Hàng chục nghìn hộp thuốc giả ‘chứa nhiều dược liệu giảm đau’

Hàng chục nghìn hộp thuốc giả ‘chứa nhiều dược liệu giảm đau’ – rss

Thanh HóaKiểm tra thuốc đông y chữa thoái hoá, viêm xoang, đau vai gáy… trong đường dây làm giả quy mô 200 tỷ đồng, công an xác định hàm lượng chủ yếu là dược liệu giảm đau.

Ngày 18/4, các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Thanh Hóa đang phân tích các mẫu tang vật là thuốc tây và đông y giả sau khi triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn nhất tỉnh.





Một loại viên nang chứa thành phần giảm đau. Ảnh: Lam Sơn

Một loại viên nang tang vật chứa thành phần giảm đau. Ảnh: Lam Sơn

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thanh Hóa cho hay kết quả phân tích, xét nghiệm ban đầu cho thấy nhóm thuốc đông y giả (chủ yếu được quảng cáo dùng chữa các bệnh về xương khớp) chứa hàm lượng lớn thuốc giảm đau, không có công dụng và thành phần chữa bệnh như giới thiệu trên bao bì.

“Giới chuyên môn đánh giá khi sử dụng các loại thuốc chữa bệnh có chứa thành phần giảm đau, người bệnh sẽ cảm thấy hết đau tức thời, khiến tiếp tục tin dùng sản phẩm”, điều tra viên nói.

Ở nhóm thuốc tây y giả, cơ quan chức năng hiện chưa phát hiện dược tính độc hại song không có dược tính kháng sinh chữa bệnh như hướng dẫn trên nhãn mác và quảng cáo trên mạng.





Hàng chục nhãn hiệu thuốc bị làm giả rất tinh vi. Ảnh: Lam Sơn

Hàng chục nhãn hiệu thuốc bị làm giả tinh vi. Ảnh: Lam Sơn

Nguyễn Tiến Đạt, kẻ cầm đầu đường dây, khai đã mua nguyên liệu là các loại tinh bột, chất kết dính, phụ gia trong y dược, than tre, chất tạo màu… từ các nguồn trôi nổi trên mạng hoặc các khu chợ truyền thống rồi “tự nghĩ ra công thức pha trộn, đóng gói thành thuốc chữa bệnh”.

Ngoài “làm giả y như thật” đường dây này còn tự “sáng tác” ra tên thuốc, bịa ra công dụng chữa bệnh rồi in thông tin, nơi sản xuất theo địa chỉ một số trụ sở đại sứ quán nước ngoài để đánh lừa người dân đó là hàng xách tay, hoặc hàng hóa có xuất xứ nước ngoài.

Theo công an, trong 14 nghi can không người nào có trình độ chuyên môn về sản xuất thuốc.

Ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Quản lý Dược Bộ Y tế, cho biết 21 loại thuốc tân dược, chữa xương khớp giả trong đường dây này đã không xâm nhập được vào các bệnh viện công do không có giấy tờ, chứng từ để tham gia đấu thầu.





Dây chuyền sản xuất thuốc giả ở các tỉnh phía Nam. Ảnh: Lam Sơn

Dây chuyền sản xuất thuốc giả ở kho phía Nam. Ảnh: Lam Sơn

Vụ án được phá vào đầu tháng 4 khi Công an Thanh Hoá khám xét 6 địa điểm tại Hà Nội, TP HCM, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp do Nguyễn Tiến Đạt, 34 tuổi, sử dụng làm nơi sản xuất, cất giấu thuốc chữa bệnh giả.

Nhà chức trách thu hàng nghìn hộp thuốc kháng sinh, thuốc bổ, thuốc thoái hoá xương khớp… giả thương hiệu lớn trên thế giới như Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter, Tui Hua Shen Jing Tong, Trùng thảo sâm nhung bổ tỳ, Gai cốt hoàn, Tuyết liên thiên ma bảo khớp hoàn… Tổng khối lượng thuốc giả và nguyên liệu bị tịch thu khoảng 10 tấn.

Công an tỉnh Thanh Hóa cáo buộc Đạt với vai trò cầm đầu đã câu kết với Trịnh Doãn Giáo 40 tuổi, ở TP HCM ở phía Nam để hình thành “mạng lưới sản xuất, buôn bán tân dược giả quy mô lớn, quy trình khép kín, thủ đoạn rất tinh vi”.

Đạt chỉ đạo thuê nhiều nhà kho ở nơi vắng, nhân công đều là anh em hoặc người thân quen được sắp xếp ăn ở khép kín tại xưởng sản xuất, tuyệt đối không giao tiếp với cư dân xung quanh.

Thủ đoạn bán thuốc giả ra thị trường cũng được nhóm này tính toán nhằm tránh bị phát giác. Đạt tuyển nhiều nhân viên dưới vỏ bọc là dược sĩ (trình dược viên) chuyên buôn bán thuốc cho công ty dược. Các bị can này được huấn luyện thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook quảng cáo có nguồn thuốc kháng sinh chính hãng, tuồn ra từ nguồn đấu thầu hoặc bán chạy doanh số không xuất được hóa đơn nên rao bán rẻ hơn so với hàng chính hãng.

Về các loại thuốc giả mạo nguồn gốc nước ngoài, các bị can giới thiệu đây là “hàng xách tay” để lấy lòng tin của người mua. Ngoài ra, để tạo niềm tin cho người sử dụng, các bị can mua thuốc thật trà trộn vào thuốc giả.





Cảnh sát áp giải các nghi can về nơi giam giữ. Ảnh: Lam Sơn

Cảnh sát áp giải các nghi can về nơi giam giữ. Ảnh: Lam Sơn

Quá trình điều tra, công an còn phát hiện trong nhiều chuyến giao hàng, Đạt còn chỉ đạo nhân viên giao hàng chưa đóng gói, dạng viên hoặc chỉ giao mỗi vỏ hộp thuốc để đề phòng nếu bị bại lộ cũng chỉ là hàng hóa chưa thành phẩm, nhằm giảm nhẹ hành vi.

Công an cáo buộc từ năm 2021 đến khi bị bắt, đường dây này đã bán ra thị trường hàng tấn thuốc giả, thu lời bất chính gần 200 tỷ đồng.

Hiện 14 nghi can trong đường dây đã bị khởi tố, bắt giam về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh.

Lê Hoàng

Tag: phapluat-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 7

No votes so far! Be the first to rate this post.