hóa công tác này.

Trong thực tế, vấn đề chất lượng sản phẩm, thông tin pin, tình trạng sản xuất, cấu tạo và cách lắp đặt ra sao, cách bảo trì nhằm hạn chế rủi ro là những vấn đề vẫn chưa thực sự được rõ ràng và người dân còn băn khoăn rất lớn.

“Cùng với việc xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng thiết bị…, cần có chính sách thuế phí để giảm chi phí nhập khẩu linh phụ kiện nhằm giảm giá cho người tiêu dùng”, ông Hải đề nghị.

Cần mở rộng ưu đãi với hệ thống không lắp đặt pin lưu trữ

Ông Lê Quang Vinh, đại diện kinh doanh sản phẩm năng lượng mặt trời của Công ty TNHH Baywa R.E. Solar Systems (Việt Nam), cho rằng cùng với yếu tố kỹ thuật và đảm bảo tính an toàn, phần lớn người dân có mức thu nhập trung bình khá, tiêu thụ điện từ 1 – 3 triệu đồng/tháng, quan tâm nhiều đến chi phí lắp đặt.

Do đó, nếu chính sách chỉ áp dụng cho đối tượng là hộ gia đình sử dụng điện tự sản, tự tiêu có lắp đặt hệ thống lưu trữ, sẽ không phải dành cho đại đa số người tiêu dùng mà chỉ là những hộ có “điều kiện hơn”.

Trên thực tế, dù có chính sách hỗ trợ hay không, những gia đình có điều kiện kinh tế tốt, có nhu cầu vẫn sẽ lắp đặt hệ thống có pin lưu trữ.

Trong khi đó, nhu cầu lắp đặt của đại đa số người dân cho hệ thống từ 3 – 5kWp không gồm lưu trữ, chi phí ở mức từ 30 – 50 triệu đồng được đánh giá là phù hợp.

Trường hợp nếu phải lắp thêm lưu trữ, chi phí có thể gấp rưỡi hoặc gấp đôi, người dân sẽ phải cân nhắc việc lắp đặt do vượt quá khả năng chi trả.

Trong khi với hệ thống điện bán lên lưới chỉ được giới hạn 20%, nguồn điện sản xuất ban ngày từ ĐMT dư thừa do ít nhu cầu sử dụng và thiếu về ban đêm khi nhu cầu sử dụng cao hơn.

“Vì vậy, nếu được mở rộng thêm việc bán điện lên lưới, hoặc hỗ trợ cho cả đối tượng không lắp đặt pin lưu trữ, có tính khuyến khích hơn, để giảm áp lực đầu tư chi phí ban đầu cho người dân”, ông Vinh đề xuất.

Chỉ khuyến khích hộ lắp đặt để tự tiêu dùng

Theo Bộ Công Thương, quy định tại nghị định 58 và nghị định 135 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Điện lực, hệ thống ĐMT mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống lưới điện quốc gia sẽ được bán sản lượng điện dư lên lưới là 20% tổng công suất lắp, áp dụng theo giá thị trường.

Do đó, dự thảo quyết định này nhằm cụ thể hóa các quy định của luật, nghị định nhằm hỗ trợ, hướng dẫn người dân trong việc lắp đặt hệ thống ĐMT mái nhà đảm bảo hiệu quả, an toàn sử dụng.

Các chính sách này cũng nhằm khuyến khích hộ lắp đặt phục vụ mục đích chính là tự sản, tự tiêu dùng, có lưu trữ để sử dụng điện năng hiệu quả, tiết kiệm, không phải vì mục đích kinh doanh hay thương mại.

Để hỗ trợ người dân lắp đặt hệ thống ĐMT áp mái, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã có hướng dẫn cụ thể về việc đăng ký phát triển nguồn điện này.

Trong đó, với hệ thống không đấu nối với lưới điện quốc gia, hộ gia đình chỉ cần thông báo cho cơ quan điện lực địa phương và được xác nhận thông báo là đưa vào sử dụng.

Đối với hệ thống ĐMT áp mái có nối lưới, hộ gia đình cung cấp thông tin hồ sơ theo mẫu quy định làm căn cứ cơ quan điện lực kiểm tra, nghiệm thu kết nối hệ thống điện và đưa vào sử dụng.

Nếu bán điện dư lên lưới, ngoài việc cung cấp hồ sơ, đơn vị điện lực kiểm tra và nghiệm thu, hộ gia đình sẽ ký hợp đồng mua bán điện và thực hiện việc tiêu dùng, bán điện lên lưới.

Được hỗ trợ tối đa 2,5 triệu đồng, có lãi suất cho vay ưu đãi

Hỗ trợ lắp điện mặt trời mái nhà: Chính sách chỉ dành cho nhà giàu? - Ảnh 2.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần mở rộng chính sách ưu đãi với những hộ đầu tư hệ thống điện mặt trời không lắp pin lưu trữ – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo dự thảo, hộ gia đình lắp đặt ĐMT phục vụ mục đích tự sản, tự tiêu dùng, có lắp đặt hệ thống pin lưu trữ, sẽ được hỗ trợ tiền đầu tư với định mức tối đa là 500.000 đồng cho 1kWp, nhưng không vượt quá 2,5 triệu đồng cho một hộ gia đình.

Các hộ gia đình cũng được hỗ trợ lãi suất vay thương mại để đầu tư, như áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn, thời hạn hỗ trợ tối đa ba năm và mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 7 triệu đồng cho 1kWp, nhưng không quá 35 triệu đồng/hệ thống.

Ngoài ra, hệ thống ĐMT hộ gia đình được hỗ trợ về kỹ thuật trong quá trình đầu tư, lắp đặt và vận hành khai thác khi chủ hộ có đề nghị.

Trường hợp chủ hộ có nhu cầu bán sản lượng điện dư của hệ thống ĐMT hộ gia đình lên lưới điện, điện lực tại địa phương có trách nhiệm phối hợp lắp đặt hoặc thay thế hệ thống đo đếm điện năng hai chiều phù hợp với công suất đấu nối của hệ thống ĐMT hộ gia đình với lưới điện; hướng dẫn các thủ tục và các quy định có liên quan để ký kết hợp đồng mua bán sản lượng điện dư với chủ hộ…

Để được nhận hỗ trợ, các hộ gia đình phải đáp ứng được các điều kiện như có đơn đề nghị, đã hoàn thành đầy đủ các thủ tục phát triển, đầu tư, lắp đặt, đấu nối, nghiệm thu và đưa vào vận hành khai thác; đáp ứng yêu cầu và thủ tục vay vốn theo quy định.

Điện lực tại địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các yêu cầu kỹ thuật theo quy định như: đấu nối, điều khiển, giám sát, bảo vệ; hướng dẫn công tác lắp đặt nhằm bảo đảm an toàn điện.

Tag: kinhte-tuoitre

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 1

No votes so far! Be the first to rate this post.