Nagakawa – doanh nghiệp duy nhất trên sàn chứng khoán sản xuất máy lạnh – lãi gần 14 tỷ đồng trong quý I, mức kỷ lục từ khi niêm yết.
Báo cáo tài chính mới công bố cho thấy, Công ty cổ phần Tập đoàn Nagakawa (NAG) ghi nhận doanh thu gần 963 tỷ đồng, tăng khoảng 42% so với quý I/2024. Trừ đi giá vốn, công ty có lãi gộp hơn 83,5 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 24%
Doanh thu hoạt động tài chính kỳ này giảm mạnh 62% về còn 1,4 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do lãi suất tiền gửi đi xuống. NAG đang có gần 347 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng.
Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính kỳ này được tiết giảm 16% về khoảng 18,5 tỷ đồng nhờ cắt bớt lãi vay. Tuy nhiên, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lại tăng lần lượt gần 38% và 20%, chủ yếu là chi phí nhân viên và dịch vụ mua ngoài.
Tổng lại, Nagakawa ghi nhận gần 13,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn 6%. Đây là mức lãi hàng quý kỷ lục của doanh nghiệp này kể từ khi niêm yết vào năm 2009. Lợi nhuận lũy kế đến nay đạt hơn 69 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo cho biết kết quả trên đến từ doanh thu ngành máy điều hòa không khí (máy lạnh) và nhu cầu nhập hàng của các đại lý cấp 1 tăng cao. Tuy nhiên công ty cũng phải triển khai các chương trình ưu đãi, chiết khấu và hỗ trợ bán hàng cho các đại lý để kích cầu nên lợi nhuận tăng không đáng kể nếu so với cùng kỳ.
Tập đoàn Nagakawa là một trong những đơn vị sản xuất điện máy nội địa tiên phong từ năm 2002 với sản phẩm chủ lực là điều hòa không khí, thường chiếm 70% doanh thu. Đây cũng là đơn vị duy nhất trong ngành đang niêm yết cổ phiếu trên sàn, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Từ năm 2021 đến nay, kết quả kinh doanh của hãng ngày càng khả quan. Trước đó, doanh thu hàng năm của công ty thường không vượt nổi mốc 300 tỷ đồng, lợi nhuận cả năm chỉ quanh 10 tỷ. Biên lợi nhuận ròng phổ biến ở ngưỡng thấp, khoảng 1-3%.
Lãnh đạo Nagakawa nhiều lần cho biết rủi ro thường trực của công ty là sự cạnh tranh “vô cùng khốc liệt” với 100 hãng điều hòa. Doanh nghiệp luôn có biên lợi nhuận ròng thấp do giảm giá bán trước sức ép từ hàng giá rẻ Trung Quốc. Ngoài ra, để tăng doanh số, hãng này cũng phải đánh đổi bằng các khoản chi lớn cho tiếp thị, trong khi mạng lưới kênh phân phối hạn chế, nhất là ở các hệ thống bán lẻ điện máy lớn.

Nhân viên Nagakawa đang lắp đặt hệ thống điều hòa công nghiệp. Ảnh: NAG
Theo báo cáo của Research & Market, Việt Nam là một trong những thị trường điều hòa lớn nhất châu Á, dự kiến đạt 2,9 tỷ USD năm 2025. Bên cạnh điều hòa dân dụng, sự phát triển của ngành công nghiệp kéo theo nhu cầu điều hòa cho các công trình văn phòng, trung tâm thương mại, bệnh viện, nhà xưởng… Với hơn 20 năm kinh nghiệm, Nagakawa lựa chọn điều hòa thương mại là thị trường ngách trọng điểm để giành thị phần.
Năm nay, họ đề ra mục tiêu có 2.940 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 8%. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng 35 tỷ đồng, tăng mạnh 30% so với năm trước. Nếu thành công, Nagakawa sẽ lập kỷ lục mới về kết quả kinh doanh.
Tất Đạt