Ngoài hỗ trợ người dân đổi xe, Hà Nội sẽ chuẩn hóa trạm sạc, mở rộng phương tiện công cộng và xây dựng bản tin dự báo ô nhiễm trước khi cấm xe máy xăng từ năm 2026.
Chiều 15/7, tại tọa đàm Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh việc loại bỏ phương tiện chạy xăng dầu là xu thế tất yếu và Hà Nội sẽ nghiên cứu các chính sách hỗ trợ phù hợp nhất cho người dân trong khu vực Vành đai 1 khi cấm xe máy xăng từ tháng 7/2026.
Theo ông Tuấn, việc chuyển đổi phương tiện không chỉ là trách nhiệm của nhà nước mà cần sự tham gia của doanh nghiệp và người dân. Thành phố sẽ kêu gọi các hãng xe cung cấp phương tiện xanh với chính sách ưu đãi về giá bán và chi phí sử dụng; đồng thời, kiến nghị tiếp tục miễn, giảm lệ phí trước bạ và đăng ký xe điện.
Song song với hỗ trợ người dân đổi phương tiện, Hà Nội sẽ chuẩn hóa hệ thống trạm sạc, đổi pin cho xe điện; tích hợp các yêu cầu an toàn như phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ. Các trạm đổi pin sẽ có sự tham gia của nhiều hãng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi phương tiện.
Ngoài ra, thành phố sẽ mở rộng mạng lưới giao thông công cộng bằng xe điện, chuyển đổi toàn bộ xe buýt, taxi và xe trung chuyển từ 4 đến 16 chỗ hoạt động trong khu vực Vành đai 1. Hệ thống đường sắt đô thị cũng sẽ được đẩy nhanh tiến độ để đáp ứng nhu cầu đi lại khi phương tiện cá nhân bị hạn chế.

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn. Ảnh: VGP
Theo chỉ thị của Thủ tướng ban hành ngày 12/7, từ 1/7/2026, Hà Nội sẽ cấm xe máy xăng trong khu vực Vành đai 1. Đến năm 2028, phạm vi cấm mở rộng ra Vành đai 2 và từ năm 2030 là Vành đai 3, đồng thời hạn chế cả với ôtô chạy xăng dầu.
Hiện Hà Nội có khoảng 6,9 triệu xe máy, trong đó riêng Vành đai 1 có khoảng 450.000 chiếc, tương ứng với 600.000 dân cư sinh sống tại khu vực nội đô lịch sử. Ông Tuấn dẫn các nghiên cứu cho thấy xe máy xăng dầu chiếm tới 60% nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội, trong khi khoảng 70% phương tiện đang sử dụng là xe cũ, khó kiểm soát khí thải. Thành phố cũng đang tính toán lộ trình kiểm chuẩn khí thải cho xe máy từ ngày 1/7/2027.
Xây dựng bản tin dự báo ô nhiễm
Tại tọa đàm, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, chia sẻ nhiều kinh nghiệm từ các thành phố lớn như Bắc Kinh, Jakarta và các nước châu Âu. Ông cho biết, các đô thị này đều đồng thời thực hiện cấm xe xăng dầu, khuyến khích phương tiện sạch và đầu tư mạnh cho hạ tầng giao thông công cộng.
Từ thực tiễn quốc tế, ông Tùng cho rằng Hà Nội cần thiết kế chính sách hỗ trợ toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng an toàn vận hành, mạng lưới sạc pin và năng lực của giao thông công cộng trước khi cấm xe máy xăng.
Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết bộ đang xây dựng hệ thống dự báo ô nhiễm không khí tương tự dự báo thời tiết. Bản tin này sẽ giúp người dân theo dõi chất lượng không khí hằng ngày và là công cụ phục vụ điều hành chính sách môi trường đô thị.
Vũ Tuân